16/11/2011 04:01 GMT+7

Chống rửa tiền phải đáp ứng yêu cầu chống tham nhũng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Sáng 15-11, Quốc hội họp phiên toàn thể để thảo luận dự án Luật phòng chống rửa tiền. Đây là dự luật được soạn thảo để đáp ứng các cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền và phòng chống tài trợ cho khủng bố mà VN đã ký. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nội dung của dự luật cần đáp ứng được nhu cầu chống tham nhũng trong nước.

Khẳng định “ở VN hoạt động rửa tiền chắc chắn đã xảy ra”, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị dự luật phải đặt ra vấn đề chống rửa tiền ở VN chứ không chỉ đặt vấn đề tội phạm quốc tế rửa tiền ở VN. Chẳng hạn, luật quy định kiểm soát thông tin và giám sát khách hàng đối với cá nhân có ảnh hưởng chính trị, nhưng lại định nghĩa “cá nhân có ảnh hưởng chính trị là cá nhân được giao giữ những chức vụ cao cấp trong bộ máy nhà nước của nước ngoài, bao gồm người đứng đầu nhà nước, chính phủ, quan chức cao cấp của chính phủ, tòa án, quân đội; hoặc người quản lý cao cấp của công ty thuộc sở hữu nhà nước của nước ngoài, quan chức cao cấp của đảng phái chính trị; và thành viên gia đình, những người có quan hệ mật thiết với cá nhân đó”. Ông Châu hỏi: “Tại sao chỉ quy định về người có ảnh hưởng chính trị của nước ngoài mà không quy định đối tượng tương tự trong nước?”.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng quy định cá nhân có ảnh hưởng chính trị như vậy là hết sức nhạy cảm. Tại sao không quy định đối tượng trong nước, trong khi chúng ta đang phòng chống tham nhũng và việc kê khai, công khai tài sản của cán bộ, công chức đang được tiến hành? “Luật này không chỉ đáp ứng các cam kết quốc tế mà còn phải đáp ứng nhu cầu chống tham nhũng ở VN” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói.

Về cơ quan chuyên trách phòng chống rửa tiền, đa số đại biểu Quốc hội đề nghị không nên đặt trong Ngân hàng Nhà nước VN mà nên thuộc Bộ Công an vì rửa tiền là tội phạm và rửa tiền không chỉ qua ngân hàng mà còn ở nhiều hình thức khác. “Trên thế giới có đến hơn 70% các quốc gia quy định cơ quan bảo vệ pháp luật là cơ quan phòng chống rửa tiền. Tôi đề nghị giao cho Bộ Công an để kết hợp đấu tranh phòng chống tham nhũng với phòng, chống rửa tiền” - đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị.

Chiều cùng ngày, các đại biểu nhóm họp tại tổ để thảo luận dự án Luật giám định tư pháp. Nhiều đại biểu Quốc hội không tán thành việc bỏ cơ quan giám định pháp y thuộc công an tỉnh, gom về một đầu mối là giám định pháp y thuộc ngành y tế. “Giữ cơ quan pháp y thuộc công an tỉnh như hiện nay là tốt, vì họ có nghiệp vụ để tham gia các vụ án” - viện trưởng Viện KSND TP Hải Phòng Lương Văn Thành kiến nghị.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên