* Ông Trần Bằng Việt (tổng giám đốc Đông A Solution):
COVID-19 đẩy tiểu thương ra khỏi chợ nhanh hơn
Nguyên nhân lớn nhất chính là nền kinh tế "mặt tiền và tiền mặt" của chúng ta. Đa số người dân đi xe 2 bánh, nên rất thuận lợi cho việc tạt ngang tạt dọc trên đường để mua thứ này thứ khác thay vì phải gửi xe để vào chợ.
Trong chợ, bạn phải chịu sự quản lý chặt hơn của quản lý thị trường về nguồn gốc và tiêu chuẩn hàng hóa, phải đóng rất nhiều loại phí và thuế. Còn ngoài đường, người bán chỉ cần quan hệ tốt một tí là ổn ngay.
Sự xuất hiện của những kênh phân phối tiện hơn hay rẻ hơn cho người tiêu dùng. Các nhãn hàng dần cảm thấy mình cần đến gần với người tiêu dùng hơn nên xây dựng các cửa hàng riêng. Các chuỗi bám chặt xung quanh những khu dân cư mới với đặc thù dân cư khá tương đồng về nhu cầu, thu nhập, hành vi mua hàng và tiêu dùng.
Các kênh online bán hàng không cần nguồn gốc, tiêu chuẩn, thuê mặt bằng hay thậm chí nhiều trường hợp không cần thuế/phí nên có thể giao hàng đến tận nhà (tiện hơn) với giá thấp (rẻ hơn). Đợt dịch COVID-19 vừa rồi không phải là nguyên nhân mà chỉ là một sự kiện làm tăng tốc quá trình này mà thôi.
Cho đến khi nào mà chúng ta chưa thay đổi được các nguyên nhân trên thì chưa thể thay đổi được hiện trạng là tiểu thương rời chợ.
* Ông Hồ Minh Chính (chuyên gia thị trường):
Chợ cần theo kịp thay đổi của xã hội
Câu chuyện chợ truyền thống vắng khách, ế ẩm cho thấy các chợ ở những đô thị lớn muốn tồn tại chắc chắn phải thay đổi cách thức vận hành và tiếp cận thị trường.
Tiểu thương giờ đây cũng phải biết livestream, quảng cáo online, cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà. Họ không thể duy trì cách bán hàng kiểu cũ là ra sạp mở quầy và chờ khách đến hay các văn hóa nói thách, trả giá, cân thiếu...
Ở các nước phát triển, chợ truyền thống vẫn phát triển và tồn tại tốt. Như ở Mỹ, chợ truyền thống vẫn là nơi mua sắm chính của người dân trong vùng.
Các chợ này đã thay đổi cách tổ chức, gian hàng tươm tất hơn, sạch sẽ hơn, giá cả rõ ràng hơn… Nó được tổ chức, sắp xếp không khác gì một siêu thị hiện đại. Các khu chợ ở TP cần có những thay đổi đột phá như vậy.
Trong quá trình lột xác này, một mình tiểu thương không thể làm được mà cần có vai trò của ban quản lý chợ, địa phương… cùng xây dựng chợ thành nơi mua sắm phù hợp với thói quen mới, văn minh, hiện đại.
* Bà Hồ Đức Minh (phụ trách kết nối thị trường của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh & hỗ trợ doanh nghiệp - BSA):
Tiếp cận khách theo cách thức mới
Chợ ế có thể biểu hiện rõ nhất ở TP.HCM, nơi vốn dĩ kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống đang giằng co thị phần 50-50, còn đi về các tỉnh thì thị phần bán lẻ truyền thống vẫn áp đảo 70-30; một số vùng sâu, vùng xa tỉ lệ này còn lên đến 80-20.
Thực tế mỗi năm kênh hiện đại chỉ có thể lấy thị phần khoảng 1% của kênh truyền thống, mức dịch chuyển này vẫn giữ suốt hơn 20 năm.
Chợ dân sinh truyền thống luôn có sức hút không chỉ với cư dân địa phương mà còn với cả du khách trong, ngoài nước nên cần nhìn nhận lại vai trò của chợ ở các TP lớn, chứ không chỉ ở TP.HCM.
Các khảo sát của chúng tôi từ doanh nghiệp cũng nhìn nhận đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ trong doanh số bán hàng từ kênh truyền thống sang các kênh khác như online, siêu thị, cửa hàng trong dịch. Các tiểu thương cần được hỗ trợ trong chuyển đổi số, tiếp cận khách theo cách thức mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận