Nhiều bạn trẻ tranh thủ giá tour giảm mạnh để đi du lịch. Trong ảnh: du khách VN tại quần đảo Nam Du (tỉnh Kiên Giang) - Ảnh: Q. ĐỊNH
Đó là ý kiến của các doanh nghiệp ngành du lịch, một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 cho đến nay. Theo nhiều ý kiến, các gói hỗ trợ càng triển khai sớm, doanh nghiệp càng yên tâm để lên kế hoạch khôi phục hoạt động hậu dịch bệnh.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ (tổng giám đốc Vietravel):
Nên lập tổ công tác triển khai gói tín dụng
Ông Nguyễn Quốc Kỳ (tổng giám đốc Vietravel)
Việc hỗ trợ cần có những căn cứ cụ thể, một khi xây dựng được các tiêu chí tiếp nhận gói hỗ trợ các cơ quan nhà nước cũng sẽ dễ dàng trong thực thi hơn.
Đầu tiên cần xem xét quy mô tổ chức, mức độ ảnh hưởng, tầm quan trọng đóng góp của doanh nghiệp đó trong ngành, dẫn dắt như thế nào trong ngành để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Tuy nhiên cũng không nên quan niệm doanh nghiệp lớn đương nhiên được hưởng hỗ trợ. Doanh nghiệp cần phải có kế hoạch thuyết phục mình xứng đáng nhận khoản hỗ trợ đó.
Mối quan tâm nhất hiện nay của các doanh nghiệp là gói hỗ trợ tín dụng này sẽ được triển khai thực hiện lúc nào. Trong tình cảnh hiện nay, thời gian vô cùng quan trọng, việc áp dụng gói hỗ trợ này phải càng sớm mới kịp thời được, các doanh nghiệp cần biết để đi theo.
Quá trình thực hiện rất cần sự đốc thúc, sâu sát của Chính phủ, đảm bảo không bị ngắt quãng hay trục lợi. Muốn vậy với gói hỗ trợ mang tính khẩn cấp như chủ trương đề ra, Chính phủ có thể lập một tổ công tác riêng chỉ đạo, giám sát đảm bảo đúng đối tượng, đúng thời gian và hiệu quả. Nếu không gói hỗ trợ sẽ rất dễ bị lãng phí.
Ngành du lịch đang gặp khó và những thiệt hại đang ngày càng nghiêm trọng, các hỗ trợ lúc này đều phải xác định mang tính cấp bách.
Ông Bùi Thế Duy (giám đốc điều hành Lửa Việt tours):
Đừng để doanh nghiệp "chết" trước khi được cứu
Ông Bùi Thế Duy (giám đốc điều hành Lửa Việt tours)
Chưa bao giờ các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp ngành du lịch, gặp khó như hiện nay. Gói tín dụng 250.000 tỉ đồng và gói tài khóa 30.000 tỉ đồng cấp bách hỗ trợ sản xuất kinh doanh được Thủ tướng đưa ra lúc này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt và nỗ lực của Nhà nước với các doanh nghiệp trong lúc khó khăn hiện nay.
Doanh nghiệp đang kiệt quệ vì không có doanh thu sẽ biết được dòng tiền sắp tới như thế nào, tính toán việc chi tiêu. Khi gói hỗ trợ được triển khai nhanh chóng với quy trình rõ ràng, doanh nghiệp mới nắm rõ mình được hỗ trợ gì, cần làm gì để tiếp cận gói hỗ trợ. Nếu để chậm quá, nhiều doanh nghiệp sẽ "chết" trước khi kịp được cứu.
Ông Nguyễn Văn Dũng (giám đốc Công ty du lịch Cổng châu Á):
Giảm phí tối đa để kích cầu du lịch nội địa
Ông Nguyễn Văn Dũng (giám đốc Công ty du lịch Cổng châu Á)
Là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi rất kỳ vọng các chính sách hỗ trợ thiết thực đến doanh nghiệp. Bởi tình hình dịch bệnh đang làm cho nhiều doanh nghiệp du lịch điêu đứng, đa số giảm lương và cắt giảm nhân sự...
Chúng tôi cũng nhận được những yêu cầu đề xuất, kiến nghị từ cấp ban ngành về các chính sách hỗ trợ, song rất mong muốn những chính sách đưa ra cần thiết thực, hiệu quả, nắm bắt đúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Chẳng hạn hiện nay có tình trạng dịch bệnh khiến khách hủy tour nhưng các khách sạn không hoàn lại tiền, cũng không hỗ trợ được phần nào khiến nhiều khách hàng, doanh nghiệp tour bị thiệt hại thêm.
Các doanh nghiệp cũng rất kỳ vọng vào thị trường nội địa, bởi hiện nay khách nước ngoài không ai đăng ký, chủ yếu bán các combo trong nước, giảm giá sâu. Tuy nhiên lượng khách đặt rất ít và hầu như chỉ tham khảo, đợi tình hình tốt hơn mới đặt tour.
Do vậy tôi kỳ vọng Chính phủ sớm triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa, thực hiện nhanh việc mở rộng diện xét và cải tiến thủ tục cấp thị thực điện tử, miễn phí thị thực với khách du lịch theo chương trình du lịch trọn gói như đã nêu trong chỉ thị, để tạo thuận lợi và thu hút khách du lịch nhiều hơn.
Để kích cầu du lịch nội địa, các doanh nghiệp du lịch đang giảm giá để tự "giải cứu" chính mình nên lợi nhuận không có nhiều, không đủ chi phí hoạt động. Vì vậy chúng tôi rất mong các chính sách kích cầu cần hướng đến hỗ trợ để làm sao giảm tối đa chi phí, các khoản thuế, phí liên quan.
Tuy nhiên cần có tiêu chí với từng đối tượng hỗ trợ cho phù hợp, hiệu quả, tránh hỗ trợ không trúng đích. Thực hiện nhanh cấp thị thực điện tử, miễn phí thị thực để khách nước ngoài thuận tiện hơn, đỡ phải làm các hồ sơ thủ tục thì cũng sẽ ưu tiên đến VN nhiều hơn. Tôi kỳ vọng truyền thông tốt hơn về du lịch, quảng bá nhiều hơn với thông điệp VN an toàn, sẽ giúp ngành du lịch VN cũng như các ngành khác sớm vượt qua khó khăn này.
Du khách nước ngoài tham quan tại TP.HCM trong tháng 2-2020 - Ảnh: Q.ĐỊNH
Luật sư Nguyễn Ngọc Tuấn (giám đốc Công ty TNHH thuế kế toán Luật Việt Á):
Nên gia hạn việc đóng bảo hiểm xã hội
Chính sách gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho hộ, cá nhân kinh doanh và tiền thuế đất sẽ hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh. Việc chậm nộp các khoản tiền thuế này, nhất là tiền thuế đất, tiền thuế giá trị gia tăng sẽ giúp người kinh doanh có nguồn tiền để cầm cự qua lúc khó khăn này thay vì phải nộp thuế ngay.
Ngoài gia hạn việc nộp các khoản thuế, Chính phủ nên xem xét cho doanh nghiệp chậm nộp cả tiền bảo hiểm xã hội. Vì trong lúc khó khăn đặc biệt như hiện nay, nếu được chậm nộp các khoản bảo hiểm cho người lao động sẽ là sự chia sẻ rất lớn cho doanh nghiệp. Để hỗ trợ đúng đối tượng bị thiệt hại bởi dịch bệnh này, một trong những tiêu chí đánh giá là bằng doanh thu so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái. (L.THANH ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận