13/05/2012 07:01 GMT+7

"Chủ tịch xã trong mơ" của Trung Dân

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Những ngày tháng 5, "nghệ sĩ nông dân" Trung Dân đang tập trung hoàn thành bộ phim đầu tay do anh làm đạo diễn dài 30 tập Bìm bịp kêu chiều.

vE8PHLU8.jpgPhóng to
Đạo diễn Trung Dân (phải) trên trường quay bộ phim Bìm bịp kêu chiều - Ảnh: Q.Phát

* Ðã nghe anh nói về phim Bìm bịp kêu chiều cách đây mấy năm, sao đến nay dự án đó mới thực hiện được?

- Phim Bìm bịp kêu chiều được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tôi. Khi đọc truyện này nghệ sĩ Xuân Hương, chú Mạc Can có nói truyện này làm phim thì hay, từ đó tôi nhen nhóm ý định chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình.

Ban đầu tôi thuê người ta viết, trả tiền đàng hoàng nhưng không vừa ý lại bỏ hết. Cuối cùng tôi tự viết luôn, cũng khá cực vì tôi dốt vi tính, trong vòng một năm mới hoàn thành kịch bản. Cầm kịch bản phim đầu tay chào hàng một số hãng, họ lắc đầu nói tôi là thằng hề biết gì về phim mà làm. Rốt cuộc tôi tự lập hãng phim. Cái hãng thì nhỏ như lỗ mũi nhưng tên nghe... bể mũi: Nasa. Chúng tôi gia công phim này cho Hãng Thiên Nam An.

* Ðược biết phim của anh có nói về nghề nuôi cá bè. Hồi nào giờ người ta thường thấy các tiểu phẩm, các chương trình truyền hình, hay các vở kịch của Trung Dân làm về nông thôn đều đậm tính thời sự. Ắt hẳn những chuyện điêu đứng của người nông dân nuôi cá bè thời gian qua cũng đã được anh cập nhật?

- Hôm trước tôi vừa gọi điện về cho một gia đình nông dân nuôi cá bè mà tôi quen ở Ðồng Tháp. Gác máy xong tui thẫn thờ suốt. Vợ chồng họ gây nhau dữ lắm, bà vợ còn đòi tự vận, bè cá treo hết rồi, nợ ngân hàng ngập đầu, giờ tới tiền trả lãi mà cũng không đào đâu ra. Chua xót lắm! Nhưng phim tôi đã đóng máy trước khi những xôn xao đó xảy ra, giờ có muốn sửa cũng không được. Ðành chấp nhận có những chi tiết lạc hậu so với thời cuộc, biết mà không thay đổi được nên làm hậu kỳ phim mà tôi thấy khó chịu vô cùng!

* Người ta còn râm ran về một nhân vật "chủ tịch xã trong mơ" trong phim. Nó khiến người ta tò mò?

- Ra rả trong đoàn phim của tôi mọi người cũng nói vậy! Ðó là ông chủ tịch xã tên Tùng, có hai bằng đại học, giỏi ngoại ngữ, sống liêm khiết, gia tài chỉ có cái ghế bố, vali gỗ và mấy chục cuốn sách. Ông chủ tịch không ngồi họp mà xắn áo, xắn quần lội sông đưa con nít đi học, lội xuống ruộng bắt từng con rầy, kêu gọi trí thức về với xã vùng biên... Vợ con ông thì chết hết trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Có một số người sau thẻ Ðảng là danh vọng, tiền bạc, nhà lầu, xe hơi..., còn ông chính là hình ảnh mà tôi muốn gửi gắm: chúng ta rồi cũng sẽ chết, cái còn lại chỉ là sự tử tế và một cuộc sống có ý nghĩa.

Ở đây, tôi muốn cụ thể hóa phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với hình ảnh nhân vật Tùng trong phim.

Lạ một điều là có những người không hiểu lấy thông tin từ đâu lại cho rằng tôi làm nhân vật này để... nịnh! Tôi không phản bác, cuộc đời không chỉ thấy cái xấu mà còn phải thấy cả những điều tốt, vơ đũa cả nắm sao được. Tôi nghĩ bản thân tôi và không ít người dân đều hi vọng và mong mỏi có những người lãnh đạo tốt, làm phim cũng là cách hiện thực hóa ước mơ...

* Tên tuổi của anh gắn liền với nhiều chương trình dành cho người nông dân, ở phim đầu tay này, chắc hẳn những kinh nghiệm trước đây cũng hỗ trợ anh rất nhiều trong quá trình đạo diễn?

- Tôi không phải nhà địa lý hay phong thủy, nhưng tôi thừa hưởng được nhiều điều bổ ích từ văn hóa canh tác của ông bà mình. Có ba cảnh quay mà tôi rất ưng ý là thả đèn trên sông. Nhiều diễn viên cứ giục tôi quay nhanh để họ còn kịp về thành phố chạy sô, nhưng tôi cứ gục gặc: "Các bạn phải chiều tôi một chút". Thật ra các bạn ấy không hiểu, tôi đã giở lịch coi ngày, phải đúng ngày đó là con nước ương, đứng, không có gió. Khi đó cảnh thả đèn mới thật đẹp, thổi một chút khói vào là hết sức huyền ảo, chỉ trong bốn giờ quay cho ba cảnh tâm đắc. Nếu không chờ đúng thời điểm đó thì cả tháng sau mới quay được, mà quay ở thời điểm khác thì nước chảy ào ào, gió thổi liên hồi sao thả đèn, thắp sáng được khúc sông!

Tôi đã từng một mình bịt khẩu trang rong ruổi ngồi xe đò đi gần hết các tỉnh miền Nam để tìm hiểu, trò chuyện với người nông dân, tới chừng bị sốt rét sém chết vợ phải kêu mới chịu về nên có được vốn sống kha khá và gần gũi với người nông dân. Ước mơ của tôi là nếu có điều kiện tôi sẽ làm mỗi phim về một tỉnh để có thể nói được những điều mình tâm đắc.

o6C3UTZK.jpgPhóng to

Kyo - ca sĩ của nhiều bài hát tiếng Việt quen thuộc (bìa phải) - vào vai một thương gia trong Bìm bịp kêu chiều - Ảnh: Q.Phát

Bìm bịp kêu chiều nói về đời sống của người nông dân gắn với nghề nuôi cá bè ở vùng Bảy Núi, An Giang. Trên bối cảnh sông nước đó là câu chuyện tình yêu và cuộc sống của bốn bạn trẻ Lực - Sen - Sậy - Tầm Gởi. Những biến cố cuộc đời đã đẩy đưa họ vào cuộc lựa chọn mưu cầu hạnh phúc bằng mọi cách hay chọn sự tử tế để chiến thắng. Phim dự kiến phát sóng trên HTV vào tháng 6 năm nay.

LINH ĐOAN

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên