19/06/2017 13:38 GMT+7

Christie và hành trình 'không giới hạn'

D.KIM THOA (Theo CNN)
D.KIM THOA (Theo CNN)

TTO - Bằng cách khuyến khích trẻ khiếm thính tham gia đóng kịch và dùng các phương pháp hỗ trợ đặc biệt, chị Michelle Christie đã giúp nhiều trẻ khiếm thính tìm lại một cuộc sống bình thường như bao người khác.

Chị Michelle Christie (thứ hai từ phải sang, hàng trước) cùng các em học sinh khiếm thính - Ảnh: Kathybuckley
Chị Michelle Christie (thứ hai từ phải, hàng trước) cùng các em học sinh khiếm thính - Ảnh: Kathybuckley

Hai mươi năm trước, chị Michelle Christie từng làm đạo diễn một vở kịch. Tất cả diễn viên tham gia chương trình lần đó đều là các em học sinh khiếm thính.

Chị nhớ lại: “Khi các em hóa trang thành các nhân vật và xung quanh đều là những người bạn bị khiếm thính giống mình, các em cảm thấy như mình thuộc về không gian ấy. Tôi vẫn nhớ mình chỉ biết đứng nhìn các khán giả rất lâu và thấy các phụ huynh sụt sịt khóc. Họ khóc vì quá hạnh phúc khi thấy con mình có thể làm được việc này”.

Nhóm biểu diễn kịch đã thành công tới mức chị Christie được mời tiếp tục chương trình và thực hiện lại ở những thành phố khác. Thế nên năm 1997 chị thành lập nhóm sân khấu “Không giới hạn”. Với nhóm này, chị đã đi khắp nước Mỹ, gắn kết các nhóm học sinh khiếm thính để hướng dẫn các em diễn tập và biểu diễn những vở kịch được viết riêng cho các em.

Là giáo viên, chị từng dạy các em học nói và nghe. Trong quá trình đó, chị nhận ra sân khấu là nơi đã mang lại sự cải thiện đặc biệt không chỉ với kỹ năng ngôn ngữ của các em mà cả lòng tự tin.

Theo chị Christie, rất nhiều người vẫn lầm tưởng rằng khi một đứa trẻ khiếm thính được đeo thiết bị trợ thính, khuyết tật sẽ được khắc phục. Tuy nhiên điều này không giống như khi trẻ cần đeo kính. Việc đeo thiết bị trợ thính không có nghĩa là trẻ có thể tự động biết học một ngôn ngữ.

Trong suốt quá trình ấy, chị đồng thời nhận ra một điều những em học sinh khiếm thính nếu được hỗ trợ can thiệp càng sớm thì khả năng nói và đọc càng dễ cải thiện.

Nhiều đứa trẻ bị khiếm thính nhưng có khi phải tới 3 tuổi mới được phát hiện và đeo thiết bị trợ thính. Vì lẽ đó, trẻ bị bỏ lỡ một “giai đoạn vàng” là ba năm đầu đời, một khoảng thời gian rất dài mà nếu được can thiệp, trẻ sẽ có nhiều cơ hội khắc phục khuyết tật hơn. Trẻ cần một người nào đó giúp trẻ hiểu các âm thanh xung quanh mình.

Chị cũng thấy sự thiệt thòi ở những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn khi cha mẹ không đủ chi phí để giúp các em vượt qua khuyết tật. Chị nói: “Điều này dường như là không công bằng. Tôi quyết định cần phải thành lập một trung tâm giáo dục để giúp đỡ những gia đình nghèo khó”.

Tới nay, tổ chức “Không giới hạn” của chị đã có ba trung tâm giáo dục đặt tại California và Las Vegas, chuyên cung cấp các chương trình hỗ trợ miễn phí cho trẻ em khiếm thính. Trung tâm của chị xây dựng kho từ vựng cho trẻ, dạy chúng tập nói, đọc và viết.

Việc nuôi một đứa trẻ bị khiếm thính là chuyện rất tốn kém với nhiều gia đình. Không ít bậc phụ huynh phải nhận thêm công việc để có thể lo cho con trong hoàn cảnh này. Nhưng điều đó cũng kéo theo chuyện họ không còn thời gian ở bên con, dù rất hiểu điều đó cần thiết như thế nào.

Tổ chức “Không giới hạn” đã nghĩ ra giải pháp để giúp các gia đình có thể tham gia cùng họ trong quá trình hỗ trợ trẻ. Họ cung cấp một chương trình miễn phí để những đứa trẻ có một sân chơi bình đẳng.

Họ hướng dẫn các ông bố bà mẹ những việc có thể làm cùng con cái. Mời phụ huynh tới các lớp học nói để tiếp thu các phương pháp làm việc của giáo viên với con mình và áp dụng tại nhà. Mỗi năm, tổ chức của chị Christie làm việc với khoảng 600 em và gia đình các em.

Tại 13 bang của nước Mỹ, “Không giới hạn” đã xây dựng được 100 vở kịch. Các vở diễn này đã được mang tới hơn 200.000 người xem toàn quốc.

Người sáng lập tổ chức “Không giới hạn” chia sẻ: “Nhiều em đã vào đại học hoặc tốt nghiệp cử nhân. Thật tuyệt vời khi chứng kiến điều đó vì giờ đây các em chính là tương lai... Tôi muốn các em mơ những giấc mơ lớn cho cuộc đời chúng. Chúng ta sẽ có những em làm phi công, nhà khoa học, luật sư, chuyên gia tâm lý. Đã có rất nhiều người khiếm thính thành công”.

Từng là một cô gái nhỏ luôn rụt rè quá mức, chị Christie cho biết lúc nhỏ chị thường thui thủi một mình, luôn cảm thấy bị cô lập và tách rời với thế giới xung quanh. Sau đó chị phát hiện sân khấu đã giúp chị phá vỡ thế cô lập đó. Nó cũng đánh tan cảm giác luôn xấu hổ của chị.

Đóng vai một người khác dường như khiến chị thoải mái hơn. Và thực sự sân khấu đã giúp chị vượt qua những năm tháng khó khăn nhất của tuổi thơ.

Và đó cũng là lý do để chị luôn nói với phụ huynh của các em khiếm thính: “Nếu tôi có thể làm được gì đó để hiểu được những gì quý vị đang trải qua, tôi sẽ làm. Tôi sẽ làm mọi thứ để các em không cảm thấy đơn độc. Tôi không muốn những đứa trẻ ấy phải trải qua cảm giác như tôi đã từng”.

D.KIM THOA (Theo CNN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên