Theo thống kê của Tuổi Trẻ Online từ hơn 50 công ty chứng khoán, tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) cuối quý 4-2023 vượt 170.000 tỉ đồng, tăng hơn 150.000 tỉ đồng chỉ sau 1 quý.
Đây là mức cho vay cao nhất 2 năm trở lại đây.
Một công ty bất ngờ dẫn đầu về cho vay
Dư nợ cho vay toàn thị trường lớn nhưng sự phân hóa vẫn rất rõ nét khi riêng 6 "ông lớn" chiếm hơn 50%. Vươn lên đứng đầu là Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) - công ty con của Techcombank, với dư nợ margin đạt 16.263 tỉ đồng cuối quý 4-2023.
Không chỉ đứng đầu về giá trị tuyệt đối, tốc độ cho vay của TCBS cũng "đáng nể" với mức tăng 30% so với cuối quý 3-2023.
"Tuột" vị trí quán quân, Chứng khoán SSI ghi nhận dư nợ cho vay margin đạt 14.672 tỉ đồng, giảm nhưng không đáng kể so với cuối quý liền trước. Như vậy TCBS đã mất 3 tháng để vượt đối thủ hàng đầu trong cuộc đua margin.
6 công ty chứng khoán cho vay margin vượt hoặc xấp xỉ 10.000 tỉ đồng, tất cả đều tăng sau một năm - Dữ liệu: BCTC, Tuổi Trẻ Online
Ở top 3, Chứng khoán Mirae Asset đạt 13.400 tỉ đồng, giảm khoảng 4%. Còn Chứng khoán TP.HCM (HCM) đạt 12.135 tỉ đồng, tăng 7%.
Chứng khoán VPS cũng thuộc nhóm dư nợ cho vay cao và tốc độ tăng lên không ngừng, đạt 11.147 tỉ đồng, tương ứng tăng 8%.
Ở "top" sau, nhưng một số công ty chứng khoán có tốc độ tăng trưởng về margin rất tốt, như Chứng khoán MB (MBS) với hơn 33%, đạt 8.519 tỉ đồng. Hay như Chứng khoán Shinhan Việt Nam đạt 3.063 tỉ đồng, tăng 27%...
Có thể thấy, xu hướng gia tăng dư nợ margin diễn ra trong bối cảnh lãi suất giảm kỷ lục cuối năm 2023. Thêm nữa, việc tăng vốn ở loạt công ty chứng khoán thời gian qua cũng khiến nguồn lực, dư địa cho vay tốt hơn...
Thấy gì khi margin tăng, VN-Index loanh quanh 1.100, thanh khoản thấp?
Ông Bùi Văn Huy - giám đốc TP.HCM Chứng khoán DSC - cho biết dư nợ margin cuối quý 4-2023 ở vùng tiệm cận đỉnh lịch sử, còn tỉ lệ dư nợ ký quỹ/vốn hóa HoSE cao nhất lịch sử (khoảng 3,8%).
Thêm nữa, cần lưu ý số dư nợ margin thống kê nêu trên còn chưa bao gồm các khoản cho vay ba bên hay các "kho bãi".
Cũng theo ông Huy, với mức dư nợ margin hiện tại (đã lên khoảng 180.000 tỉ đồng), gần bằng thời điểm quý 1-2022, nhưng khi đó VN-Index ở vùng 1.400 - 1.500, trong khi VN-Index hiện tại chưa vượt 1.200.
"Tiền yếu đi nhiều, nội tại cũng yếu đi nhiều nhưng có thể được 'đỡ' bằng margin, dù vậy thị trường vẫn không kéo được bao nhiêu", ông Huy bình luận.
Tương quan giữa dư nợ margin và thanh khoản thị trường cũng chỉ ra dư nợ cho vay tăng mạnh nhưng thanh khoản không tăng, bình quân chỉ 14.000 - 15.000 tỉ đồng khớp lệnh. Trong khi, sử dụng đòn bẩy là cách giúp nhà đầu tư thêm vốn, góp phần đẩy thanh khoản thị trường chung cao hơn, tăng điểm số VN-Index.
Nhìn vào dữ liệu cuối quý 4-2023, một chuyên gia kinh tế cũng nhận xét số dư tiền gửi tại các công ty chứng khoán đều tăng cao trong khi thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp.
Điều này phần nào hàm ý dư nợ tại các công ty chứng khoán nhiều khả năng chủ yếu từ các "giao dịch" lớn của các ông chủ/các cổ đông lớn của doanh nghiệp, chứ không phải từ các nhà đầu tư cá nhân.
Việc các cổ đông lớn thế chấp cổ phiếu để vay nợ tại các công ty chứng khoán có thể phản ánh họ đang khó tiếp cận vốn vay ngân hàng để "cứu" các dự án đang dang dở của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận