Do nhu cầu xây dựng tăng cao sau Thế chiến II, Brutalism xuất hiện khắp thế giới, đặc biệt là ở Vương quốc Anh và những nước Đông Âu theo chủ nghĩa xã hội, nơi chúng được ứng dụng rộng khắp để tạo nên kiến trúc quốc gia mới.
Chủ nghĩa thô mộc Brutalism hình thành từ Thế chiến II ở phương Tây, phổ biến trong những năm 1960 và 1970, gắn liền với hình ảnh đô thị đậm lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đánh dấu bằng sự xuất hiện của các công trình nhà ở giá rẻ và tòa nhà chính phủ làm từ vật liệu thô mộc, chưa qua tinh chế ở Anh và nhanh chóng lan sang các nước Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Brazil, Canada, Úc và Philippines.
Khi đó, các kiến trúc sư và các nhà xây dựng đã tìm cách thể hiện cảm giác mạnh mẽ thông qua các thiết kế giống như pháo đài, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp kém hoàn hảo của các vật dụng thủ công.
Brutalism biểu lộ sự sáng tạo tuyệt vời của các kiến trúc sư trẻ phương Tây trong những năm 1950-1970.
Thậm chí, nhiều kiến trúc sư lựa chọn phong cách Brutalism ngay cả khi họ có nguồn ngân sách lớn bởi đánh giá cao tính chất nghệ thuật điêu khắc, cấu trúc giàu tính sáng tạo và "tính trung thực" của chủ nghĩa này.
Nên nhớ rằng, Brutalism không xuất phát từ nghĩa tàn bạo - brutal (tiếng Anh) mà có nguồn gốc từ béton brut (tiếng Pháp) nghĩa là bê tông thô - một vật liệu đặc trưng của chủ nghĩa này.
Trong thiết kế kiến trúc, chủ nghĩa thô mộc thể hiện ở việc mọi công trình đều giống như một tổ hợp khối, hình thành từ những khối công năng nhỏ hơn.
Từng bộ phận công năng đều phù hợp với tính thẩm mỹ chung và bố cục của cả công trình. Do vậy, dễ nhận thấy, phong cách kiến trúc thô mộc luôn bộc rõ tính công năng trên giải pháp cấu trúc xây dựng.
Trong thiết kế nội thất, chủ nghĩa thô mộc thể hiện qua những hình khối dạng kỷ hà, vật liệu thô mộc với chất liệu, kết cấu và màu sắc nguyên bản.
Không gian nội thất đậm chất Brutalism dành cho những người yêu vẻ đẹp mộc mạc, hoang sơ.
Đặc trưng tiêu biểu của chủ nghĩa thô mộc trong thiết kế nội thất:
• Sử dụng các vật liệu tự nhiên như bêtông, đá, kính, thép, đồng làm nội thất và các điểm nhấn kiến trúc. Toàn bộ vật liệu thường được giữ nguyên màu sắc, kết cấu bề mặt mà không sử dụng các lớp hoàn thiện hay giấy dán tường. Dễ thấy nhất là sự hiện diện của quầy bếp bêtông, mặt bàn bằng đá hoặc bêtông.
• Đường nét gọn gàng, sắc nét, góc cạnh ngang dọc tương phản mạnh, có thể xuất hiện nhiều yếu tố cong chéo hoặc độ dốc lớn.
• Hình khối mộc mạc, gợi nhớ lại những công trình mang hình thức về năng lượng từ thế kỷ 19 của nước Anh với kiểu dáng thanh lịch, đơn giản mà chân thực, tuyệt đối không chứa đựng sự che đậy, giả tạo.
• Không sử dụng các chi tiết trang trí. Mọi vật dụng trong nhà phải bộc lộ rõ tính chất công năng của nó.
Phong cách thô mộc bỏ qua mọi chi tiết trang trí, các đường nét cầu kỳ trong tất cả các khía cạnh của thiết kế, từ tay nắm tủ, núm, gờ tường, phào chỉ trần nhà… Thậm chí đèn trang trí, chiếu sáng cũng được giản lược tối đa mà chỉ giữ lại những gì thật sự cần thiết.
• Màu sắc trầm mang tính trung lập cao tạo cảm giác thân thuộc, gần gũi cho người sử dụng.
• Các khu vực chức năng được phân chia rõ ràng, thể hiện sự vuông vắn và khoa học.
Có thể thấy rằng, phong cách Brutalism phù hợp với những người yêu vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc, đường nét chắc chắn, mạnh mẽ, mang hơi hướng kỹ thuật.
Nếu bạn đang tìm kiếm cho mình một phong cách thiết kế hiện đại nhưng vẫn toát lên vẻ mộc mạc thì phong cách Brutalism chính là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.
Một vài gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn đưa phong cách thô mộc ấn tượng vào trong từng không gian sinh hoạt nhà mình.
1. Hướng tới thiết kế chân thực
Chủ nghĩa tối giản Minimalism và chủ nghĩa thô mộc Brutalism có một vài điểm chung, đó là cùng hướng tới thiết kế chân thực. Những đường nét gọn gàng, các chi tiết kiến trúc lộ thiên, bỏ qua vật liệu hoàn thiện… đều phù hợp với tinh thần của chủ nghĩa này.
Trong thiết kế nội thất, cố gắng giữ trần nhà thô mộc với hệ thống dầm gỗ tự nhiên được đặt cách nhau một khoảng đều nhau. Tường có thể sáng màu nhưng không nên sơn hoàn thiện mà giữ nguyên kết cấu bề mặt để tăng vẻ đẹp tự nhiên và mộc mạc nhất.
Bố cục không gian phải cực kỳ rõ ràng, khoa học, vuông vắn và đầy đủ, đem đến sự tiện nghi và nâng cao giá trị thẩm mỹ cho không gian sinh hoạt của gia đình.
2. Sử dụng hình khối
Chủ yếu vay mượn tính thẩm mỹ từ quá trình thi công các tòa nhà và các cấu trúc cơ bản của công trình, Brutalism sử dụng các hình khối và luôn chung thủy với các đường nét dạng hình học.
Thiết kế nội thất chuẩn phong cách Brutalism nên tiết chế đồ nội thất trang trí, chỉ sử dụng những món đồ nội thất mang hình khối hình học, thiết kế chắc chắn, mạnh mẽ với độ bền cao để tạo sự yên tâm cho người sử dụng.
Nội thất thô mộc mang hình khối hình học với thiết kế mạnh mẽ, chắc chắn.
3. Vẻ đẹp từ những thứ không hoàn hảo
Giống như kỹ thuật mộc vàng Kintsugi của người Nhật (loại hình nghệ thuật sửa chữa đồ gốm vỡ bằng cách lấy vàng để hàn gắn), Brutalism giúp mọi người nhận ra vẻ đẹp từ những thứ không hoàn hảo với kết cấu bề mặt thô ráp, "già nua", từ đó thay đổi hoàn toàn quan niệm truyền thống về cái đẹp.
Khi ứng dụng chủ nghĩa Brutalism, hãy cân nhắc lựa chọn các đồ vật được đúc bằng khuôn, rèn bằng búa hoặc tạo hình bằng tay. Một chiếc gương cổ hay đồ dùng có hiệu ứng rạn nứt cũng là lựa chọn không tồi.
Việc sử dụng thêm các vật dụng mềm mại như gối tựa, thảm trải sàn sẽ làm phong phú thêm kết cấu bề mặt giúp ngôi nhà trở nên sinh động hơn.
4. Điểm nhấn kim loại
Nội thất khung kim loại là xu hướng phổ biến trong nhiều năm qua và nó có liên quan mật thiết đến chủ nghĩa thô mộc Brutalism.
Nếu bêtông được chọn là vật liệu cấu trúc chủ yếu thì kim loại chính là vật liệu trang trí. Điều này có nghĩa là bạn nên lựa chọn chất liệu kim loại (hoặc ít nhất là những đồ dùng mạ kim loại) thay vì chất liệu gỗ cho nội thất và khung gương.
Chú ý kết hợp các điểm nhấn bằng đồng hay đồng thau với những tấm nệm tối giản để tạo nên bầu không khí ấm áp, thoải mái.
5. Thô mộc và gai góc
Công ty gia công kim loại C. Jeré (Mỹ) đã sử dụng mô típ gai nhọn kỳ dị khi trang trí những bức tường trong không gian đậm chất Brutalism và lối thiết kế này nhanh chóng được đón nhận.
Đèn trang trí hoặc những tác phẩm điêu khắc hình quả cầu gai không chỉ bắt mắt mà còn phảng phất phong cách thiết kế hoàng gia.
Những đường nét kỷ hà được đưa vào thiết kế như một cách tôn vinh sự không hoàn hảo của đồ vật và làm mềm các đường nét cứng nhắc của nội thất thô mộc. Hãy tô điểm chiếc bàn nguyên khối thô mộc với những món đồ trang trí có hình dạng gai góc, lởm chởm.
6. Bảng màu vô sắc
Brutalism là một trong số rất ít phong cách nội thất không chú trọng đến màu sắc. Kết cấu bề mặt, hình dạng và tỷ lệ là những yếu tố rất quan trọng còn màu sắc luôn bị xếp sau mọi thứ.
Những gam màu trầm mang tính trung lập cao sẽ thực sự phù hợp với tính chất của không gian thô mộc.
Ngoài ra, đừng quên thêm thắt một vài chi tiết ánh kim nhằm tạo điểm nhấn và mang đến vẻ đẹp sang trọng cho không gian sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận