![]() |
Sắp tới, người dân sẽ mua bán vàng miếng với đơn vị do Ngân hàng Nhà nước cấp phép - Ảnh: H.T.V. |
Mất ăn, mất ngủ vì lãi suất cao
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận định các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, thắt chặt chính sách tài khóa, giảm đầu tư công... là “toa thuốc đúng” trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay (quý 1-2011 chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 6%), vấn đề còn lại là “uống thuốc đúng liều, đúng thời gian”.
![]() |
Đại biểu Trần Du Lịch: Không thể chấp nhận sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán - Ảnh: Việt Dũng |
Ông Tín nói: “Biện pháp hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo (cùng với việc điều chỉnh giá điện vừa qua) dù làm ấm lòng rất nhiều người, nhưng rõ ràng không đến được với hàng triệu người lao động có thu nhập thấp đang phải ở trọ. Ngay cả những người lao động có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng hiện cũng gặp khó khăn thật sự nếu đang phải vay trả chậm ngân hàng để lo chỗ ăn, chỗ ở vì họ cũng mất ăn, mất ngủ với lãi suất cao hiện nay”.
Ông Tín đề nghị: “Dù hiểu rằng chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ cho đến khi có thể sửa đổi được thuế thu nhập cá nhân và có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc sửa đổi luật, chúng tôi cho rằng bức xúc trong xã hội về việc này cần được giải quyết sớm.
Trong khi chờ đợi các nghiên cứu cẩn trọng phục vụ việc sửa đổi luật, Quốc hội có thể có nghị quyết như từng làm trong năm 2009 là miễn thuế thu nhập, ít nhất là cho những người có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng trong năm 2011. Chúng tôi tin việc này có thể làm được ngay để góp một biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội”.
Không có việc cấm đoán lưu thông vàng miếng
Bà Phạm Thị Loan - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Á - cho rằng vừa qua chính sách tiền tệ “lúc nóng lúc lạnh” làm doanh nghiệp khó xoay xở và đề nghị ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa.
![]() |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: Không có việc cấm đoán lưu thông vàng miếng - Ảnh: Việt Dũng |
Về thị trường ngoại tệ, ông Giàu nói nếu phấn đấu năm 2011 nhập siêu giảm dưới 16% (so với kế hoạch là 18%) thì cán cân thanh toán tổng thể sẽ thặng dư trên 2 tỉ USD. Mặt khác, hiện mạng lưới hoạt động thu đổi, mua bán ngoại tệ, đặc biệt ở TP.HCM và Hà Nội, đã mở rộng đảm bảo phục vụ cho người dân. Ví dụ Hà Nội có 1.689 điểm hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, TP.HCM có 1.329 điểm hoạt động tương tự. Bên cạnh đó, đến nay các thẻ thanh toán quốc tế đang được triển khai tốt ở nước ta.
Liên quan việc quản lý thị trường vàng, ông Giàu cho biết sẽ xây dựng lộ trình hợp lý tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, phù hợp với điều kiện VN. “Một số thông tin cho rằng ban hành nghị quyết 11 là cấm đoán việc lưu thông vàng miếng, làm tổn thất tài sản của nhân dân, tôi khẳng định việc đó không có. Chúng tôi sẽ triển khai phù hợp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân” - ông Giàu nói.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng việc cất trữ tài sản dưới hình thức vàng của nhân dân cần được tôn trọng, nhưng đây là loại hàng hóa đặc biệt và không thể chấp nhận sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán. Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) đề nghị thời gian tới Chính phủ nên cho phép ngân hàng bán ngoại tệ với mức phí hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) nói việc thực hiện lộ trình tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do ít nhiều sẽ dẫn đến những biến tướng, do đó phải có biện pháp quản lý thích hợp, nhất là việc thực hiện cần bình tĩnh, thận trọng. “Quản lý điều hành của Chính phủ có nhiều việc rất khó, nhưng một trong những việc dễ nhất là ra lệnh cấm” - ông Nhơn nói.
Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về phương án sử dụng 3.500 tỉ đồng ngân sách nhà nước năm 2011 từ tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN, nhiều đại biểu đã đồng ý với phương án này. Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng: “Dịp tết vừa qua, Nhà nước có chế độ cho các gia đình thuộc diện chính sách nhất định từ 200.000-300.000 đồng, trong khi đó ngành dầu khí và nhiều ngành thưởng tới 50-60 triệu đồng, đây là vấn đề cần lưu ý để đảm bảo sự cân đối trong xã hội”.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Đó là phát biểu của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trong cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Phó thủ tướng nói: - Trong tình hình hiện nay cần phải kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó mới có tăng trưởng bền vững. Như thế Chính phủ đã có hướng chuyển mục tiêu điều hành, từ thực tiễn đó để có định hướng chung. Nếu không nhạy bén, không chuyển hướng được thì tình hình lại xấu, giả sử nếu Chính phủ vẫn tập trung vào mục tiêu tăng trưởng thì lạm phát lại cao lên. Người điều hành cũng như người ra trận rồi, phải căn cứ vào diễn biến tình hình trong nước, ngoài nước. Tình hình năm 2008 cũng như hiện nay có điểm chung là lạm phát, như vậy phải thắt chặt tiền tệ... Vừa qua chúng ta chưa tính hết tình hình kinh tế thế giới, như việc xảy ra những biến động ở Trung Đông ảnh hưởng đến giá dầu, đó là một thực tế, cho nên phải bám sát thực tế để điều hành linh hoạt. |
________________
Đề cập việc xử lý trách nhiệm của Chính phủ trong vụ việc ở Vinashin, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) nói cử tri chưa đồng tình vì không rõ như thế nào mà chưa đến mức xử lý, “trong vấn đề này cử tri cho rằng chống tham nhũng phải như quét cầu thang từ trên xuống chứ không phải dưới lên”.
Đại biểu Vũ Quang Hải cũng nêu ý kiến của cử tri nhờ đại biểu này “đến Quốc hội nói rằng chúng tôi là những người nông dân làm dự án để vay nuôi bò, nuôi lợn nhưng không may gặp thiên tai, gặp dịch bò chết, lợn chết, chúng tôi vẫn phải trả nợ ngân hàng, thậm chí nếu không tìm cách đảo nợ thì bị xiết nợ. Trong khi đó việc khoanh nợ, giãn nợ cho Vinashin, nếu đem so sánh như trong báo cáo của Chính phủ không xử lý kỷ luật ai thì tôi nghĩ là điều khó hiểu”.
.....................................
Về chính sách tiền tệ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện các giải pháp đã nêu tại nghị quyết 11 để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán 15-16%; nâng cao chất lượng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu cho vay theo hướng tập trung và ưu tiên vốn tín dụng cho phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, bao gồm các loại lãi suất (kể cả lãi suất huy động và cho vay) và lượng tiền cung ứng để bảo đảm kiềm chế lạm phát. Tập trung quản lý tốt thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định xử phạt đối với các trường hợp kinh doanh, mua bán ngoại tệ, vàng trái quy định pháp luật, đồng thời có biện pháp bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Về chính sách tài khóa: Bộ Tài chính xác định và công bố cụ thể số tiết kiệm khi thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, nhất là mức tiết kiệm trong mua sắm, tổ chức hội nghị tổng kết, sơ kết và đi công tác nước ngoài. Có biện pháp để phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5%. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quản lý tốt giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để đầu cơ, tăng giá. Để thực hiện tiết kiệm theo nghị quyết 11, yêu cầu tất cả các bộ, cơ quan không tổ chức họp tập trung mà tổ chức họp trực tuyến. Bộ Kế hoạch và đầu tư khẩn trương tổng hợp kết quả kiểm tra tình hình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ năm 2011; dự kiến kết quả cắt giảm, điều chuyển vốn, tập trung cho các công trình, dự án hoàn thành năm 2011 (có danh mục cụ thể); đề xuất các giải pháp xử lý đối với những trường hợp phát sinh theo hướng thực hiện nghiêm nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công; báo cáo Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2011. Bộ Công thương chỉ đạo để bảo đảm đủ nguồn xăng dầu cung cấp cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương điều hành giá xăng dầu theo đúng nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15-9-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; đồng thời thực hiện kiểm soát giá và bình ổn giá theo đúng quy định pháp luật.
Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh: Các bộ Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp ưu tiên (cả về điện và vốn) nhằm tháo gỡ khó khăn cho phát triển nông nghiệp, các sản phẩm đang có thị trường tiêu thụ (cả trong và ngoài nước).
Về bảo đảm an sinh xã hội: Các bộ, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách đã ban hành, bảo đảm an sinh xã hội. Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận