23/08/2013 07:32 GMT+7

Chống lạm thu đầu năm học mới

VĨNH HÀ - LƯU TRANG - Đ.CƯỜNG - NGỌC HẬU
VĨNH HÀ - LƯU TRANG - Đ.CƯỜNG - NGỌC HẬU

TT - Học sinh vừa mới tựu trường thì câu chuyện lạm thu đã bắt đầu nóng lên, nhiều sở GD-ĐT đã đưa ra phương án phòng chống trước khi ngày khai giảng chính thức bắt đầu...

Theo thông báo của Sở GD-ĐT Hà Nội thì năm học này Hà Nội không tăng học phí. Theo đó, các bậc mầm non, THCS, THPT, bổ túc THPT vẫn thu mức 40.000 đồng/tháng (khu vực đô thị) và 20.000 đồng/tháng (khu vực nông thôn). Nhưng thông tin này không làm vơi bớt nỗi lo của cha mẹ học sinh, bởi khi học phí thấp, các khoản tự nguyện sẽ được các trường nâng lên để lấy thu cho đủ chi.

Hà Nội: xã hội hóa phải đúng quy trình

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Mặc dù định mức ngân sách dành cho học sinh tăng so với các năm trước, nhưng học phí thu ở mức thấp như trên thì để bù đắp chi phí thực tế thiết thực cho hoạt động giáo dục, các trường vẫn cần kêu gọi xã hội hóa theo hình thức tự nguyện. Sở GD-ĐT Hà Nội không cấm các trường thực hiện xã hội hóa và trân trọng những đơn vị, cá nhân, các mạnh thường quân có tâm ủng hộ giáo dục. Tuy nhiên, để tránh việc lợi dụng cái khó chung của giáo dục để lạm thu, Hà Nội yêu cầu các trường thực hiện xã hội hóa phải đúng quy trình, công khai minh bạch, đảm bảo nguyên tắc “thu đủ chi”, chỉ nhằm phục vụ học sinh và những việc cần thiết phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học.

Theo quy định của Hà Nội, các trường phải tách bạch rõ khoản thu bắt buộc (học phí), khoản thu hộ (bảo hiểm, phí Đoàn, đội) và các khoản thu tự nguyện theo thỏa thuận của cha mẹ học sinh. Những khoản bắt buộc đối với học sinh diện trái tuyến, hỗ trợ dạy học, phí xây dựng trường không được phép thu. Các trường cũng không được trực tiếp tổ chức thu tiền phục vụ bảo vệ, vệ sinh, an ninh, trông giữ xe. “Muốn kêu gọi sự đóng góp của cha mẹ học sinh, nhà trường phải nêu rõ mục đích kêu gọi đóng góp như thế nào. Công khai dự kiến sử dụng số tiền xã hội hóa và được sự đồng thuận của phụ huynh, công khai quá trình thu chi, kết quả thực hiện... Những khoản thu không cần thiết, vô lý, trái ý muốn của cha mẹ học sinh, nếu Sở GD-ĐT kiểm tra, phát hiện sẽ xử lý vi phạm người liên quan và yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh” - lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định.

TP.HCM: niêm yết công khai các khoản thu tại nơi dễ thấy

Nhiều trường tại TP.HCM vẫn chưa thông báo khoản thu đầu năm học vì chờ văn bản hướng dẫn các khoản thu chi cho năm học 2013-2014 của sở vì năm học này TP.HCM sẽ tăng học phí. Do đó sở đã họp với phòng giáo dục 24 quận huyện để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo hướng dẫn liên sở giữa Sở GD-ĐT và Sở Tài chính về “thu, sử dụng học phí và thu khác năm học 2013-2014 và năm học 2014-2015”. Đây là cơ sở để hướng dẫn các đơn vị giáo dục trên địa bàn TP thực hiện từ năm học 2013-2014, dự kiến công bố đầu tháng 9.

Xung quanh việc chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có văn bản nhắc nhở các phòng giáo dục và hiệu trưởng các trường về việc thông báo và niêm yết công khai các khoản thu đầu năm học. Cụ thể, nhà trường cần ghi rõ những khoản thu hộ, chi hộ cho học sinh như sách, vở, tài liệu, dụng cụ học tập (không bắt buộc, phụ huynh có thể tự mua), tiền ăn, tiền bán trú, bảo hiểm..., in rõ ràng trên khổ giấy A3, cỡ chữ 16, dán ở nơi dễ nhìn thấy. Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường không tùy tiện thay đổi mẫu đồng phục gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh. Nếu có thay đổi cần thông báo trước, có sự đồng thuận của phụ huynh. Đồng phục cần thiết kế giản dị, phù hợp lứa tuổi, dễ tìm mua hoặc may, chất liệu tốt, giá không cao hơn giá thị trường...

Về các loại sách bài tập, sách tham khảo, sở cũng yêu cầu nhà trường phải thống nhất và thông báo sớm, tránh để phụ huynh phải mua lại tài liệu khác, gây lãng phí và phiền hà cho phụ huynh. Trong lớp, nếu học sinh chưa có sách vở, giáo viên cần tìm hiểu và có biện pháp giúp đỡ, không được la mắng, ép buộc học sinh, gây áp lực với phụ huynh.

Đà Nẵng: hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

Văn phòng Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết giám đốc sở đã có chỉ đạo đầu năm học 2013-2014 đối với tất cả cơ sở giáo dục về các khoản thu đầu năm: chấm dứt tình trạng thu sai quy định, trường nào để xảy ra tình trạng này thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Các khoản thu không bắt buộc phải dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh. Các trường không được yêu cầu cha mẹ học sinh may lễ phục, logo của trường. Yêu cầu các trường thường xuyên kiểm tra các giáo viên tham gia công tác dạy thêm. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Ông Đặng Hùng - chánh văn phòng sở - cho biết sau khai giảng, việc thanh tra sẽ được tiến hành ngay. Giám đốc sở đã giao cho thanh tra Sở GD-ĐT có kế hoạch kiểm tra định kỳ (có thể hằng tháng hoặc quý) tất cả đơn vị giáo dục, trường học về các khoản thu. Nếu phát hiện sai phạm thì báo cáo lãnh đạo sở để có hướng giải quyết.

Đồng Nai: phải cung cấp biên lai cho phụ huynh

Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai vừa triển khai và chỉ đạo nghiêm cấm các trường học không thu từ học sinh, cha mẹ học sinh các khoản thu tự đặt chưa được cơ quan chức năng phê duyệt trong năm học 2013-2014. Theo đó, khi thu bất cứ một khoản nào từ học sinh hoặc cha mẹ học sinh, nhà trường phải cung cấp biên lai thu tiền hoặc phiếu thu tiền cho học sinh, cha mẹ học sinh tùy theo tính chất của khoản thu; các khoản thu chi phát sinh đều phải thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ, báo cáo quyết toán và tổ chức công khai theo chế độ tài chính hiện hành...

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, để giảm bớt áp lực cho gia đình học sinh khi phải đóng nhiều khoản vào đầu năm, các đơn vị tuyệt đối không được ép buộc gia đình học sinh phải đóng đầy đủ các khoản vào đầu năm mà xem xét và tổ chức thu làm nhiều lần trong năm học, tùy theo tính cấp thiết của các khoản thu.

Quảng Trị: hiệu trưởng gửi thư kêu gọi đóng tiền

Sở GD-ĐT Quảng Trị đã có buổi làm việc với hiệu trưởng Trường THPT Đông Hà về việc gửi thư kêu gọi phụ huynh học sinh lớp 10 mới nhập học ủng hộ trường số tiền 400.000 đồng/học sinh để sửa trường và kỷ niệm 40 năm thành lập trường.

Ông Phan Xuân Kiểu, phó giám đốc sở, cho biết sở đã buộc Trường THPT Đông Hà tạm dừng việc thu tiền ủng hộ của phụ huynh; đối với số tiền đã thu, sở cũng buộc nhà trường không được sử dụng. Nhiều người đã bất ngờ khi đọc nội dung thư kêu gọi ủng hộ.

eVa4BVFx.jpgPhóng to

____________________________________________________________

Hà Nội: mùa “lạm thu” lại bắt đầu

Nhiều phụ huynh có con học trái tuyến tại Hà Nội đều xác nhận về việc “phải đóng góp tiền trái tuyến”. Mặc dù Hà Nội từ nhiều năm nay đã cấm các trường thu tiền trái tuyến của phụ huynh, thế nhưng dưới dạng “đóng góp tự nguyện xây dựng trường”, “ủng hộ quỹ khuyến học”, “ủng hộ hoạt động dạy học”..., một số trường tiểu học “điểm” của quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy đã thu của phụ huynh từ 500.000 - 3 triệu đồng/người. Chị Hoàng Anh, một phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay, cho biết: “Việc ủng hộ tiền là một “thủ tục” bắt buộc khi phụ huynh tới nộp hồ sơ nhập học cho con. Nhân viên tiếp nhận hồ sơ sẽ đưa cho phụ huynh mẫu đơn “tự nguyện đóng góp”. Tôi thấy ở đơn mẫu ghi rõ mức tiền là 3 triệu đồng. Nhân viên nhà trường giải thích đó chỉ là mẫu để phụ huynh điền vào đơn, mức tiền thế nào là tùy ý mỗi người. Tuy nhiên có phụ huynh vẫn nộp 3 triệu, có người 2 triệu đồng”.

Một phụ huynh khác mới cho con nhập học Trường tiểu học NT cũng xác nhận: “Tôi nộp tiền xây dựng trường là 1 triệu đồng. Trong danh sách có người nộp hơn thế. Ai có con học trái tuyến cũng phải nộp, mặc dù là tự nguyện”. Chị Vui, có con vào học lớp 1 một trường tiểu học quận Đống Đa, cho biết: “Tôi được gợi ý mua sách giáo khoa, vở có tên hiệu của trường và đồng phục. Chỉ riêng khoản đó đã tốn 1,5 triệu đồng. Tôi rất lo tới đây sẽ còn nhiều khoản khác vì theo các phụ huynh có con học trước thì có thể còn phải đóng tiền mua bảng tương tác, điều hòa, tiền vệ sinh, bảo vệ, nước uống, ủng hộ quỹ khuyến học (theo học kỳ, ngoài khoản thu một lần đối với trường hợp trái tuyến)”.

Bình Phước: thu... hỗ trợ tiền điện thắp sáng

Sở GD-ĐT Bình Phước đã có văn bản yêu cầu Trường THPT Hùng Vương (thị xã Đồng Xoài) chấn chỉnh và nghiêm túc khắc phục các vi phạm trong công tác thu chi. Qua thanh tra, đoàn thanh tra về tình trạng lạm thu của sở phát hiện Trường THPT Hùng Vương thực hiện chi hỗ trợ tu sửa nhỏ, chi hỗ trợ mua sắm thiết bị dạy học, chi hỗ trợ phong trào thể mỹ và khen thưởng trái quy định. Bên cạnh đó, thanh tra sở cũng phát hiện ở một số trường trên địa bàn tỉnh đặt ra các khoản thu cao và trái quy định như thu xã hội hóa, quỹ phụ huynh học sinh, đặc biệt có trường còn thu khoản thu ngoài quy định, đó là thu hỗ trợ tiền điện thắp sáng.

Quảng Bình: 30 khoản thu khác nhau

UBND tỉnh vừa có công văn chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các trường học của tỉnh, nói rõ sẽ xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm trong việc lạm thu tiền của học sinh và sử dụng sai các khoản đóng góp trong các trường học. Đồng thời, yêu cầu Sở GD-ĐT và ngành giáo dục các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lạm thu tiền của học sinh và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-9. Kết quả giám sát của Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Quảng Bình cho biết trên địa bàn tỉnh có đến hơn 30 khoản thu khác nhau trong trường học. Gồm các khoản thu do nhà trường, lớp thỏa thuận với ban đại diện cha mẹ học sinh (mua đồng phục, phụ trả thêm tiền điện, nước, tiền bán trú, chi cho các hoạt động của giáo viên, xây dựng hàng rào, lát bồn hoa, cây cảnh, trả công bảo vệ trường...), các khoản thu hộ cho tổ chức, đoàn thể (quỹ đội, quỹ Hội Chữ thập đỏ, quỹ khuyến học, quỹ vì bạn nghèo...) và các khoản thu của ban đại diện cha mẹ học sinh (quỹ hoạt động của ban đại diện, hỗ trợ các hoạt động văn hóa, văn nghệ của học sinh, hỗ trợ mua sắm cơ sở vật chất nhà trường...), gây khó khăn cho học sinh nghèo.

Cà Mau: thu cả tiền trái tuyến

Anh T.T.V. (ngụ P.8, TP Cà Mau) có con học Trường tiểu học Nguyễn Tạo (P.2, TP Cà Mau) cho biết con anh nhập học ngoài khoản bắt buộc tốn hết 70.000 đồng bảo hiểm tai nạn, 289.000 đồng bảo hiểm y tế, anh còn phải đóng thêm 30.000 đồng tiền vệ sinh, tiền trái tuyến (phường này qua phường khác) 500.000 đồng. “Với khoản tiền như vậy, trong khi gia đình nghèo, không có việc làm ổn định nên rất khó khăn” - anh V. nói. Còn anh N.V.Đ. (ngụ P.Tân Xuyên) có con học lớp 8 Trường Võ Thị Sáu (P.5, TP Cà Mau) cho hay: “Tôi đóng tổng cộng 385.000 đồng vào đầu năm học mới cho con với ba khoản thu nhưng có hóa đơn. Ngoài ra, còn nhiều khoản thu lặt vặt khác như tiền vệ sinh, tiền mua ghế ngồi (chào cờ đầu tuần)... mỗi thứ cũng từ 20.000-30.000 đồng”. Ông Cao Minh Hồng, phó giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, cho biết ngoài học phí, bảo hiểm tai nạn thì sở không chủ trương cho các trường ở Cà Mau thu thêm khoản nào khác. “Trường nào lách luật định thu ngoài quy định dưới danh nghĩa phụ huynh đóng góp như hỗ trợ tiền để trường mua bàn ghế... sở sẽ kiểm tra, tùy theo mức độ mà xử lý”.

VĨNH HÀ - LƯU TRANG - Đ.CƯỜNG - NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên