15/08/2015 10:04 GMT+7

Chơi nhiều hết mệt

LÊ THÚY
LÊ THÚY

TT - Đan Nam “cục mỡ”, nhân vật chính trong Chơi nhiều hết mệt, là cậu bé ngây ngô, đáng yêu và cực kỳ yêu mẹ....

Ảnh: Nhã Linh
Ảnh: Nhã Linh

Được ghi lại bằng ngôn ngữ giản dị mà dí dỏm dễ thương, Chơi nhiều hết mệt (NXB Trẻ) không chỉ là cuốn nhật ký của người mẹ hết lòng yêu thương con mà còn chia sẻ “bí quyết” dạy con mới lạ.

Đan Nam “cục mỡ”, nhân vật chính trong Chơi nhiều hết mệt, là cậu bé ngây ngô, đáng yêu và cực kỳ yêu mẹ. Đến tháng 12 năm nay cậu vừa tròn 8 tuổi, nhưng vẫn cả ngày bi bô “Đan Nam yêu mẹ nhất trên đời”, “Đan Nam yêu mẹ và Finky nhất thế giới”...

Luôn miệng nói yêu mẹ, rất hay khen mẹ, thiết kế cả một bộ thơm để thơm mẹ trước khi đi ngủ... Sống với đứa trẻ đáng yêu như vậy, trí tim người mẹ nào mà không “rụng rời”, nhưng yêu con, thương con mà không chiều con quá mức thì phải làm sao?

Người mẹ trong Chơi nhiều hết mệt luôn dạy con theo hướng thành người độc lập, tự giác, nghiêm túc và có trách nhiệm. Khi con phạm lỗi, người mẹ vẫn trách phạt con đúng mực, không dùng đòn roi nhưng vẫn có thể đưa con vào khuôn phép. Hoặc chị mua cho con trai út một bể cá nhỏ, giao nhiệm vụ chăm nom hằng ngày để tập cho con quen với việc chịu trách nhiệm một cái gì đó.

Ngay cả cậu con trai lớn Lê Nam được rèn giũa phải tự lập từ bé. Bằng chứng là khi áo quần sút chỉ, đứt khuy, Lê Nam không bắt mẹ khâu mà nhờ mẹ chỉ cách đính khuy, may gấu quần...

Sống ở Đức, nhưng văn hóa Việt vẫn được duy trì hằng ngày trong nhà Đan Nam. Những bài thơ, ca dao đậm chất quê hương, món thịt nấu kiểu Việt mà cả nhà ai cũng mê tít hay lời con trẻ ngây ngô “Đan Nam thích biển Việt Nam, biển Việt Nam đẹp”, “Đan Nam muốn sau này lấy vợ như bố, một phụ nữ Việt Nam”... đều làm ấm lòng những người tha hương.

Từng 10 năm làm giáo viên, tác giả Lê Minh Hà rất để ý đến phương thức giáo dục. Chơi nhiều hết mệt với những mẩu chuyện ở trường của “cục mỡ” Đan Nam đã phần nào phản ánh được điểm cộng trong nền giáo dục tiên tiến của Đức.

Dõi theo từng ngày con đi học, tác giả không khỏi thốt lên kinh ngạc bởi cách người Đức đào luyện một con người. Chỉ một cuộc thi thể thao của các bé mẫu giáo nhưng lại được nhà trường tổ chức nghiêm túc, hoành tráng, có đội cổ vũ nhiệt tình giăng cờ kết hoa không khác gì Olympic.

Tốt nghiệp mẫu giáo, cô chủ nhiệm nghiêm túc hỏi từng bé sau này lớn lên muốn làm gì... Bằng chính việc coi trọng con trẻ và việc trẻ làm, điều này tập cho trẻ lớn lên biết tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác, biết nghiêm túc trong mọi việc mình làm, dù việc nhỏ nhất.

Không hề có dấu hiệu bắt ép trẻ trong việc học, nhà trường ở đây ngược lại, luôn gắng tạo cho trẻ một không gian thoải mái nhất để trẻ tự nguyện học tập, dạy trẻ biết nói lời xin lỗi, cảm ơn, chỉ cho trẻ cách can đảm nói lên ý muốn của mình một cách đúng đắn, có chủ kiến nhất.

Những ghi chép thật thà được chiết xuất từ người mẹ được cộng hưởng cả hai nền văn hóa Đông - Tây, quyển sách bổ ích cho những người làm cha làm mẹ nào muốn lẩy ra một cách phù hợp để cùng học, cùng chơi với con mình.

LÊ THÚY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên