TT - 1. Khúc ca thứ XXIII của sử thi Odyssey bất hủ đã kể lại một câu chuyện tình thật đẹp. Odyssey - nhân vật chính của sử thi - sau hơn mười năm bị nữ thần Calypso giam giữ phải đối mặt với nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Và để giành lại tình yêu với nàng Penelopey kiều diễm, chàng đã chiến đấu hết mình: từ việc giả dạng thành kẻ hành khất, tiêu diệt những kẻ thù xảo quyệt, chịu thử thách đớn đau của chính người vợ dấu yêu... Câu chuyện đẹp bởi nó tôn vinh tình yêu đích thực, chung thủy tận cùng dù qua thử thách khắc nghiệt.
2. Những tháng ngày đầu tiên của mùa Giải ngoại hạng Anh 2011-2012 với Arsenal và những người hâm mộ họ chẳng khác gì một khúc ca Odyssey trong bóng đá. Tình yêu đã bị thử thách. Đã có những âu lo, tủi hờn; đã có những giọt nước mắt và thậm chí đã có những tiếng la ó trong tận cùng thất vọng... từ những người trót yêu đội bóng của thành London.
Khởi đầu đáng quên, trận thua “thảm họa” trước M.U là những nhát dao tàn nhẫn cứa vào trái tim yêu của họ. Nhất là khi họ nhìn vào những chiến thắng như trở bàn tay của Man xanh, Man đỏ thì sự chạnh lòng đã biến thành nỗi tự ái ghê gớm. Họ đòi ông Wenger ra đi, không tiếc lời chỉ trích chính sách của câu lạc bộ; họ mòn mỏi chờ chiến thắng đầu tiên... Hạnh phúc bao năm giữa họ với sắc áo đỏ trắng oai hùng có nguy cơ tan vỡ.
3. Nếu như Homer là người cứu vãn tình yêu cho Odyssey, khi tác giả bộ sử thi vĩ đại đã dùng bí mật của chiếc giường cưới để giải tỏa sự bế tắc cuộc hôn nhân sắp đổ vỡ, thì hôm thứ bảy vừa rồi người cứu vãn một trong những mối tình đẹp nhất Premiership là Vorm - người gác đền của Swansea - đối thủ của chính Arsenal tại vòng 4. Sai lầm của Vorm đã tặng cho The Gunner 3 điểm, nhưng hơn hết đã giúp những “người tình” của các pháo thủ quả cảm lại có niềm tin để tiếp tục thủy chung, chiến đấu với những nỗi hoài nghi, thất vọng...
Món quà của Vorm có thể chưa giúp đoàn quân đỏ trắng trở lại cuộc đua, chiến thắng của Arsenal có thể chưa khiến người hâm mộ
kết liễu được cảm giác mong manh khi dõi theo từng bước chạy của họ... Nhưng hãy cảm ơn món quà ấy, chiến thắng ấy vì nó đã giúp một tình yêu hồi sinh.
Mời độc giả liên hệ nhận giải Trong lễ phát thưởng bốn vòng đầu tiên cuộc thi “Bình luận viên ngoại hạng” diễn ra hôm 12-9 tại tòa soạn Tuổi Trẻ, một số độc giả trúng giải đã không có mặt. Ban tổ chức kính mời những độc giả trúng giải đến tòa soạn Tuổi Trẻ để nhận thưởng hoặc cung cấp địa chỉ và số điện thoại qua email: để chúng tôi liên lạc. |
DUY KHANH
Bóng đá VN là của ai?
Hiếm khi Giải ngoại hạng Anh (Premier League) có một vòng đấu “chán” như vòng vừa qua (ngày 10 đến 12-9). “Tứ đại gia” Manchester United (M.U), Chelsea, Arsenal, Liverpool cùng “nhà giàu mới” Manchester City (M.C), hai đội mạnh Aston Villa, Tottenham và đội đang có phong độ tốt Newcastle đều không gặp nhau. Thiệt tình chẳng biết chọn xem trận nào.
Nhưng khi vòng đấu kết thúc, bạn bè tôi vẫn bàn tán rôm rả, nào là chuyện ngôi sao đội M.U Wayne Rooney lập hat-trick thứ hai trong mùa ở trận gặp Bolton, chuyện đội M.C bắt đầu phát huy sức mạnh của đồng tiền... Bàn tán chưa đủ, dân ghiền còn tìm mua báo thể thao để xem các chuyên gia bình luận. Đề tài tranh cãi vẫn cứ nườm nượp.
Đó chính là thương hiệu của Premier League - thương hiệu luôn có sức thu hút mãnh liệt với người hâm mộ khắp hành tinh. Kể cả vòng đấu mà các đội mạnh không gặp nhau, người ta vẫn thấy Premier League rất hấp dẫn. Đề tài chuyên môn và số liệu thống kê nhan nhản trên Internet đã biến cái “chán” thành cái hay. Trong rừng thông tin đầy ắp chất chuyên môn ấy, mỗi người tự rút ra kết luận cho riêng mình, thưởng thức cái hay theo “gu” của mình.
Thú vị hơn là mùa giải qua và mùa giải mới này, khán giả hâm mộ rất hiếm khi nghe nhắc tới tên ông chủ tịch hay tổng thư ký Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) lẫn trưởng ban tổ chức giải Premier League. Mặt báo hầu như chỉ xuất hiện tên cầu thủ, đội bóng, đôi khi có tên trọng tài nếu trận đấu có tình huống tranh cãi.
Thế còn bóng đá VN? Chỉ thấy “nóng” bởi những chuyện đâu đâu ngoài sân bóng. Thay vì được xem, được nghe, được đọc những chuyện bóng đá đích thực, thiên hạ lại cứ phải xem, đọc, nghe những chuyện chẳng hề liên quan trực tiếp đến bóng đá. Phải chăng bóng đá VN không còn gì để bàn ngoài chuyện của ông chủ tịch, tổng thư ký VFF hay trưởng ban tổ chức giải?
Thật vậy, mùa giải V-League 2011 kết thúc, không cái tên cầu thủ nào thật sự để người hâm mộ “khắc cốt ghi tâm”, ngoài tên của các quan chức và trọng tài!
HUỲNH THỊ KIỀU TRANG (Huỳnh Tịnh Của, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận