Người nhà “cho nó lành”!?“Nên để doanh nhân làm chủ VFF”
Phóng to |
Bóng đá VN có thoát khỏi trì trệ hay không đang tùy thuộc lá phiếu của các đại biểu ở đại hội sắp tới - Ảnh: Q.Minh |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phần lớn ý kiến đều cho rằng không nên bầu cho những người được phân công sang VFF, mà hãy bầu cho những ứng viên xung phong tham gia ứng cử.
* Chủ tịch CLB Sông Lam Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh:
Không nên bỏ phiếu cho những người được phân công
Dù là thành viên ban chấp hành VFF khóa VI nhưng hiện nay tôi vẫn chưa có thông tin chính thức về những ứng viên cuối cùng tham gia cuộc đua đến chiếc ghế chủ tịch VFF. Theo tôi, chủ tịch VFF là doanh nhân hay người nhà nước đều được. Với doanh nhân, đó phải là ông chủ những doanh nghiệp uy tín đã khẳng định tên tuổi của mình trong xã hội và được Nhà nước công nhận. Về mặt cá nhân, ông chủ đó phải là người có năng lực quản lý, tâm huyết với hoạt động bóng đá, vững vàng điều hành, có uy tín xã hội. Nếu chủ tịch VFF là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, yêu cầu đầu tiên để tham gia VFF là phải xuất phát từ sự tự nguyện cá nhân, tâm huyết và sẵn sàng dành thời gian cho sự phát triển của bóng đá.
Nói vậy bởi nếu không toàn tâm toàn ý về thời gian, công sức dựa trên sự tự nguyện cá nhân thì không thể làm gì được, càng không thể tạo bước đột phá đưa bóng đá phát triển mà cứ lẹt đẹt như sáu nhiệm kỳ qua. Do đó, theo tôi, các đại biểu tham dự đại hội không nên bỏ phiếu cho những người được phân công ứng cử chủ tịch VFF, mà bỏ phiếu cho những người tự tin dám ứng cử, sẵn sàng dấn thân vào công việc này.
* Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ:
Nếu không phục thì nên bỏ phiếu trắng
Tôi nghĩ vẫn nên để lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước đứng ra làm chủ tịch VFF. Chủ tịch VFF đâu cần là người bóng đá mới làm được. Tôi cũng đâu có học trường lớp nào về bóng đá mà kinh doanh bệnh viện, giáo dục... nhưng vẫn làm chủ đội bóng đó thôi. Chỉ có người nhà nước làm chủ tịch, tôi mới yên tâm làm bóng đá, doanh nhân làm chủ tịch VFF có khi lại tạo mâu thuẫn, phe phái. Trong trường hợp khi đại hội diễn ra, đại biểu vẫn không thấy ứng viên nhà nước phù hợp làm chủ tịch VFF thì nên bỏ phiếu trắng để tìm người khác nếu cần.
* Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển:
Phải đưa ra được tiêu chí của chủ tịch VFF
Cá nhân ứng viên ứng cử vị trí chủ tịch VFF như thế nào mới quan trọng, chứ không phải ông ta là quan chức nhà nước hay ông chủ doanh nghiệp. Để tìm được người tốt ngồi vào vị trí chủ tịch VFF, điều quan trọng là phải đưa ra tiêu chí của vị chủ tịch VFF. Theo tôi, chủ tịch VFF phải là người am hiểu sâu sắc về bóng đá, đam mê tận cùng với bóng đá và có năng lực tập hợp các nguồn lực xã hội để phát triển bóng đá. Từ đó cân nhắc xem các ứng viên hiện nay có đạt được hay đạt bao nhiêu phần trăm những tiêu chí đưa ra.
Trong các ứng viên chủ tịch VFF hiện nay, theo tôi, không có ứng viên nào hội tụ được hết những tiêu chí cho một chủ tịch VFF. Tuy nhiên không vì thế mà ta quá cầu toàn, nên chọn một người đạt được các tiêu chí cơ bản nhất để bầu. Ông chủ doanh nghiệp rất tâm huyết nhưng lại ít thời gian, người nhà nước có thời gian nhưng lại có nhiều điểm chưa phù hợp cho vị trí này. Bản thân tôi khi được giới thiệu ứng cử chủ tịch VFF đã từ chối vì tôi rất bận, không có thời gian tham gia. Hơn nữa tôi nghĩ mình chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với một vị chủ tịch VFF.
* Chủ tịch Tập đoàn Ximăng The Vissai Ninh Bình Hoàng Mạnh Trường:
Sẽ bỏ bóng đá nếu chủ tịch VFF là người yếu kém
Tôi không nghiêng về phương án chủ tịch VFF là người của Bộ VH-TT&DL hay doanh nhân, mà chỉ quan tâm đó là người có tâm, có tầm và vì bóng đá hay không.
Giới bóng đá hiện nay rất chia rẽ. Do đó chỉ người tài, có năng lực, tâm huyết, đề ra được chiến lược và thực hiện để phát triển bóng đá thì hãy ứng cử, còn không nên đứng ngoài cuộc. Nếu chủ tịch VFF không phải người tốt, có năng lực, làm vì mục đích phát triển bóng đá thì chúng tôi cũng buồn mà bỏ bóng đá thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận