Ông Nguyễn Duy Linh bị tòa bác yêu cầu đòi 450 triệu đồng thiệt hại vì hợp đồng chuyển giao công nghệ máy rửa ly không được thực hiện - Ảnh: P.T |
Ngày 22-2, TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo của ông Nguyễn Duy Linh (57 tuổi) về yêu cầu bồi thường thiệt hại do tranh chấp trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất máy rửa ly.
Theo đơn, ông Linh cho rằng mình là người sáng chế ra chiếc máy rửa ly đa năng bán tự động. Máy đã được sản xuất để bán ra thị trường. Tháng 9-2014, ông Linh ký hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất máy rửa ly cho ông Nguyễn Hoàng Lâm (33 tuổi, ngụ quận 1).
Vì ông Linh chưa được cấp bằng sáng chế đối với công nghệ sản xuất máy trên nên hai bên không thể công chứng hợp đồng chuyển giao này mà cùng thỏa thuận sẽ che dấu bằng việc ký hợp đồng vay mượn tiền.
Cụ thể, ông Lâm đã lập hợp đồng công chứng cho ông Linh vay 100 triệu đồng với thời hạn 3 tháng.
Tuy nhiên, sau đó hai bên có tranh chấp trong việc chuyển giao công nghệ nên ông Lâm đã nộp đơn kiện ông Linh đến TAND TP.HCM.
Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Nguyễn Duy Linh có đơn phản tố không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn.
Theo ông Linh, hai bên đã thỏa thuận đợt 1 sẽ thanh toán số tiền 170 triệu đồng để chuyển giao công nghệ sản xuất máy. Tuy nhiên ông Lâm chỉ chuyển số tiền 100 triệu đồng.
Ông Linh đã mở xưởng để chuyển giao công nghệ cho ông Lâm nhưng ông Lâm không đến nhận. Ông Linh cho rằng ông Lâm khi nộp hồ sơ đăng ký cấp bằng sáng chế đã giữ bản gốc biên nhận, không trả cho ông.
Ông còn “tố” ông Lâm đã dùng bản mô tả đăng ký bản quyền để dịch sang tiếng Anh, có ý đồ bán sáng chế này ra nước ngoài.
Ông Linh yêu cầu ông Lâm phải bồi thường thiệt hại số tiền 450 triệu đồng do phải ngừng sản suất máy rửa ly một thời gian theo thỏa thuận gữa các bên.
Không đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Lâm cho rằng ông nộp đơn đăng ký bằng sáng chế dưới tên của ông Linh tại Cục sở hữu trí tuệ TP.HCM nhưng vì ông Linh không tin tưởng nên liên tục nhắn tin đe dọa ông.
Ông Lâm cho rằng ông Linh vi phạm thỏa thuận giữa hai bên, tự ý sản xuất và bán máy ra thị trường nên ông không đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM cho rằng ông Linh chưa được cơ quan nhà nước công nhận là chủ sở hữu công nghệ nên không có quyền chuyển giao cho bất cứ ai.
Cả hai bên đã dùng hợp đồng vay tài sản để che dấu hợp đồng chuyển giao công nghệ máy rửa ly bán tự động nên hợp đồng vay tài sản là vô hiệu, hai bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Ông Linh phải trả lại cho ông Lâm 100 triệu đồng.
Tòa cũng bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại 450 triệu đồng của ông Linh bởi cả hai người đều có lỗi ngang nhau nên không ai phải bồi thường cho ai.
Sau khi xử sơ thẩm, ông Linh kháng cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận