04/09/2016 08:06 GMT+7

Chồng quy hoạch vợ, sai gì mà bị phản ứng?

BÁ TRUNG
BÁ TRUNG

TTO - Tiếp sau vụ “cả họ làm quan” ở UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), tại xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An)..., dư luận giờ lại xôn xao việc một cục trưởng cục thuế bổ nhiệm hàng loạt người nhà.

Trụ sở Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu


Cụ thể, ở Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chồng làm cục trưởng, vợ làm trưởng phòng thanh tra (và đang được chồng đề nghị quy hoạch làm cục phó), em vợ là kiểm tra thuế viên...

Ngoài ra còn có một số người thân thích khác của vợ chồng cục trưởng đang làm việc ở Cục Thuế tỉnh, Chi cục Thuế TP Vũng Tàu và huyện Côn Đảo.

Trên Tuổi Trẻ Online, cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trả lời việc bổ nhiệm và quy hoạch vợ đều đúng quy trình.

Quy hoạch này đã được Tổng cục Thuế có văn bản đồng ý và Tỉnh ủy đang xem xét để hiệp y. Liệu ông nói có gì sai mà hết thảy phản hồi của đông đảo bạn đọc gửi về đều không đồng tình?

Phải nói ngay là việc tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch người nhà trong các trường hợp nêu trên không vi phạm luật định.

Luật cán bộ, công chức (và Luật viên chức) không cấm đoán thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tuyển dụng, bổ nhiệm người thân của mình.

Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) chỉ quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó” (khoản 3 điều 37).

Vậy nên, nếu vợ và những người thân khác của cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không nằm trong diện cấm này thì “đúng quy trình” vẫn là điệp khúc có căn cứ.

Vấn đề đặt ra: Vì sao làm đúng luật mà dư luận bất bình? Phải chăng quy trình bất ổn khiến số đông không thể nào yên tâm về tính khách quan, công bằng, hiệu quả... khi người cùng nhà, cùng họ “lôi nhau” làm cùng cơ quan, cùng ngành?

Chẳng phải vô cớ mà quy định thời trước đây có yêu cầu: “Quan không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai trị; quan không được lấy người cùng quê làm trợ thủ; người có quan hệ thầy trò, anh em ruột, anh em con chú, con bác và bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở...”.

Thời nay phận làm quan chắc chắn phải “hiện đại” hơn nhưng “cởi mở” đến mức nào để không gây nghi ngờ, phản cảm là điều buộc phải tính đến.

Ở TP.HCM, người viết từng biết ở tòa án quận nọ có hai chị em cùng làm thẩm phán. Để chuẩn bị cho người em lên làm phó chánh án thì người chị phải chuyển đến tòa quận khác.

Ở đơn vị nọ, để người vợ lên làm phó giám đốc thì người chồng đang là phó giám đốc cũng đã chuyển đến nơi khác.

Thủ trưởng của hai cơ quan này và những người trong cuộc đã làm điều mà họ thấy nên làm nhằm tránh khó xử, điều tiếng.

Đáng lưu ý là muốn chấm dứt việc bố trí người nhà không thông qua bầu chọn hợp lý, không loại trừ được sự đặc quyền, đặc lợi... thì không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác điều chỉnh kiểu như trên.

Quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự cần phải được sửa đổi để ai ai cũng phải chấp hành và người dân không còn bị mất lòng tin về cái gọi là “thứ nhất hậu duệ, thứ hai quan hệ”...

BÁ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên