Trường hợp đầu tiên là bé trai A.T.V., 12 tuổi, ngụ ở Gia Lai. Bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng bỏng độ 2 diện tích 35% do chơi pháo nổ. Bệnh nhi bị nhiều vết thương ở vùng mặt, ngực, cẳng bàn tay hai bên, đùi và cẳng chân hai bên.
Trường hợp thứ hai là bé trai H.K.B., ngụ ở Lâm Đồng, bị bỏng nặng do pháo. Trong lúc anh trai của bạn bé chế tạo pháo, B. và bạn chơi pháo. Khi pháo chuẩn bị phát nổ, bé B. không kịp chạy nên bị bỏng.
Trường hợp thứ ba là bé Đ.S.R., 12 tuổi, ngụ ở Bình Phước. Với mong muốn tạo ra pháo nổ, bé R. đã lấy bột của hột quẹt diêm cho vào vòi của ruột xe, sau đó đập vào. Vụ nổ khiến bàn tay trái của bé bị vết thương chảy máu nhiều.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bé được khẩn trương phẫu thuật. Bé bị vết thương giập nát mô cái, nhiều vết thương nham nhở ngón 1, 2, 3 và gãy hở xương bàn ngón 2 tay trái.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh viện này thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi liên quan đến pháo nổ, nhất là trong các dịp lễ, Tết.
Cần giáo dục cho trẻ hiểu nguy hiểm do pháo nổ gây ra
Nhằm phòng tránh tai nạn do pháo, nhất là khi dịp Tết đang đến gần, BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, phó khoa bỏng - chỉnh trực Bệnh viện Nhi đồng 2, khuyến cáo gia đình cùng nhà trường nên thường xuyên nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng các vật gây nổ, trộn các hóa chất để chế tạo pháo, nhất là các bé trong độ tuổi thích tìm tòi, khám phá. Đồng thời, gia đình cùng nhà trường cần giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm do pháo gây ra như gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí gây tử vong.
"Chúng ta hãy cùng nhau nâng cao ý thức về hiểm họa của pháo nổ, nhất là trong thời gian gần Tết xuất hiện những video hướng dẫn làm pháo tự chế trên mạng", bác sĩ Ngà lưu ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận