Chủ đầu tư cao ốc Postef 61 Trần Phú nói có trách nhiệm bảo vệ bức phù điêu đúng vị trí - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Nguyễn Tiến Hùng - tổng giám đốc Công ty cổ phần thiết bị Bưu điện (Postef) - vừa có báo cáo UBND quận Ba Đình liên quan đến việc phối hợp bảo vệ bức phù điêu ghi dấu sự kiện ngày 19-5-1967 gắn công trình tòa nhà Pháp cổ là trụ sở của công ty này tại địa chỉ 61 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.
Theo đó, đơn vị này khẳng định công ty (tiền thân là Nhà máy thiết bị bưu điện) đã có nhiều thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã góp lửa trong chiến thắng 19-5-1967 và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2005.
Theo rà soát, bức phù điêu không thuộc danh mục các công trình được quản lý, bảo vệ theo quyết định của UBND TP Hà Nội và nghị quyết của HĐND TP Hà Nội năm 2013, nhưng nhận thấy bức phù điêu có giá trị lịch sử nên công ty "có trách nhiệm giữ gìn nguyên trạng, có phương án di chuyển (nếu cần), bảo vệ bức phù điêu tại đúng vị trí trước khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng theo đúng chỉ đạo của UBND quận Ba Đình".
Trước đó, ngày 4-4, báo Tuổi Trẻ có bài báo Chia tay tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh quảng trường Ba Đình, trong đó phản ánh thông tin về việc chủ đầu tư và chính quyền địa phương khi thực hiện dự án cao ốc Postef 61 Trần Phú cạnh quảng trường Ba Đình đã "quên" mất bức phù điêu ghi dấu sự kiện lịch sử hào hùng của Hà Nội một thời.
Nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội cần phải bảo tồn bức phù điêu ghi dấu sự kiện lịch sử vẻ vang của thành phố hơn 50 năm trước.
Ngay ngày hôm đó, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội và UBND quận Ba Đình đã họp với chủ đầu tư và UBND quận Ba Đình có công văn gửi công ty này đề nghị bảo vệ nguyên trạng bức phù điêu, báo cáo UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa - thể thao, UBND quận Ba Đình phương án di chuyển, bảo vệ và khôi phục bức phù điêu tại vị trí ban đầu.
Hà Nội đã cho tạm dừng công trình Postef 61 Trần Phú - Ảnh: NAM TRẦN
Được biết, bức phù điêu do nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp (sinh năm 1952, từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) làm năm 1977 khi bà bắt đầu về làm việc tại Công ty Mỹ thuật Hà Nội để kỷ niệm sự kiện quân dân thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5-1967 trên vỉa hè phố Lê Trực.
45 năm nằm trên tường công trình nhà Pháp cổ ở góc phố Lê Trực - Nguyễn Thái Học, bức phù điêu đã quen thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội, nhắc nhớ về lịch sử hào hùng của những năm "Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ" với những cô gái "súng bên vai sao vuông đầu mũ", "mắt tươi sáng" và "chân bước hiên ngang" như trong lời bài hát "Bài ca Hà Nội" của nhạc sĩ Vũ Thanh.
Liên quan tới dự án cao ốc Postef 61 Trần Phú cạnh quảng trường Ba Đình mà Tuổi Trẻ có nhiều bài phản ánh trong những ngày qua, ngày 6-4 UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công.
Cùng ngày 6-4, Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND TP Hà Nội tạm dừng thi công, rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình, đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan khu trung tâm chính trị Ba Đình.
Đồng thời nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh của báo chí, người dân, giới chuyên môn để có giải pháp thực hiện phù hợp, công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư xây dựng công trình mới.
Hôm nay 8-4 là thời hạn cuối UBND TP Hà Nội gửi báo cáo về quy trình, thủ tục triển khai dự án nêu trên về Thành ủy Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận