26/08/2013 16:37 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội: nông dân phải có nhiều đất hơn

PHƯƠNG NGUYÊN
PHƯƠNG NGUYÊN

TTO - Ngày 26-8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng lãnh đạo các bộ ngành đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh An Giang về tình hình thực hiện chương trình “tam nông”.

49Nz9Anj.jpgPhóng to
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (giữa) làm việc tại hội nghị - Ảnh: P.Nguyên

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao việc đầu tư cho tam nông của tỉnh An Giang, thông qua mức tăng trưởng ổn định ước đạt trên 9,2%/năm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khá tích cực, tập trung nguồn lực lớn cho hệ thống thủy lợi, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, chăm sóc sức khỏe nhân dân, hệ thống giáo dục, văn hóa và nông thôn mới…

Là tỉnh đi đầu trong thực hiện chương trình tam nông nhưng An Giang thường xuyên gặp tình trạng “đi trước về sau” do tổ chức sản xuất còn bộc lộ nhiều yếu kém, chậm đổi mới, các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất thực hiện còn rời rạc và chỉ tập trung ở một số sản phẩm. Việc chuyển giao khoa học công nghệ thực hiện chậm, chưa có tính đột phá đáp ứng nhu cầu phát triển, kho bãi, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất còn hạn chế gây nhiều khó khăn.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở địa phương cần khắc phục những yếu kém đang tồn tại, trong đó có việc sản xuất nông nghiệp phát triển nhưng thiếu tính ổn định, điệp khúc trúng mùa rớt giá thường xuyên xảy ra. Các mặt hàng nông nghiệp sản xuất ra còn thiếu sức cạnh tranh, giá thành cao, chưa đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.

Để nông dân khá hơn, chủ tịch gợi ý địa phương xem lại cơ cấu nông dân trên tổng diện tích đất nông nghiệp, để mỗi người nông dân thực thụ là một chủ đất với diện tích canh tác rộng lớn hơn, liên kết dễ dàng hơn, lợi nhuận cũng cao hơn. Những nông dân dôi dư sẽ được bố trí vào những ngành nghề khác trong xã hội, vì thế địa phương phải tính đến việc phát triển lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, mở rộng nhiều mô hình sản xuất thu hút lao động phổ thông…

Về nông thôn, nông dân, chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu An Giang tập trung hơn nữa trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển, nhu cầu sản xuất, vận chuyển hàng hóa, sinh họat của người dân. Cần tạo điều kiện, tháo gỡ để doanh nghiệp, nông dân tiếp cận được các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp; việc đào tạo nghề cần gắn với thực tế nhu cầu tại địa phương, tránh tình trạng đào tạo hình thức và chậm đổi mới trong công tác giảng dạy…

Theo lãnh đạo tỉnh An Giang, việc tăng trưởng ổn định trong điều kiện khó khăn hiện nay là nhờ vào vai trò nền tảng, bệ đỡ của nền nông nghiệp. Giá trị sản xuất thu được trên đơn vị diện tích 1ha năm 2012 đạt trên 102 triệu đồng, tăng 36,5 triệu đồng/ha so với năm 2009 (tăng trên 55%). Qua 5 năm thực hiện chương trình tam nông, tỉnh An Giang đã “đẩy” diện tích gieo trồng lên gần 700.000 ha (tăng 78.000 ha), đầu tư trên 1.100 tỉ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi, hỗ trợ nhà ở cho trên 9.300 hộ nghèo…

PHƯƠNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên