22/08/2021 13:43 GMT+7

Chống dịch COVID-19 biến thể Delta: Cần phủ nhanh vắc xin, giảm ca bệnh nặng

TRẦN TUẤN
TRẦN TUẤN

TTO - Bác sĩ Trần Tuấn cho rằng thời điểm này là dịch nội sinh, khu vực như TP.HCM sẽ khó bóc tách hết F0 khỏi cộng đồng, nên thực tế hơn bằng tiêm đủ liều vắc xin toàn dân sớm nhất có thể, can thiệp điều trị bệnh nhân nặng, thay vì xét nghiệm rộng.

Chống dịch COVID-19 biến thể Delta: Cần phủ nhanh vắc xin, giảm ca bệnh nặng - Ảnh 1.

Giảm ca tử vong và chuyển nặng, song song với phủ nhanh vắc xin đang được coi là những chiến lược ưu tiên hiện nay. Ảnh lắp đặt thiết bị tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 14, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dịch COVID-19 vẫn đang căng thẳng với số mắc tăng hằng ngày, đặc biệt tại TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh thành phía Nam. Vì sao giãn cách kéo dài nhưng số mắc vẫn tăng, cần làm gì để cuộc sống sớm trở lại bình thường? Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu ý kiến của bác sĩ Trần Tuấn, chuyên gia về y tế công cộng. 

Phải lấy khoa học dịch tễ dẫn đường

Nếu có khoa học dịch tễ học dẫn đường, sẽ thấy được ngay các vấn đề.

Có một thực tế lúc này là khó có thể chạy theo tìm dấu virus khi dịch đã ở dạng "nội sinh" lan rộng nhiều tuần, với 80% người nhiễm không có biểu hiện lâm sàng.

Phòng chống dịch COVID-19 thể Delta thành công, ở thời điểm dịch đã trở thành nội sinh, không nên mơ bằng mọi cách chặn đứng không cho virus lan truyền. Mà thực tế hơn, đưa tỉ lệ người dân bị nhiễm virus có triệu chứng lâm sàng nặng cần can thiệp điều trị bệnh viện, từ 5% (trước khi có vắc xin), xuống dưới 0,1%, bằng tiêm đủ liều vắc xin cho toàn dân sớm nhất có thể.

Đi kèm hướng dẫn người dân thực hành các biện pháp dự phòng tăng cường sức khỏe (luyện thở, thư giãn, bài tập vận động, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý...) và tự chăm sóc tại nhà đúng cách khi có biểu hiện bệnh, nhận được tư vấn y tế kịp thời khi có dấu hiệu chuyển nặng.

Chẩn đoán tình trạng miễn dịch cộng đồng bằng sử dụng test kháng thể, kết hợp với các thông tin dịch tễ học, là cơ sở để điều chỉnh chiến lược tiêm vắc xin phủ rộng đúng đối tượng sớm nhất, điều chỉnh mức độ phong tỏa phù hợp nhất để đưa xã hội trở lại cuộc sống bình thường nhanh nhất có thể.

Vì sao giãn cách dài ngày, ca mắc vẫn tăng?

Cần nhất lúc này là nghiên cứu đánh giá mức miễn dịch cộng đồng đạt được bằng xét nghiệm kháng thể, làm cơ sở tiên liệu vấn đề phong tỏa và kế hoạch triển khai tiêm vắc xin.

Chỉ số lây nhiễm trên thực tế hiện nay gấp đôi so với chủng virus Vũ Hán (chủng Vũ Hán 1 F0 lây 2-3 người, hiện chỉ số lây nhiễm gấp đôi số này), khả năng nhân đôi số người bị nhiễm từ 4-5 ngày, nếu can thiệp chặt chẽ thì tốc độ này có giảm. 

Tuy nhiên thời gian qua (đặc biệt tại các buổi xét nghiệm, tiêm chủng tập trung, chen nhau đi siêu thị...) tiếp xúc vẫn nhiều, virus lây qua đường hô hấp nên dù có giãn cách vẫn lây lan.

Vì thế trước khi có vắc xin thì cố làm các biện pháp để ngăn sự phát tán của dịch, khi có vắc xin rồi thì tiêm thật nhanh để phủ vắc xin.

Qua theo dõi số tiêm chủng tại TP.HCM, tôi cho rằng 2-3 tuần nữa với tốc độ tiêm chủng này, việc ngăn chặn dịch sẽ có dấu hiệu tích cực hơn. Công việc cần làm hiện nay là giảm tối đa các ca tử vong, chuyển nặng. Các tỉnh thành có số mắc lớn cũng cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, song song với các biện pháp ngăn dịch.

Công việc chống dịch gian nan đòi hỏi cần đội ngũ chuyên gia dịch tễ học thực thụ trợ giúp. Để các dự báo tình hình dịch bệnh và dỡ bỏ phong tỏa kèm theo bằng chứng khoa học khách quan, đánh giá được thực trạng mức độ miễn dịch cộng đồng gần - xa đến đâu với ngưỡng "bỏ phong tỏa".

Thủ tướng Úc thừa nhận khó đạt mục tiêu ‘zero-COVID’ Thủ tướng Úc thừa nhận khó đạt mục tiêu ‘zero-COVID’

TTO - Thủ tướng Úc Scott Morrison bảo vệ chiến lược phong tỏa cho đến khi đạt 70% dân số tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ, cho rằng cần phải chuyển trọng tâm từ số ca bệnh sang tỉ lệ nhập viện.

TRẦN TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên