20/05/2023 16:42 GMT+7

'Chủ nợ' lo sốt vó khi 'con nợ' phát hành trái phiếu làm ăn bê bết

Nhiều trái chủ - 'chủ nợ' không khỏi lo lắng khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu - 'con nợ' làm ăn bết bát, thua lỗ, hay vướng vào vòng lao lý không biết khi nào mới trả được tiền cho mình.

Chủ nợ lo sốt vó khi con nợ phát hành trái phiếu làm ăn bê bết - Ảnh 1.

Nhiều khách hàng làm đơn nộp cho công an tố cáo các sai phạm liên quan đến trái phiếu An Đông - Ảnh: BÔNG MAI

Lo sợ "con nợ" trái phiếu xảy ra chuyện

Tuần tới chị Hương (đề nghị đổi tên, TP.HCM) sẽ ra Hà Nội để gặp mặt lãnh đạo doanh nghiệp V.P - thuộc lĩnh vực xây dựng và bất động sản, để bàn về việc thanh toán trái phiếu.

Bởi trước đó chị đã bỏ ra 1,6 tỉ đồng mua trái phiếu của công ty này phát hành, nhưng từ cuối năm 2022 đến nay không khỏi lo lắng vì bị đột ngột cắt tiền lãi, đồng thời trái phiếu đã đến hạn nhưng không được mua lại như cam kết ban đầu.

"Không chỉ riêng tôi mà hàng trăm trái chủ khác cũng đang rất lo lắng. Chúng tôi chưa dám làm ầm lên, vì sợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng danh tiếng, khó làm ăn, khó có tiền trả cho chúng tôi", trái chủ ("chủ nợ") chia sẻ.

Đổ hơn 3 tỉ đồng ra mua trái phiếu của công ty bất động sản lớn phát hành, từ hy vọng được lợi nhuận tốt, giờ đây anh Quang như ngồi trên đống lửa. Có lô trái phiếu đã đến thời gian tất toán (nhận đủ cả gốc lẫn lãi), nhưng gần bốn tháng sau anh mới nhận được lãi, còn gốc thì chưa biết khi nào.

"Bất ngờ thị trường gặp biến, tôi và nhiều người khác tìm cách gặp lãnh đạo công ty chứng khoán nhưng không được. Thật sự bất an”, anh Quang chia sẻ.

Mới đây Công ty cổ phần đầu tư Revital Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, công bố dữ liệu tài chính với dư nợ trái phiếu lên đến 1.155 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn gần 10 tỉ đồng. Được biết, doanh nghiệp này đang làm thủ tục giải thể. Thông tin của doanh nghiệp trên cũng khiến không ít người lo lắng.

Theo Tổng cục Thống kê, tính riêng bốn tháng đầu năm nay có 28.999 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tuy nhiên cũng có đến 77.001 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Quan trọng là thiện chí trả nợ

Mặc dù vừa qua có nhiều chính sách hỗ trợ như nghị định 08 và nghị quyết 33, tạo nền tảng để doanh nghiệp phát hành trái phiếu có điều kiện tái cấu trúc nợ, hỗ trợ chủ đầu tư tiếp cận nguồn tín dụng mới... song nhiều vấn đề còn tồn đọng.

Theo dữ liệu từ FiinRatings, tính đến đầu tháng 5 này có tới 98 tổ chức phát hành chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp với tổng trị giá 128.500 tỉ đồng, tương đương hơn 16% tổng quy mô trái phiếu phi ngân hàng đang lưu hành.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tiếp tục tăng lên, ông Nguyễn Bá Khương - thuộc đội ngũ phân tích của Chứng khoán VNDirect - cho biết để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi bền vững cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó doanh nghiệp bất động sản phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền. Cơ quan quản lý cũng cần đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.

TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - chia sẻ, khi rủi ro xấu xảy ra, doanh nghiệp buộc phải thanh lý tài sản để trả tiền cho trái chủ. Vì vậy, trái chủ nên chọn trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản, thay vì bằng cổ phiếu với tính rủi ro cao.

Tuy nhiên, cần nhận thức rằng tài sản đảm bảo chỉ là một phần, điều quan trọng là thiện chí trả tiền. Không loại trừ trường hợp "con nợ" dây dưa không muốn trả.

Khi doanh nghiệp gặp khó, các trái chủ thường tìm cách thương lượng, tạo điều kiện để doanh nghiệp tái cấu trúc và có phương án trả nợ hợp lý, hoặc đổi nợ lấy tài sản..., tìm cách hạn chế tối đa thiệt hại cho cả hai.

Tuy nhiên, nếu không tìm được tiếng nói chung, trái chủ có thể khởi kiện để buộc doanh nghiệp làm thủ tục phá sản, thanh lý tài sản và trả nợ cho mình.

Qua cuộc khủng hoảng lần này, TS Huân cho rằng cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ, tránh để tình trạng phát hành trái phiếu quá dễ dãi diễn ra, gây rủi ro lên hệ thống. Người mua trái phiếu cũng cần cẩn trọng, chỉ mua khi đủ am hiểu, không đặt niềm tin tuyệt đối vào nơi bán.

92 người tố cáo tới công an vì bị 92 người tố cáo tới công an vì bị 'sập bẫy' trái phiếu bán tại SCB với gần 160 tỉ đồng

Nhiều người dân kéo tới Công an TP.HCM, nộp đơn tố cáo đã bị 'sập bẫy' trái phiếu bán tại Ngân hàng SCB, chứ không phải tham gia hình thức mới là gửi tiết kiệm với lãi suất cao và rút linh hoạt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên