Du khách nước ngoài đạp xe dạo quanh TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cuối tuần, thỉnh thoảng tôi cũng đạp xe ra khỏi TP, đi Tây Ninh hay Vũng Tàu gì đó.
Thật lòng nhìn nhận, rất khó khăn để có thể đi xe đạp trong TP.HCM với những điều kiện hiện tại. Có khá nhiều thử thách cho người đi xe đạp, và thậm chí tôi thấy đi xe đạp còn nguy hiểm hơn cả đi xe máy. Ví dụ để tìm một chỗ để xe an toàn trong TP cũng là vấn đề lớn.
Xe đạp của tôi có trị giá bằng chiếc xe máy tôi đang đi, nhưng không giống như xe máy, xe đạp có thể bị "rinh" đi dễ dàng dù có khóa đi chăng nữa. Một số trung tâm mua sắm và bãi đậu xe cũng không lắp đặt trụ để khóa xe đạp vào cho an toàn.
Nhiều TP trên thế giới đã áp dụng loại hình xe đạp cho thuê và gặt hái kết quả khác nhau. Có những nơi thực hiện mô hình này thành công như Amsterdam (Hà Lan). Tôi nghĩ không phải bản thân mô hình thuê xe đạp thành công mà là cả một văn hóa xe đạp trong cộng đồng, ở đó mô hình cho thuê xe đạp hoạt động như một dịch vụ bổ sung.
Còn trường hợp xấu nhất, có nơi tình trạng cung vượt cầu, cùng việc thiếu đảm bảo an toàn cho cơ sở vật chất của dịch vụ dẫn đến tình trạng xe đạp bị quăng xuống sông, bị mất cắp và hư hại.
Có hai vấn đề lớn khi thực hiện mô hình này. Một là nếu người thuê có thể để xe đạp ở bất cứ đâu sau khi sử dụng thì chúng ta phải đối mặt với khả năng xe đạp bị phá hoại.
Còn nếu xe đạp được để ở các trạm nhất định, khóa đàng hoàng thì sẽ an toàn hơn, tuy nhiên lại gây bất tiện vì người thuê phải đạp đến bãi để trả xe và từ đó đi bộ đến nơi cần đến.
Điều này sẽ khiến người ta muốn chọn các phương tiện khác như taxi, các loại xe hơi/xe ôm công nghệ... để có thể đến tận cửa nơi mình muốn đến.
Ông Ray Kuschert - Ảnh: NVCC
Ngoài ra, ở TP.HCM cũng chưa có đường dành riêng cho xe đạp nên việc phải đi chung đường với xe máy sẽ là thử thách cho cả người Việt lẫn nước ngoài khi đi xe đạp.
Một vấn đề quan trọng nữa là hiện nay ở TP.HCM chưa có văn hóa xe đạp. Mọi người đều đi xe máy nên dịch vụ cho thuê xe đạp sẽ không dễ dàng "hòa nhập" được.
Tuy nhiên, tôi tin rằng một bộ phận dân số sẽ thử dịch vụ này và cũng sẽ có những người sử dụng thường xuyên. Xe đạp là xu hướng của tương lai.
Cả xe đạp truyền thống và xe đạp điện ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Tại nhiều TP, chính phủ đã quy hoạch đường và các khu vực dành riêng cho xe đạp, điều này thúc đẩy người dân sử dụng xe đạp.
Tôi tin rằng việc cho xe đạp có không gian riêng trên đường, có đường và các khu vực riêng cho xe đạp là điều quan trọng nhất mà bất kỳ chính phủ nào cũng có thể làm để thúc đẩy việc sử dụng xe đạp.
Có người phàn nàn về thời tiết nóng bức ở thành phố khiến việc di chuyển bằng xe đạp khó khăn, tuy nhiên với tôi, đó không phải là một trở ngại lớn mà tôi nghĩ trời mưa mới thật sự gây khó khăn cho người đi xe đạp.
Ý tưởng hay
Tôi cho rằng phát triển dịch vụ xe đạp ở bất cứ TP nào cũng là một ý tưởng hay. Vì vậy, tôi rất mừng khi biết TP.HCM đang hiện thực hóa ý tưởng này. Mô hình này khá thành công ở Montreal, tỉnh Quebec (Canada) quê tôi.
Tuy nhiên, tại một số nơi khác như Trung Quốc, dịch vụ chia sẻ xe đạp từng bùng nổ như nấm sau mưa nhưng thất bại. Vì vậy, tôi không chắc những người sinh sống ở TP.HCM (người địa phương và người nước ngoài) đón nhận sáng kiến này như thế nào.
Đạp xe có thể là thói quen mà cư dân đô thị sẽ làm quen trở lại theo thời gian, vì thay đổi cách thức đi lại mà mọi người đã quen không phải là việc sớm chiều. TP.HCM cần giải quyết những cản trở trong việc hình thành thói quen này, không đơn giản là thành lập trạm xe và cung ứng xe đạp.
Tình trạng thiếu cơ sở vật chất phù hợp, đặc biệt là làn đường dành cho xe đạp có thể là một thách thức lớn. Thời tiết nóng ẩm cũng có thể là lý do nhiều người nước ngoài ngần ngại khi dùng xe đạp nhưng có thể đó sẽ không là cản trở lớn với người dân địa phương. Riêng với cá nhân tôi, ô nhiễm không khí là vấn đề đáng lo ngại nhất.
So với đi xe hơi hay xe máy, đạp xe buộc chúng ta phải vận động và người đạp xe sẽ hít vào nhiều không khí ô nhiễm hơn khi đạp xe trong TP. Họ có thể đeo khẩu trang nhưng du khách và nhiều nơi cho thuê xe có thể không có sự chuẩn bị này.
Ngoài các vấn đề trên, chính quyền cũng cần truyền thông và giáo dục người dân tuân thủ luật giao thông khi đạp xe. Người dân cần hiểu rõ về quyền của người đi xe đạp, cách ra dấu hiệu, thứ tự ưu tiên khi đến các đường giao nhau và các vấn đề khác. Người điều khiển các loại phương tiện khác khi tham gia giao thông cũng cần biết và tôn trọng điều này.
RYAN PATEY (người Canada) - HỒNG VÂN ghi
Cần đẩy mạnh tuyên truyền
Ở chỗ tôi sống, tôi vẫn thường xuyên sử dụng xe đạp vì chúng tôi có hệ thống xe đạp cho thuê tương tự với đề xuất hệ thống xe đạp công cộng ở TP.HCM. Xe đạp ở nơi tôi sống được phép đi cả trên lề và dưới lòng đường nên ngay cả những người tay lái yếu vẫn không phải lo sợ và có thể tự tin thuê một chiếc xe đạp. Tôi nghĩ hệ thống này đã giúp nhiều người ở Đài Loan bắt đầu sử dụng phương tiện công cộng và đi bộ nhiều hơn, thay vì mua phương tiện cá nhân như ôtô và xe máy.
Tương tự nhiều nước khác, chúng tôi xây nhiều trạm quanh TP và người dùng sẽ mượn xe đạp và có thể trả ở bất kỳ trạm nào của hệ thống chứ không cần phải quay lại nơi mình đã mượn. Hệ thống này đặc biệt được sinh viên, học sinh và người trẻ sử dụng nhiều.
Mặt trái của hệ thống xe đạp công cộng của Đài Loan là phải đầu tư nhiều trạm, dễ bị mất xe đạp, người dùng không có nón bảo hiểm và cũng không đòi hỏi bằng lái nên dễ gây nguy hiểm.
Theo tôi, việc lắp đặt hệ thống xe đạp ở TP.HCM có thể gặp phải nhiều khó khăn và ít người sử dụng do TP quá đông đúc và nguy hiểm. Chính vì vậy chính quyền và các nhà chức trách cần phải cố gắng tuyên truyền và có những biện pháp khác như hạ thấp giá thành thuê xe đạp để thu hút người sử dụng. Đồng thời, cần phải xác định đây là một kế hoạch dài hơi vì sẽ phải mất một thời gian dài người Việt mới bắt đầu quen được với ý tưởng đó và trở nên cởi mở hơn trong việc thuê xe đạp công cộng.
LU LING KAI (người Đài Loan) - Hà My ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận