14/05/2018 17:35 GMT+7

Cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Quyết định được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra tại phiên họp chiều nay 14-5, do Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy xác nhận với Tuổi Trẻ Online.

Cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội - Ảnh 1.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh trong cuộc tiếp xúc cử tri gần đây nhất TP Biên Hòa ngày 3-5 - Ảnh: H.MI

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, căn cứ theo quy định của pháp luật, đề nghị của Ban Bí thư, ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, cử tri, sau những vi phạm của bà Thanh đã bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý trong thời gian qua, đồng thời bà Thanh cũng có đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu", ông Túy cho hay.

Đúng 10 ngày trước, Ban Bí thư đã ra thông báo kỷ luật về mặt Đảng, trong đó khẳng định những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh "rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân" bà Thanh.

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức "cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật".

Ngay sau đó, bà Mỹ Thanh đã có đơn gửi UB Thường vụ Quốc hội, xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, một ĐBQH có quyền xin thôi nhiệm vụ vì lý do sức khoẻ hoặc lý do khác, ví dụ trường hợp ông Ngô Đức Mạnh vừa được UB Thường vụ Quốc hội cho thôi nhiệm vụ để đi làm Đại sứ VN tại Liên bang Nga. 

Tuy vậy, trước đó UB Thường vụ Quốc hội cũng từng xét cho ông Võ Kim Cự thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khi ông có đơn trình bày "lý so sức khoẻ", sau khi ông Võ Kim Cự bị xử lý kỷ luật vì liên quan đến vụ Formosa.

Điều 38 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: "Đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ hoặc lý do khác. Việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định; trong thời gian Quốc hội không họp thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".

Tuy nhiên, Luật Tổ chức Quốc hội còn một điều nữa quy định về trường hợp đại biểu Quốc hội mất tín nhiệm. "Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm" - Điều 40 quy định.

Như vậy, việc cho thôi làm nhiệm vụ và bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội có mức độ và ý nghĩa rất khác nhau.

Ông Đinh La Thăng mất quyền đại biểu Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay cũng đã nghe Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh, đại biểu tỉnh Quảng Nam.

Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 456/NQ-UBTVQH14 và Nghị quyết số 457/NQ-UBTVQH14 về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 22-1, tại bản án hình sự số 33/2018/HS-ST, Tòa án ND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh. Ngoài ra, ngày 29-3, tại bản án sơ thẩm số 110/2018/HS-ST, Tòa án ND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng trong vụ án PVN góp vốn 800 tỉ vào Ocean Bank.

Sau đó hai ông đã có đơn kháng cáo lên Tòa án ND cấp cao, Tòa án ND tối cao tại Hà Nội đang xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 355, Bộ luật tố tụng hình sự: "Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án" và theo khoản 2, Điều 39, Luật Tổ chức Quốc hội: "Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật" thì ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên có tội.

Những vi phạm khiến bà Mỹ Thanh bị cách hết chức vụ Những vi phạm khiến bà Mỹ Thanh bị cách hết chức vụ

TTO - Sau khi đánh giá các vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, Ban bí thư quyết định cách hết chức vụ, đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội của bà Phan Thị Mỹ Thanh.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên