08/03/2015 09:35 GMT+7

Chơi công viên nước bị tai nạn, có được bồi thường?

HOÀNG HƯƠNG (ghi theo lời kể của bà Trần Thị Thanh Hương, mẹ bé Trần Công Danh)
HOÀNG HƯƠNG (ghi theo lời kể của bà Trần Thị Thanh Hương, mẹ bé Trần Công Danh)

TT - Một học sinh chơi trò trượt nước bị tai nạn. Gia đình đòi bồi thường nhưng phía công viên nước không đồng ý.

Em Trần Công Danh bị tai nạn khi chơi tại công viên nước Đại Thế Giới - Ảnh do gia đình cung cấp

Ngày 2-1-2015, con trai tôi tên Trần Công Danh (học sinh lớp 3 Trường tiểu học Phan Đăng Lưu, Q.8, TP.HCM) được chú hàng xóm tên Huy dẫn đi chơi tại công viên nước Đại Thế Giới trên địa bàn Q.5 với ba bé khác.

Khoảng 12g hôm đó, cháu chơi ở cầu trượt có tên “Đường đua cao tốc”. Khi vừa trượt hết máng trượt, chưa kịp ngoi lên mặt nước thì cháu Danh bị một người đàn ông trượt phía sau đạp vào bụng. Người ấy có ôm cháu lên, đợi cháu đứng vững rồi bỏ đi mất.

Khi gọi cháu đi ăn cơm, thấy Danh than bị đau và khó thở, chú Huy hỏi thì Danh mới kể sự việc như trên. Ngay lập tức chú Huy chạy đi tìm bảo vệ và được nhân viên bảo vệ hướng dẫn đưa cháu Danh đến phòng y tế của công viên nước.

Tuy nhiên, các nhân viên ở đây không thực hiện sơ cứu mà cử một người đi cùng với chú Huy đưa Danh tới Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cấp cứu. Nhận thấy tình trạng của cháu nguy kịch nên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã chuyển con tôi sang Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán: bé bị sốc, mất máu do bị vỡ lách và bắt buộc phải cắt bỏ lá lách. Sau khi cắt bỏ lá lách, con tôi được điều trị đến ngày 9-1 thì được xuất viện.

Về nhà, cháu thường xuyên than nhức đầu và chóng mặt, mệt mỏi. Ngoài việc cho cháu tăng cường uống sữa, tôi phải thường xuyên cho cháu ăn thịt bò và một số thực phẩm tăng cường theo yêu cầu của bác sĩ.

Hai ngày sau khi xuất viện, do sức khỏe không tốt nên cháu lại nhập viện để bác sĩ theo dõi. Sau khi sự việc xảy ra, công viên Đại Thế Giới đã thanh toán chi phí điều trị tại bệnh viện và một số chi phí khác có liên quan, tổng cộng là 6.037.000 đồng cho gia đình chúng tôi.

Tuy nhiên, số tiền viện phí mà công viên nước Đại Thế Giới chi trả cho cháu Danh không thể sánh với những bệnh tật mà cháu có nguy cơ mắc phải trong tương lai khi hệ miễn dịch của cháu bị suy giảm, sức đề kháng của cháu không còn.

Tôi cho rằng hậu quả xảy ra xuất phát từ hành vi lơ là, bất cẩn của nhân viên công viên nước Đại Thế Giới. Đáng lẽ khi có người tham gia các trò chơi, không chỉ ở khu cầu trượt “Đường đua cao tốc” mà ở tất cả khu khác, công viên nước Đại Thế Giới phải cử nhân viên thường trực ở đó để hướng dẫn, canh thời gian phân luồng giữa người chơi trước và người chơi sau, tránh người chơi sau va chạm vào người chơi trước gây ra tai nạn.

Đằng này con tôi trượt chưa xong lượt thì người chơi khác đã trượt xuống nên người đó mới đạp vào bụng cháu khi cháu chưa kịp ngoi lên mặt nước. Con trai tôi đã phải nghỉ học gần hai tháng để ở nhà dưỡng thương, phục hồi sức khỏe.

Mãi đến thời kỳ sau tết cháu mới đi học lại được nhưng đến bây giờ cháu vẫn bị nhức đầu, chóng mặt và ói thường xuyên. Vậy mà gia đình tôi yêu cầu bồi thường thì phía công viên nước không đồng ý.

Công viên nước Đại Thế Giới: 

Không có cơ sở bồi thường

“Khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã kịp thời đưa em Danh đi cấp cứu, theo dõi bệnh trạng suốt quá trình chữa trị và thanh toán toàn bộ viện phí. Chúng tôi đã chủ động mời ông bà (ba mẹ em Danh - NV) đến bàn bạc vào ngày 23-1-2015 để nhận số tiền hỗ trợ của chúng tôi là 20 triệu đồng góp phần phục hồi sức khỏe cho em Danh, nhưng ông bà không đồng ý mà buộc chúng tôi phải bồi thường số tiền 440 triệu đồng. Sau đó, ông bà đòi nâng số tiền bồi thường là 537.745.094 đồng. Chúng tôi nhận thấy yêu cầu trên của ông bà là hoàn toàn vô lý, không có cơ sở, không thể đáp ứng được và đi ngược lại thiện chí của chúng tôi. Bởi lẽ: mặc dù chúng tôi đã bố trí đầy đủ nhân viên trực giám sát tại các vị trí trong hồ, nhưng việc em Danh va chạm với khách cùng chơi dẫn đến thương tích là sự cố rủi ro, quá bất ngờ, không ai có thể dự đoán hoặc biết trước được (ông Huy là người dẫn em Danh đi chơi, có mặt trong hồ nhưng cũng không thể nào dự đoán hoặc biết trước được). Thiệt hại của em Danh do sự cố rủi ro mang lại, không phải là kết quả từ hành vi trái pháp luật của chúng tôi. Trong trường hợp này, chúng tôi không có lỗi cũng như không thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho em Danh...

“Bồi thường thiệt hại là có cơ sở”

Theo quy định tại điều 604 Bộ luật dân sự thì người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân thì phải bồi thường. Thông thường khi tham gia trò chơi trượt nước, các công viên có quy định người chơi sau trượt cách người chơi trước hai phút, đối với trẻ em thì khoảng cách thời gian này thông thường là năm phút để đảm bảo an toàn cho người tham gia trò chơi.

Theo các tình tiết vụ việc, tôi cho rằng trong vụ việc này công viên nước Đại Thế Giới đã có lỗi trong quản lý người tham gia trò chơi nên dẫn đến việc người chơi sau đạp lên bụng cháu Danh khi cháu Danh vừa trượt hết máng nước. Việc quản lý không chặt chẽ người chơi là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại đối với cháu Danh. Do đó, việc gia đình cháu Danh yêu cầu công viên nước Đại Thế Giới bồi thường thiệt hại là có cơ sở.

Theo quy định tại điều 609 Bộ luật dân sự, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Và người xâm phạm sức khỏe của người khác cũng phải bồi thường thêm một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Bên cạnh đó, gia đình cháu Danh có thể làm đơn tố cáo ra cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền về tội vô ý gây thương tích theo quy định tại điều 108 Bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Khi nhận được đơn tố cáo, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ kiểm tra, xác minh nguồn tin và giới thiệu gia đình cháu Danh tới cơ quan giám định để giám định tỉ lệ thương tật của cháu Danh, làm cơ sở quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

LS NGUYỄN VĂN HẬU (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)

 

HOÀNG HƯƠNG (ghi theo lời kể của bà Trần Thị Thanh Hương, mẹ bé Trần Công Danh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên