Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh: Quochoi.vn
Dự án luật được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (20-4), trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp cuối tháng 5.
Trình bày dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết sau khi tiếp thu ý kiến ĐBQH tại kỳ họp trước, dự thảo đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật.
"Đây là trách nhiệm pháp lý của mỗi cá nhân thanh niên, giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Mặt khác, dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc tạo điều kiện cho thanh niên phát triển bản thân để từ đó phát huy, cống hiến và trưởng thành, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc" - ông Bình nói.
Đối với chính sách cho thanh niên, dự thảo luật không quy định các chính sách cụ thể để tránh trùng lắp, chồng chéo với các luật chuyên ngành, mà quy định về các định hướng chính sách cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong các lĩnh vực như: học tập và nghiên cứu khoa học; lao động và việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận nội dung dự thảo luật, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cảm nhận "vẫn thấy rằng quy định giữa trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi không rõ, thậm chí quy định trong dự thảo cả một số nội dung mà luật khác đã điều chỉnh".
"Tôi quan tâm đến quy định về thanh niên xung phong. Trong lịch sử thì lực lượng này đã để lại rất nhiều kỳ tích, từ các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thời kỳ xây dựng đất nước sau này. Tôi nghĩ tại sao không tổ chức tốt để thanh niên xung phong thực hiện các dự án đầu tư công, họ làm với mục đích phi lợi nhuận (tuy nhiên phải đáp ứng được cuộc sống của họ), để họ thể hiện vai trò xung kích của mình?" - ông Hiển đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng phải có những công trình đầu tư công được Nhà nước giao cho thanh niên, vừa tạo việc làm vừa tạo điều kiện để thanh niên cống hiến, thể hiện khả năng, vai trò xung kích của mình.
"Trong điều kiện hiện nay đã cần thiết thành lập Bộ Thanh niên hay không?" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề, dẫn ví dụ một Singapore có dân số ít và diện tích nhỏ nhưng "họ cũng có Bộ Thanh niên và thể thao".
Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam cần cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên, đổi mới cơ chế quản lý. Khi đó Bộ Nội vụ không phải quản lý nhà nước về thanh niên nữa, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn là Bộ trưởng Bộ Thanh niên luôn.
Như vậy, theo bà Ngân, sẽ không "đẻ" thêm cơ quan mới và không tốn thêm kinh phí mà là điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ (hiện nay ngân sách hàng năm giao cho Trung ương Đoàn cũng như một bộ).
"Tôi đề nghị là tương lai chúng ta có thể nghiên cứu mô hình này" - bà Ngân bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận