31/01/2014 21:42 GMT+7

Chợ ngựa Bắc Hà

TRẦN HỮU SƠN
TRẦN HỮU SƠN

TTXuân - Ở các huyện vùng cao Lào Cai, con ngựa vừa là người bạn thân thiết vừa là phương tiện vận chuyển quan trọng hằng ngày.

Mỗi ngày, vào những buổi sáng chưa tan sương, dù trời còn giá lạnh, ngựa vẫn cặm cụi giúp gia đình người Mông chở nông cụ, phân bón, hạt giống lên nương.

JFxvcwiu.jpg
Người Mông rất giỏi trong việc xem răng đoán được độ tuổi của ngựa - Ảnh: Nguyễn Khánh
fzl0BxkP.jpg
Ông Sùng Sá Sùng cưỡi thử một vòng chợ để kiểm tra sức khỏe của ngựa trước khi mua - Ảnh: Nguyễn Khánh
02DqFCfM.jpg
Nụ cười của bà Giàng Thị Váng, nhà ở xã Tả Văn Chư, phía sau là con ngựa 3 năm tuổi của gia đình - Ảnh: Nguyễn Khánh
mO3kQd0l.jpg
Một góc chợ ngựa Bắc Hà. Sau nhiều lần chuyển địa điểm, chợ ngựa hiện nay nằm giữa trung tâm thị trấn Bắc Hà - Ảnh: Nguyễn Khánh
En6gJhx3.jpg
Một chủ ngựa khống chế ngựa non lần đầu xuống chợ - Ảnh: Nguyễn Khánh
DCh3Y05A.jpg
Chị Giàng Thị Dí (nhà tại bản Làng Mới, huyện Bắc Hà) chăm sóc hai con ngựa tại gia đình. Thức ăn của ngựa chủ yếu là các loại ngũ cốc, đặc biệt là ngô - Ảnh: Nguyễn Khánh
WBe42jG1.jpg
Giá ngựa tại chợ Bắc Hà dao động 8 - 15 triệu đồng/con và tùy thuộc kích thước, độ tuổi của ngựa. Ngựa cái giá thường cao hơn ngựa đực - Ảnh: Nguyễn Khánh

Chiều tối, khi mặt trời lấp ló rặng núi phía tây cũng là lúc ngựa nhẫn nại chở các sản phẩm thu hoạch từ nương rẫy về nhà. Đường núi vùng cao đèo dốc quanh co, đá núi gập ghềnh, chỉ có con ngựa - người bạn thân quen - mới có khả năng giúp người Mông gieo trồng bắp, hạt lúa trên đỉnh núi, sườn non chênh vênh. Ngựa không chỉ làm bạn với nông dân vùng cao mà còn trở thành người bạn tâm tình chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của người Mông.

Mỗi phiên chợ đến, các chàng trai cô gái Mông náo nức về chợ. Trên lưng ngựa chất đầy nông sản, thổ cẩm. Đến chợ, khi người vợ bán hàng, các chàng trai ra phía sau chợ mở cuộc đua thi xem ngựa nào khỏe nhất, phi nhanh nhất. Buổi chiều, vợ chồng người Mông cùng với con ngựa thân yêu mải miết về làng. Trên lưng ngựa, chàng trai Mông say rượu vừa cưỡi ngựa vừa như muốn ngã xuống ven đường, nhưng lạ thay con ngựa vẫn nhẫn nại chở người. Người vợ lững thững đi bên cạnh, khi người chồng say quá không cưỡi nổi trên mình ngựa, người vợ dìu xuống gốc cây, che ô đợi chồng tỉnh rượu. Chú ngựa con quấn quýt bên cạnh không rời.

Ngựa là người bạn trong đời thường nhưng cũng là con vật thiêng trong đời sống tín ngưỡng người Mông. Ngựa là vật duy nhất hóa thân thành chiếc cáng đưa người chết về cõi vĩnh hằng. Chỉ có con ngựa mới có đủ sức mạnh huyền bí để chở ông thầy Saman người Mông đi về các cõi trời, cõi đất và sông biển để tìm linh hồn người ốm chữa bệnh cho người Mông.

Ngựa vào trong câu dân ca như biểu tượng của chàng trai, biểu tượng của sức mạnh. Ngựa ẩn mình trong tục ngữ người Mông như người bạn thủy chung. Ngựa được chế biến thành món ăn nổi tiếng của các phiên chợ vùng cao - đó là thắng cố. Thắng cố có nhiều loại: thắng cố dê, thắng cố trâu… nhưng ngon nhất, đậm đà hương vị vùng cao nhất chính là thắng cố ngựa. Ai đến chợ, về chợ hoặc người đi xa đều nhớ mãi món thắng cố vùng cao. Ngựa trở thành biểu tượng trong văn hóa người Mông. Ngựa cũng trở thành địa danh của một thôn (Má Lao Chải - trại ngựa cũ) hay của một huyện Si Ma Cai (chợ ngựa mới).

Những năm gần đây đàn ngựa ở vùng cao giảm sút nhiều. Năm 2003, huyện Bắc Hà có gần 8.000 con ngựa thì đến nay chỉ còn hơn 3.000 con. Trên các bản làng cheo leo người Mông, những chiếc xe máy “min khờ”, xe Trung Quốc đã thay thế con ngựa chuyên chở hàng hóa. Con ngựa sẽ đi đâu, về đâu? Năm 2014, huyện Bắc Hà sẽ tổ chức “những ngày văn hóa ngựa”. Du khách đến đây sẽ được thi cưỡi ngựa, xem lễ hội đua ngựa, chọi ngựa và được thưởng thức món thắng cố nấu từ những chảo khổng lồ phục vụ hàng trăm người ăn đến những chảo truyền thống phục vụ một gia đình.

TRẦN HỮU SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên