Một người say ngủ gục ngoài đường - Ảnh: T.T.D. |
* Ông Ngô Quốc Thắng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM):
Không biết làm sao thoát ra
Tôi thấy có rất nhiều lý do để đàn ông nhậu. Lý do thường gặp nhất là phải tiếp khách để tạo mối quan hệ làm việc, ngoại giao, ký kết hợp đồng, để cảm ơn đơn vị hoặc người nào đó giúp mình việc gì đó. Kế đến là nhậu vì gặp bạn bè cũ, nhậu nhân dịp lễ tết, có khi cuối tuần rảnh rỗi, không biết làm gì cũng rủ nhau nhậu.
Cũng có khi ức chế trong công việc, mối quan hệ xã hội, gặp chuyện vui hay buồn trong gia đình... cũng đi nhậu để xả stress cho đỡ bức xúc.
Tôi biết nhậu nhiều không tốt cho sức khỏe, ảnh hưởng công việc, mất nhiều thời giờ, có khi ảnh hưởng đến gia đình, con cái vì đã nhậu có khi bị ép uống nên hôm sau thường rất mệt mỏi, không muốn làm việc do rượu làm người uể oải, nhức đầu, thiếu tỉnh táo, buồn ngủ.
Chưa kể nhậu say về thường buồn ngủ, không giúp gì được cho gia đình, có khi còn ói mửa tùm lum, khiến vợ con buồn phiền, cằn nhằn. Thậm chí, nhậu nhiều quá có khi bà xã còn gây “chiến tranh lạnh” nhiều ngày, khiến cuộc sống gia đình thêm căng thẳng, nặng nề.
Biết nhậu có thể gây ra những “hậu quả nghiêm trọng” như vậy nhưng có nhiều việc chỉ giải quyết được trên bàn nhậu, giải tỏa được khi nhậu nên thật sự dù không muốn cũng không thể không nhậu.
Theo tôi, chuyện nhậu tại VN hiện nay giống như “văn hóa giao tiếp” vì nhậu trở thành thói quen hằng ngày, diễn ra thường xuyên ở nhiều đối tượng, thành phần xã hội - đặc biệt là những người làm ăn cần phải quan hệ, giao dịch với đối tác, kể cả công chức nhà nước.
Đàn ông ở cơ quan tôi gần như ai cũng nhậu, ngay cả người trẻ tuổi. Thật sự tôi cũng không biết làm sao để thay đổi thói quen nhậu này, chỉ biết cuộc nhậu nào né được thì né.
* Ông Lê Quang Lộc (37 tuổi, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM):
Sau cơn say lại thấy có lỗi
Nhiều đồng nghiệp, hàng xóm gọi tôi là “bợm nhậu”, bởi cứ rảnh là tôi nhậu, nhậu từ quán về phòng trọ. Nhiều khi hết tiền, chỉ cần mua chai rượu thêm ít ổi, cóc, xoài cũng lai rai được. Có bữa, tôi kêu anh em về phòng trọ cùng nhậu.
Nhậu tới 2g sáng, vợ tôi đi ra cau có, lời nặng tiếng nhẹ. Bản tính sĩ diện nổi lên, tôi giận tím mặt tát vợ mấy cái. Vợ khóc bù lu bù loa cả hàng xóm đều nghe thấy. Trong cơn say, tôi đuổi vợ con ra khỏi phòng. Sáng dậy khi hơi men đã hết, tôi thấy có lỗi với vợ con.
Nhiều người đổ lỗi cho nhậu để công việc trôi chảy. Thật sự không biết đó có phải là lý do chính không. Nhưng tôi thấy mình nhậu nhiều như một thói quen, chứ chẳng giúp ích gì cho công việc hay sự thăng tiến cả.
Thỉnh thoảng, nhậu say còn dẫn đến xích mích, đánh nhau bể đầu sứt trán. Tôi nghĩ người vợ đóng vai trò khá quan trọng trong việc điều chỉnh thói quen ham ăn nhậu của chồng. Chẳng hạn, mỗi khi nhậu về vợ cằn nhằn, tôi lại càng muốn đi nhậu nữa cho bõ tức. Nhưng có lần tôi đi nhậu khuya về bị té xe phải nằm ở nhà một tuần.
Lúc đó, vợ không quát nạt hay cằn nhằn mà cô ấy vừa nói vừa khóc: “Lỡ chồng té giữa đường, xe đụng thì ai khổ? Hai mẹ con em phải ở một mình hả?”. Dù câu nói đó chưa đủ để tôi thay đổi một thói quen nhưng cũng khiến tôi phải suy nghĩ.
Rượu gây trên 30 loại bệnh Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại VN, tổ chức này đang nỗ lực vận động cho chính sách hạn chế tác hại của lạm dụng bia rượu, tiêu thụ rượu bia gia tăng báo động ở VN, trong đó tiêu thụ chất có cồn bình quân đầu người (nhóm từ 15 tuổi trở lên) tăng gần gấp 2 chỉ trong năm năm, tiêu thụ bia từ 2,8 tỉ lít năm 2012 lên trên 3 tỉ lít năm 2014, tiêu thụ rượu từ 63 triệu lít năm 2012 lên 68 triệu lít năm 2013. Hiện VN đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 4 ở châu Á (chỉ sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) về lượng bia tiêu thụ. Riêng chi phí cho bia đã trên 3 tỉ USD/năm và đây mới là ước tính trên chi phí cho loại bia rẻ nhất thị trường hiện nay. Rượu còn là nguyên nhân trực tiếp của trên 30 loại bệnh: loạn thần do rượu, viêm đa thần kinh, bệnh lý cơ tim, viêm dạ dày, và là nguyên nhân cấu thành của trên 200 loại bệnh tật và chấn thương, như ung thư, tim mạch, các biến chứng trước sinh, đái tháo đường... Cũng theo bà Hoàng Anh, 13,8% trẻ em VN được hỏi từng bị cha mẹ hoặc người lớn say bia rượu xúc phạm, mắng chửi... Rượu bia là căn nguyên lớn nhất dẫn đến bạo lực gia đình, khoảng 1/3 số bạo lực gia đình ở VN có liên quan đến rượu bia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận