11/04/2014 07:23 GMT+7

Chở đúng tải, giá cước sẽ tăng?

N.ẨN - T.V.NGHI - T.MẠNH
N.ẨN - T.V.NGHI - T.MẠNH

TT - Sau khi việc vận chuyển quá tải bị siết lại, giá cước đã tăng 40-100%. Trong khi đó, cả chủ hàng và doanh nghiệp vận tải đều bày tỏ lo ngại hiện tượng “bắt xe này bỏ xe kia”, tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Kiên quyết xử lý xe quá tảiĐau đầu với cân tải trọngNhiều bất cập ở trạm cân xe

TPc8Ww9f.jpgPhóng to
Lực lượng chức năng kiểm tra xe quá tải trên tỉnh lộ 25B, Q.2, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Dù ủng hộ việc kiểm tra xe chở quá tải, nhưng các doanh nghiệp cho rằng đã làm phải làm triệt để, không làm theo kiểu phong trào là làm một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đó.

Cước tăng 40-100%

* Luật sưTHÁI VĂN CHUNG(Đoàn luật sư TP.HCM):

Phải ngăn chặn quá tải từ gốc

Việc kiểm tra tải trọng và xử lý xe vi phạm chở quá tải chủ yếu diễn ra trên đường, đối tượng bị kiểm tra xử phạt chưa đầy đủ, mức xử phạt chưa công bằng... nên hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, nếu phát hiện xe chở hàng quá tải cũng rất khó áp dụng chế tài xử phạt bổ sung để buộc lái xe, chủ xe hạ tải dọc đường được (vì dễ gây ách tắc giao thông, thiếu phương tiện bốc xếp, bảo quản hàng hóa, thiếu chỗ chất hàng...). Ngược lại, nếu việc kiểm tra, xử lý xe quá tải ngay tại gốc - nơi có các điểm xuất phát hàng hóa lớn (các cảng sông, cảng biển, KCN - KCX, kho bãi, xí nghiệp...) thì sẽ tăng cường khả năng giám sát lẫn nhau giữa các đối tượng bị kiểm tra, giữa người bị kiểm tra với lực lượng kiểm tra, kể cả với các công cụ hỗ trợ về công nghệ chắc chắn sẽ góp phần giảm nạn tiêu cực như cách làm từ trước đến nay. Mặt khác, dễ dàng áp dụng chế tài buộc người vi phạm hạ tải hàng hóa đối với phần chở quá tải.

Nhiều doanh nghiệp ngành thép, ximăng... cho biết các nhà xe vừa đồng loạt tăng cước phí vận chuyển. Ông Nguyễn Trung Khoa, chủ đại lý kinh doanh ximăng Hồng Đức (Q.11), vừa được nhà xe thông báo tăng cước vận chuyển từ 1.500-1.700 đồng/tấn/km lên 2.200-2.500 đồng/tấn/km, bắt đầu từ ngày 9-4. “Nhà xe nói mức tăng như vậy mới bù đắp nổi chi phí cho xe chạy tới chạy lui, thay vì chỉ chạy một lần như trước. Sức mua đang kém, doanh nghiệp phải bán giá hòa vốn để giữ khách, mà giá cước tăng như vậy thì coi như sẽ lỗ” - ông Khoa than.

Tổng giám đốc điều hành một doanh nghiệp thép khu vực phía Nam cũng cho hay theo tính toán chưa đầy đủ, ước chi phí vận tải sẽ phải tăng từ mức 5-6 tỉ đồng/tháng lên 9-10 tỉ đồng/tháng trong thời gian tới khi “đội xe chúng tôi thuê bên ngoài đều đồng loạt báo giá tăng, áp dụng từ ngày 9-4, với mức tăng gấp đôi so với trước, bất kể đường gần hay xa”.

Ông Nguyễn Văn Bình, giám đốc một công ty kinh doanh nông sản tại TP.HCM, cho biết trước đây cước vận chuyển hàng từ Gia Lai về TP.HCM ở mức 550.000 đồng/tấn thì mấy ngày gần đây các công ty vận tải thông báo lên mức 1-1,1 triệu đồng/tấn. “Mức cước phí này tăng đột ngột nên chúng tôi rất bị động, không vận chuyển thì không có hàng chế biến, mà lấy hàng thì chi phí quá lớn” - ông Bình cho hay.

Giám đốc một doanh nghiệp cao su tại Khu công nghiệp Mỹ Phước (Bình Dương) cho hay trước đây công ty này thuê xe vận chuyển container với giá 4,5 triệu đồng/xe công đôi (khoảng 20 tấn/container) để chở nguyên liệu từ TP.HCM lên nhà máy. Nhưng từ khi áp dụng lệnh phạt xe quá tải thì nhà xe đã đòi tăng giá lên 6 triệu đồng. “Họ giải thích là giờ không dám chạy xe container đôi nữa vì quá tải nên phải chạy container đơn và đơn giá là 3 triệu đồng/container” - vị giám đốc này nói.

Một cán bộ của Tổng công ty Công nghiệp ximăng VN (Vicem) cũng xác nhận Vicem đang xem xét kỹ lưỡng mức tăng từ chi phí vận tải vì hầu hết nguyên liệu sử dụng để sản xuất ximăng đều cần chuyên chở, không bằng tàu thì bằng xe, nên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Giám đốc một công ty vận chuyển tại TP.HCM cho rằng không phải nhà xe đẩy giá cước lên kiếm lời, mà đây là giá cước thực do chở đúng tải thay vì mức cước thấp nhưng chở quá tải như trước đây.

Phải nghiêm minh và công bằng

“Việc kiểm tra xe chở quá tải là cần thiết, nhưng phải làm công bằng, tránh hiện tượng bắt xe này nhưng tha cho xe kia làm nảy sinh sự cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp” - một lãnh đạo của Vicem nói. Anh Mai Văn Nam, tài xế Công ty TNHH Nam Trung Bắc, cũng ủng hộ quan điểm này khi cho rằng để chủ trương cấm xe quá tải hiệu quả, trước hết việc cân xe tải cần phải được làm một cách triệt để và lâu dài.

Theo anh Nam, hiện nay các trạm cân chỉ làm trong giờ hành chính nên vào giờ nghỉ giữa ca, các xe tải đã phóng ào ào qua trạm. “Điều kỳ lạ là hàng đoàn xe tải xếp hàng dài trên đường chỉ cách trạm cân 100m mà không có đơn vị chức năng nào đến xử lý. Bộ GTVT cần quy định trạm cân phải tổ chức cân 24/24 giờ với tất cả xe tải qua trạm” - anh Nam nói.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương xe phải chở hàng đúng tải, ông Đinh Nam Dinh - chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải số 9 - cho rằng cần phải xử lý vấn đề tận gốc, đó là có quy định chủ hàng, chủ cảng, chủ kho cùng chịu trách nhiệm và bị xử lý khi xe chở quá tải hoặc khi chiếc xe quá tải này gây tai nạn giao thông, chứ không chỉ có chủ xe, lái xe mới chịu trách nhiệm. Theo ông Dinh, các hãng bia, dầu nhờn đều yêu cầu đơn vị vận tải phải chở hàng đúng tải, chấp nhận chở đúng giá và “doanh nghiệp vận tải rất mừng”.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng các cơ quan chức năng cần chỉ đạo các kho tàng, bến bãi, cảng, khu công nghiệp, khu chế xuất... phải có trách nhiệm phối hợp với lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông để các lực lượng này được quyền vào kiểm tra ngay tại các điểm xuất phát xếp dỡ hàng hóa tại cảng, bến bãi, khu công nghiệp, khu chế xuất... là các khu vực tập trung nguồn hàng hóa lớn. “Về lâu dài, cần quy định trách nhiệm của chủ xe, lái xe và cả với chủ hàng, trong đó có thể là chủ hàng trực tiếp hoặc chủ hàng được ủy quyền” - ông Quản nói.

* ÔngĐINH NAM DINH (chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải số 9)

Doanh nghiệp vận tải muốn chở đúng tải

Hầu hết doanh nghiệp vận tải không ai muốn chở hàng quá tải để bị phạt và tước giấy phép lái xe, bởi chở quá tải là một tệ nạn và là sự phân công bất hợp lý giữa chủ hàng và đơn vị vận tải. Thế nhưng, do tình trạng “cung” (quá nhiều đơn vị vận tải nhận chở hàng) đã vượt “cầu” (lượng hàng hóa ít) nên các đơn vị vận tải đã cạnh tranh hạ giá để chở hàng quá tải.

Tiêu cực trên đường lúc nào cũng có như xe chạy quá tốc độ, xe bị hỏng đèn... chứ không chỉ có xe chở quá tải mới tiêu cực. Thế nhưng, xe chở hàng đúng tải thì đơn vị vận tải yên tâm hơn khi lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông yêu cầu dừng xe kiểm tra. Tránh được lỗi xe quá tải có nghĩa là tránh được mức xử phạt rất nặng như hiện nay.

* ÔngĐỖ XUÂN PHÚ (giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ vận tải Minh Liên):

Bị phạt quá tải vì bất cập trong quy định

Điều bất cập nhất hiện nay là nhiều xe chở hàng đúng tải (không vượt tổng trọng lượng xe và hàng hóa trên xe) nhưng nhà xe vẫn bị phạt khi cân trục xe quá tải, do sự thiếu thống nhất giữa các quy định. Chẳng hạn theo tiêu chuẩn quốc tế, một container 20 feet được chở hàng hóa có trọng lượng 20-22 tấn, container 40 feet chở 26-28 tấn, trong khi đó quy định hiện nay chỉ cho phép một container 20 feet chở trọng tải thấp hơn vài tấn nên nhiều xe bị phạt vì quá tải trục.

Đồng Nai: trạm cân xe vẫn còn chập chờn

Ngày 10-4, Thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai cho hay thiết bị cân xe lưu động ở km25 quốc lộ 51 (xã Long An, huyện Long Thành) vẫn còn chập chờn. Cụ thể, trong ngày lực lượng phải dừng cân hai lần để báo Tổng cục Đường bộ VN khắc phục sự cố thiết bị.

Theo ghi nhận, vào những lúc xe nghi quá tải được đưa vào cân thì camera không nhận diện hình ảnh xe nên nhiều tài xế phải chờ. Có những xe quá tải đã hạ tải cũng phải chờ thiết bị hoạt động trở lại để vào cân theo quy định. Do phải chờ kỹ thuật viên của Tổng cục Đường bộ VN khắc phục lỗi thiết bị, nhiều tài xế lại nôn nóng giao hàng cho kịp thời gian nên đã phản ứng.

Bình Thuận: kiểm tra tải trọng xe 24/24 giờ

UBND tỉnh Bình Thuận vừa ra quyết định thành lập và ban hành quy chế quản lý hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn. Theo đó, trạm sẽ hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ để kiểm tra, kiểm soát phương tiện, xử lý các phương tiện vi phạm chở quá trọng tải thiết kế hoặc trọng tải cầu đường, bắt buộc phải hạ tải.

Lực lượng trực tiếp kiểm soát, xử lý vi phạm gồm Thanh tra Sở Giao thông vận tải Bình Thuận, Phòng cảnh sát giao thông và Phòng cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an tỉnh. Đáng chú ý là lực lượng kiểm soát quân sự được tăng cường vào trạm kiểm tra tải trọng lưu động nhằm buộc các ôtô mang biển kiểm soát quân sự có biểu hiện vi phạm quá tải trọng, quá khổ vào trạm để kiểm tra xử lý, kể cả xe của các đơn vị, doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, đồng thời hỗ trợ các lực lượng trong công tác xử lý vi phạm.

Phú Yên: điều tra “cò” dẫn xe né trạm cân

Liên quan đến tình trạng một số “cò” chuyên dẫn các xe chở quá tải qua trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tại xã An Mỹ, huyện Tuy An (Phú Yên) như Tuổi Trẻ đã thông tin, chiều 10-4 ông Võ Ngọc Kha - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên - cho biết đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với công an sử dụng cân tải trọng lưu động chốt chặn 24/24 giờ tại tuyến đường ven biển của tỉnh đoạn từ xã An Phú (TP Tuy Hòa) đến xã An Mỹ (huyện Tuy An) - nơi có nhiều xe né trạm - để xử lý những trường hợp vi phạm. Theo ông Kha, Sở Giao thông vận tải tỉnh cũng đã đề nghị giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra hai đầu trạm cân xã An Mỹ để xử lý các xe chở quá tải dừng dọc hai bên đường, đồng thời điều tra, xử lý những người làm “cò” nhận tiền để đưa các xe vi phạm qua trạm.

N.ẨN - T.V.NGHI - T.MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên