19/12/2004 12:00 GMT+7

Chợ 4 nhà ở Đồng Tháp Mười

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TTCN - Từ Tân Thạnh (Long An) rẽ vào tỉnh lộ 837, chúng tôi đi cặp kênh Dương Văn Dương vào “ruột” Đồng Tháp Mười, vựa lúa lớn của ĐBSCL.

RcABVT3V.jpgPhóng to
Nông dân HTX Hậu Thạnh Đông chờ lúa tới bán tại chợ nông sản

Đi chừng 20km thì tới xã Hậu Thạnh Đông, vùng giáp ranh huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) và Cai Lậy (Tiền Giang).

Nơi đây mùa khô xe cộ các loại đều vào tới tận nơi, còn dưới kênh rạch thì ghe tàu đủ cỡ mặc sức đi lại. Thấy được vị trí thuận lợi “ba trong một” đó, các nhà đầu tư đã xây nên một chợ nông sản khá lớn trên diện tích 2,3ha. Điểm đặc biệt của chợ này không phải đơn thuần chỉ là mua bán lúa gạo, mà là những hoạt động tiếp cận với nông dân từ trước, trong và sau khi vào vụ lúa.

Chúng tôi đến chợ lúc mặt trời đã gần đứng bóng, nhưng ở một góc chợ, nơi có đặt sẵn một văn phòng xinh xắn với cái bàn dài để tiếp khách, trên có treo tấm bảng “điểm tư vấn kỹ thuật nông nghiệp”, một nhóm 7-8 nông dân vẫn còn say sưa chất vấn các kỹ sư nông nghiệp về những thắc mắc trên ruộng lúa của mình. Thời sự “nóng” bây giờ là ốc bươu vàng cắn phá quá trời.

Chợ trung tâm nông sản Hậu Thạnh Đông được xây dựng thí điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đặt tại vùng có sản lượng lúa hàng hóa lớn để cung ứng các dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh tiêu thụ lúa gạo với giá cả có lợi nhất cho nông dân. Chợ được thiết kế theo qui trình khép kín với hệ thống sân phơi, một tháp sấy tiên tiến với công suất sấy 100 tấn lúa/ngày, hệ thống đường nội bộ cho xe tải trọng 30 tấn, hệ thống xay xát công suất 5 tấn lúa/giờ, hai hệ thống máy đánh bóng công suất 300 tấn gạo/ngày, hệ thống bốc hàng, băng tải hiện đại thuận tiện cả đường thủy và bộ, sản lượng bốc dỡ 800 tấn/ngày. Đặc biệt, chợ có khu giao dịch mua bán rộng 1.000m2 với các gian hàng: tư vấn sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy nông ngư cơ... hỗ trợ đầy đủ nhu cầu của nông dân.Chợ có mối quan hệ với các đơn vị có chức năng liên quan theo mô hình “liên kết 4 nhà”: 1/ Nhà nước, bao gồm chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT hỗ trợ nông dân về mặt chủ trương, chính sách; 2/ Nhà khoa học, chủ yếu là Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác; 3/ Nhà doanh nghiệp, gồm có Công ty Lương thực Long An, Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ thực vật An Giang hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa hàng hóa, cung ứng dịch vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ tài chính, thông tin; 4/ Nhà nông, gồm nông dân và các tổ sản xuất, HTX, lo việc làm ra hạt lúa chất lượng cao.

Nguyễn Văn Dũng, nông dân ấp 3, bức xúc: “Mới qua một đêm mà nó nhai sạch gần phân nửa đám ruộng. Mấy ông chỉ tụi tui cách nào diệt nhanh nhất coi”. Kỹ sư Lê Minh Phương ở Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ thực vật An Giang ôn tồn: “Bà con có thể dùng các loại thuốc diệt ốc bươu vàng là nhanh nhất, nhưng nếu lạm dụng thì không tốt vì rất dễ gây ô nhiễm môi trường. Vả lại ốc chết nhiều bỏ xác dưới chân ruộng, sau này bà con lội ruộng bón phân làm cỏ dễ đạp miểng ốc đứt chân. Cách tốt nhất là huy động người bắt bằng tay, vừa sạch vừa hiệu quả kinh tế”. Nghe qua, bà con gật gù tỏ vẻ ưng ý.

Một bác nông dân khác lại la: “Trời ơi, tới nay đã nửa tháng mười hai rồi mà giống mới về không đủ sạ. Làm sao kiếm giống đây? Chẳng lẽ lại lấy lúa ăn làm giống?”. Lúc này, tiến sĩ Mai Thành Phụng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười, lên tiếng: “Giống không thiếu đâu bà con ơi. Vấn đề là ai thiếu bao nhiêu, cụ thể giống gì, bà con lên danh sách đăng ký, trung tâm sẽ cung cấp. Ngoài ra, các trại giống tư nhân ở địa phương cũng có nhân giống, bà con cứ đến đó tìm mua”. Rồi ông cũng căn dặn bà con cách chọn lựa, ngâm ủ giống, cách sạ lúa theo hàng để giảm lượng giống, tiết kiệm chi phí.

Đặc biệt, TS Phụng nhấn mạnh đến thói quen cũ của bà con là hay tìm mua giống ở các nhà máy xay xát tư nhân. Giống đó thường là lúa tạp, không đạt độ đồng nhất, rất khó đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bán khó được giá. Rồi ông giới thiệu một số giống tốt chất lượng cao như: VND 9520, Jasmine 85... Nghe xong, chú Ba Sô, nông dân ấp 1, gật gù: “Năm ngoái tui mua lúa “máy chà” (ở nhà máy xay xát) về sạ, lúc đem bán ai cũng chê. Nay ông Phụng nói mới biết”.

Bà con tranh nhau tới hỏi thăm, tìm hiểu về “đủ thứ chuyện trên đời” quanh sản xuất cây lúa. Kỹ sư Phương cho biết điểm tư vấn này là một bộ phận của chợ nông sản, có nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân, miễn phí hoàn toàn. Thậm chí, nếu cần bà con có thể “điều” kỹ sư tới tận ruộng giải đáp thắc mắc. Còn nếu muốn nhanh nhất thì cứ gọi điện thoại để được giải đáp trực tiếp (số máy 072.846846).

Cách đó chừng vài bước chân, tại trụ sở HTX nông nghiệp xã Hậu Thạnh Đông, một nhóm nông dân khác đang xúm xít vác phân xuống ghe. Có người tới hỏi mua cái máy sạ hàng của cơ sở Hoàng Thắng, có chú thì tìm chai thuốc diệt cỏ. Đó là nơi cung cấp vật tư nông nghiệp cho bà con trong vùng. Anh Trương Văn Vinh, chủ nhiệm HTX, lăng xăng không kịp thở vì bà con quá đông. Bà con lại gấp vụ mùa nên ai cũng hối hả, cho nên anh đã mệt càng thêm... đừ.

Anh Vinh báo tin: “HTX vừa ký kết hợp đồng với Công ty Lương thực Long An bao tiêu 1.000 tấn lúa với giá sàn 1.800 - 2.000đ/kg. Tới mùa nếu giá lên thì bán lên, giá xuống thì bán bằng giá sàn. Coi như nông dân không sợ lỗ. Tuy nhiên, công ty cũng yêu cầu bà con mình cố gắng làm giống lúa chất lượng cao, cùng một thứ cho đạt độ thuần, bán mới cao giá”. Tôi hỏi thăm chú Bảy Mến ở ấp 1 về những khó khăn, thuận lợi khi làm ăn trong HTX, chú cười giọng sang sảng: “Khó khăn thì ít mà thuận lợi thì nhiều.

Ví dụ như trước đây mạnh ai nấy làm, lúc bơm nước mạnh ai nấy bơm, sạ lúa mạnh ai nấy sạ, đắp bờ nhà ai nấy đắp, tính ra chi phí rất tốn kém. Bây giờ làm với HTX, chỉ bơm một cái là cả trăm hộ có nước, sạ một cái là cả ngàn hecta, diệt sâu rầy một cái là dứt bệnh hàng loạt trên cả cánh đồng. Chứ hổng còn cảnh sâu bị đánh ruộng này chạy qua ruộng kia. Chi phí giảm bớt gần phân nửa. Mà bây giờ đi bán lúa cũng sướng. Cứ cân tại ruộng cho HTX, mình chỉ việc ngồi nhà chờ... lấy tiền. Khỏi lo sợ bị ép giá, chê lên chê xuống”.

FJx4k5hc.jpgPhóng to
Nông dân đang chất vấn các nhà khoa học về kỹ thuật nông nghiệp tại điểm tư vấn kỹ thuật
Anh Vinh cho biết từ năm 2001 đến nay, cái mà bà con khoái nhất khi vô HTX là được phổ biến kỹ thuật sạ lúa theo hàng, giảm lượng giống tới phân nửa, từ 20kg/công xuống còn 10kg/công. Kế đó là giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu. Tính ra giảm được 300.000 - 400.000 đồng/ha. Lại thêm năng suất lúa tăng từ 7 tấn lên 7,5 – 8 tấn/ha. Lợi nhuận tăng 2-3 triệu đồng/ha/năm.

Anh Vinh đúc kết: “Thật ra công sức của các nhà khoa học và nhà đầu tư bỏ vô đây rất lớn. Từ khi lũ chưa rút, quân của ông Phụng và ông Thòn (giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bảo, vệ thực vật An Giang) đã xuống tận đây tổ chức hội thảo kỹ thuật giúp dân chuẩn bị xuống giống. Rồi họ đưa lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ sạ hàng về để sẵn. Nông dân muốn mua chịu tới mùa trả tiền cũng được, khỏi tính lãi. Vô mùa, họ cử cán bộ “nằm vùng” 24/24 tại đây luôn. Nông dân cần gì cứ réo”.

Nằm đối diện HTX là khu chợ nông sản to đùng với hệ thống sân phơi bát ngát (rộng 5.000m2) nằm cạnh hai si lô có sức chứa 120.000 tấn lúa. Ở mép kênh Dương Văn Dương, người ta đã bố trí sẵn một băng chuyền tải lúa từ ghe lên. Trên bờ cũng có sẵn hai cái cân dùng cân lúa. Anh Lê Văn Quân, phó giám đốc chợ nông sản, cho biết sân phơi đó dành cho bà con phơi lúa khi có nhu cầu. Mỗi ngày có thể phơi được 220 tấn.

Nếu không có người phơi, bà con có thể gửi thẳng vô kho chứa sấy khô. Còn hệ thống băng tải bố trí từ kênh lên có thể dùng cho cả đường thủy lẫn đường bộ, để thuận lợi cho nông dân tới bán lúa. Bà con chỉ việc vô bao sẵn, loại 30kg hoặc 50kg thảy lên là cân liền, khỏi chen chúc chờ đợi. Khi cân có hai loại cân: cân Nhơn Hòa và cân bàn, bà con thích loại nào cân loại nấy, khỏi lo bị cân thiếu. Cân lúa xong lấy tiền liền. Hồi năm ngoái có nông dân bán lúa tới cả trăm triệu đồng, sợ về nhà không an toàn còn gửi tạm lại chợ lấy từ từ ra xài. Thời buổi bây giờ không lo chuyện thiếu tiền.

“Không những vậy, chợ nông sản còn đem ghe tới tận ruộng mua lúa nếu bà con có yêu cầu - anh Quân cho biết thêm - Chúng tôi mua đúng giá, thuận mua vừa bán. Còn nếu số lượng chừng 10 tấn, bà con có phương tiện chở ra chợ thì tụi tui trả thêm chi phí chuyên chở. Nông dân bây giờ “chảnh” lắm, phải tích cực o bế họ mới bán lúa cho mình”. Nông dân Bảy Mến nói: “Có liên kết “bốn nhà” như thế này nông dân được rất nhiều thứ, từ khoa học kỹ thuật cho tới cách làm ăn lớn thời buổi công nghiệp. Phải chi mấy ổng làm liên kết sớm thì nông dân bây giờ giàu to rồi”.

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên