Mới đây, giám tuyển Đỗ Tường Linh phát biểu như vậy tại workshop Nghệ sĩ Việt Nam ở thị trường thế giới (thuộc chuỗi workshop Đỡ đần: Sống sót trong thế giới nghệ thuật do Hanoi Grapevine khởi xướng) ở Hà Nội.
Vậy đó có phải một trong những yếu tố cản trở nghệ sĩ đương đại Việt Nam đến với thị trường thế giới? Chiến tranh, lịch sử là đề tài chật chội hay rộng mở, vẫy gọi sáng tạo?
Nhìn Việt Nam qua khung cửa hẹp
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Đỗ Tường Linh nói thực tế này bắt nguồn từ việc chiến tranh cách mạng vẫn là một lịch sử rất gần, cách ngày nay chưa đến 100 năm.
"Một bộ phận không nhỏ giám tuyển, nhà nghiên cứu nghệ thuật thế giới vẫn nhìn Việt Nam qua khung cửa hẹp, phần lớn ảnh hưởng từ Mỹ, nên chủ đề chiến tranh Việt Nam vẫn đang là một thẩm mỹ độc chiếm", giám tuyển này nói.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Sophie Huang - giám đốc Vietnam Art Collection - cho rằng chủ đề này đã được thể hiện rất nhiều trong nghệ thuật hoặc truyền thông Việt Nam trước đây.
Điều đó làm cho ta có cảm giác đó là những câu chuyện đã qua lâu lắm rồi nhưng khi nhìn dưới góc độ nghiên cứu lịch sử nghệ thuật của thế giới, đó vẫn là một chủ đề mới.
Theo Sophie, đó là lý do người nước ngoài không ngừng quan tâm và tò mò về chiến tranh Việt Nam. Chúng ta phải đợi đến thế hệ giám tuyển tiếp theo thì may chăng, thẩm mỹ đó mới thay đổi.
Tuy nhiên, giám tuyển Đỗ Tường Linh nói thêm: "Cách nhìn của thế giới khi nhìn/nghĩ về Việt Nam cũng không sai, bởi Việt Nam hôm nay vẫn đang sống trong bối cảnh hậu chiến hoặc tàn dư của chiến tranh".
Không chối bỏ, tránh sáo rỗng
Theo Sophie Huang, dù không nhiều nhưng thời gian qua, bắt đầu có một số giám tuyển thế hệ mới, khi nhìn về nghệ thuật châu Á, Đông Nam Á hay Việt Nam đã có một cái nhìn khác. Bản thân Việt Nam cũng đã có một thế hệ nghệ sĩ mới, không bị ảnh hưởng bởi chủ đề trên.
Song có thể vẫn có những nghệ sĩ mà trong gia đình của họ, ký ức chiến tranh, những câu chuyện liên quan đến chiến tranh vẫn còn có một mối liên hệ nào đó.
Nghệ sĩ không việc gì phải tránh né chủ đề lớn đó. "Tìm một cách kể chuyện mới dưới góc nhìn cá nhân là một hướng đi thú vị", Sophie nói.
Đỗ Tường Linh cho rằng nghệ sĩ trẻ Việt Nam không việc gì phải chối bỏ chủ đề này, có điều nên tránh kể những câu chuyện sáo rỗng. Chị nói: "Nhiệm vụ của nghệ sĩ là luôn đặt câu hỏi về việc tái thể nghiệm hình ảnh và có những góc nhìn phê phán, thậm chí là thách thức những góc nhìn sáo rỗng đó".
Thực ra, trong thời gian qua, một số nghệ sĩ đương đại Việt Nam cũng không chọn cách "đoạn tuyệt" với chủ đề chiến tranh, lịch sử. Chúng ta cũng có những nghệ sĩ thể hiện góc nhìn riêng, cá tính, thậm chí gai góc khi đi vào một chủ đề đã thành "kinh điển", tưởng chừng rất cũ.
Mới nhất, tại Trung tâm nghệ thuật The Outpost (Hà Nội), triển lãm Địa tầng số 0 đang trưng bày tác phẩm của 12 nghệ sĩ đương đại Việt Nam tới đầu tháng 12.
Triển lãm khám phá và trình bày một mặt cắt đa tầng về dòng chảy của nghệ thuật Việt và tinh thần Việt Nam đương đại.
Trong phần Lịch sử - những diễn cảnh ẩn mật, các nghệ sĩ khám phá ký ức cộng đồng thông qua lịch sử gia đình, lịch sử cá nhân...
Ở đó, công chúng bước vào câu chuyện của một dòng họ mà những người đàn ông đều mất ngón tay trỏ trong thời bom đạn tàn phá Thừa Thiên Huế (qua điêu khắc Ngón tay trỏ của nghệ sĩ Trần Tuấn), hay quang cảnh thời chiến trong tranh sơn dầu của nghệ sĩ Hoàng Dương Cầm.
Ở đó, trong chiếc tủ inox giống một trang bị quân đội - chứa năm bức ảnh kháng chiến (1970 - 1974) của nhiếp ảnh gia Võ An Khánh, ghi lại đời sống của các trạm quân y, đoàn văn nghệ vùng châu thổ Cửu Long.
Có khi là một sắp đặt về một năm tháng đã qua, qua tranh giấy B52 dưới trời Việt Nam của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị lần đầu được trưng bày.
Nói như tác giả Marc Jimenez trong cuốn sách 50 câu hỏi mỹ học đương đại, họ không xem đó là "trở ngại" trong quá trình thực hành nghệ thuật, vì nghệ thuật được lập nên "dựa trên sự tích lũy và hội nhập từng bước các tri thức đảm bảo cho sự phát triển và liên kết hiện tại với quá khứ và tương lai".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận