16/01/2013 07:00 GMT+7

Chống "nói rỗng, dài, giả"

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Số người bày tỏ bức xúc đối với các bài phát biểu sáo rỗng của quan chức Trung Quốc (xem thêm trên Tuổi Trẻ ngày 15-1) đang ngày một gia tăng.

Nói không với những kiểu nói sáo rỗng

lw3tbjoP.jpgPhóng to
Những bài phát biểu suông ngày càng gây phản cảm cho người dân - Ảnh: Cnrpaper.com

Tính đến 17g ngày 14-1, weibo của Nhân Dân Nhật Báo đã ghi nhận 4.380 lượt bình luận và 12.266 lượt chuyển tiếp đối với câu hỏi “Bạn phản cảm với câu nói sáo rỗng nào nhất?”. Trên Sina Weibo hiện có đến hơn 100.000 chủ đề bàn luận sôi nổi trên mạng liên quan đến “lời nói sáo rỗng”.

Việc chống “nói dai, nói dài, nói dở” đã trở thành tâm điểm của dư luận từ năm 2009, đến năm 2010 lãnh đạo Tập Cận Bình kịch liệt phản đối các bài diễn thuyết “rỗng, dài, giả” và yêu cầu quan chức nói “ngắn gọn, thực tế, mới mẻ”. Tuy nhiên, chưa bao giờ trào lưu chống lại các câu nói sáo rỗng, cổ xúy cách nói đơn giản và hiệu quả trở nên mạnh mẽ như lúc này tại Trung Quốc.

Hãy nói “tiếng người”!

Nhân Dân Nhật Báo khẳng định muốn cải thiện hình ảnh của các quan chức Trung Quốc, chỉ còn cách bắt họ hãy nói “tiếng người” thay cho “những lời rỗng tuếch”. Quan chức cần bỏ kiểu ra vẻ “chức cao vọng trọng” với những câu nói “đến chính mình cũng không hiểu”. Hãy phát biểu những lời nói thiết thực đối với người dân và “cố giữ lấy lời” bởi những kiểu “nổ” thường ngày trên báo chí như “Hết sức coi trọng...”, “Lãnh đạo đã đích thân đến...” đã không còn tác dụng đối với người dân.

Chính quyền Trung Quốc còn yêu cầu “họp ngắn, nói ngắn”. “Tôi cảm thấy khó chịu khi mỗi lần lãnh đạo nhắc đến chữ “nhấn mạnh”. Mỗi lần chữ “nhấn mạnh” xuất hiện thì y như rằng chúng tôi phải ngồi nghe thuyết giảng thêm một giờ rưỡi nữa, mỗi lần nói đến chữ “cần phải” thì y như rằng thời lượng chịu đựng của chúng tôi phải tăng thêm gấp đôi - Nhân Dân Nhật Báo trích lời một độc giả - Lãnh đạo cũng giống chúng ta thôi, họ cũng trò chuyện với người thân, cũng thể hiện tình cảm và giao tiếp bình thường với những người xung quanh. Nhưng cứ hễ phát biểu trong hội nghị hoặc trước truyền thông, tất cả những gì người dân nghe thấy chỉ là những lời nói cứng nhắc, sáo rỗng, nói cho có. “Nghệ thuật nói trước công chúng” này có lẽ được truyền từ thế hệ lãnh đạo này sang thế hệ lãnh đạo khác. Và sau mỗi lần truyền nghề ấy, lượng từ vựng của loại “tiếng phổ thông trên quan trường” này ngày càng tăng”.

Theo báo mạng Thương Đô, lý do khiến các lãnh đạo cứ lặp đi lặp lại kiểu nói chiếu lệ ấy là do họ không biết nói gì, không dám nói hoặc không muốn nói. Có nhiều lãnh đạo không nắm tình hình công việc thì cứ trả lời theo mẫu có sẵn và xào lại nhiều câu “văn mẫu” sáo rỗng như “Quán triệt tinh thần..., Thực hiện kế hoạch..., Theo yêu cầu của...”. Hoặc thay vì trả lời lung tung “há miệng mắc quai” thì cứ bê nguyên xi vốn từ “đẳng cấp” sẵn có ra để xào nấu cho đủ thời lượng, có vị chẳng dám nói sự thật nên cố đánh lạc hướng vấn đề để khỏi phải đề cập đến thiếu sót của mình.

“Lãnh đạo phát biểu thì y như rằng phải quan trọng, đã vỗ tay thì nhất thiết phải nhiệt liệt, đã nói là lãnh đạo thì bao giờ cũng là rất đáng kính, đã đi thăm (người dân) thì lúc nào cũng phải thân mật” - Nhân Dân Nhật Báo châm biếm ngôn ngữ của các lãnh đạo. Người dân cần ở lãnh đạo động từ “giải quyết” chứ không phải là các tính từ như “quan trọng”, “thân mật”. Ấy vậy mà các quan chức cứ dùng tính từ để khỏa lấp động từ.

Báo chí cần làm gương

Nhật Báo Nam Phương yêu cầu hai cơ quan truyền thông hàng đầu của Trung Quốc là Nhân Dân Nhật BáoCCTV “lấy mình làm gương”. Khi hai cơ quan báo chí đầu đàn này không sử dụng những câu nói sáo rỗng thì những từ đại loại như “vì nhân dân phục vụ”, “đặc biệt coi trọng”, “dốc sức”, “nỗ lực”... mới không còn đất để sinh sôi nảy nở.

Việc “nói không với những kiểu nói sáo rỗng” không chỉ là cuộc chiến của riêng người dân mà còn từ phía truyền thông. “Có đôi khi quan chức cảm thấy oan uổng khi mà các lượng từ vựng phong phú ấy vẫn cứ luôn được báo đài ra rả suốt ngày, thì hỏi sao không khiến họ cảm thấy nói những lời đó là thích hợp - một độc giả nhận xét một cách hóm hỉnh - Một khi các lời nói sáo rỗng này vẫn có đất sinh sôi nảy nở thì những câu nói phản cảm sẽ chẳng bao giờ bị triệt tiêu”.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên