05/01/2011 06:07 GMT+7

Chính trị viên trẻ nhất nhà giàn DK1

Trung úy Lê Ngọc Chung
Trung úy Lê Ngọc Chung

TT - “Trung úy Lê Ngọc Chung sinh năm 1985, quê Hà Tĩnh, chính trị viên trẻ nhất trong 15 nhà giàn DK1, đảng viên xuất sắc năm 2010, biết làm thơ và viết nhạc”.

YNnTEWZc.jpgPhóng to

Trung úy Lê Ngọc Chung - Ảnh nhân vật cung cấp

Những thông tin giới thiệu khá đặc biệt ấy của đại úy Hoàng Quốc Việt, chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/20, khiến chúng tôi tò mò và muốn gặp ngay người chính trị viên của nhà giàn mình lên thăm. Đó là một chàng trai có đôi mắt sáng rất mạnh mẽ, điềm đạm, khiêm nhường và vui tính.

Nơi đầu sóng ngọn gió

"Tôi rất quan tâm đến sự kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần XI sắp tới. Là một đảng viên đang công tác tại nhà giàn, tôi mong chờ Đảng tiếp tục đề ra những chính sách, chủ trương cụ thể hơn về chiến lược xây dựng, bảo vệ và phát triển vùng biển đảo của Tổ quốc.

Vì những đường lối ấy không chỉ liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ của chúng tôi mà còn liên quan đến vấn đề toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc"

Lê Ngọc Chung trở thành chính trị viên nhà giàn DK1/20 - nhà giàn đầu tiên anh ra công tác - khi mới 24 tuổi. “Đó là vị trí lãnh đạo quan trọng ở một nhà giàn mà với một cán bộ trẻ mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, vốn sống như Chung sẽ là thử thách lớn. Nhất là khi làm việc với những người lớn tuổi hơn hoặc thậm chí bằng tuổi cha, chú mình” - chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/20 nhìn nhận.

Anh Chung phải tự viết giáo án chính trị và đảm bảo bốn tiêu chí: quán (quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng), giáo (giáo dục về mục tiêu, lý tưởng, nhiệm vụ của đơn vị), xây (xây dựng nhân cách, phẩm chất, bản lĩnh chính trị), chống (chống tư tưởng lệch lạc, sai trái). V

ới vị trí của anh, việc xây dựng và củng cố bản lĩnh chính trị cho từng cán bộ, chiến sĩ là điều quan trọng nhất và cũng là thử thách rất lớn. Lập trường, bản lĩnh, mục tiêu và lý tưởng chính trị của tổ chức và con người đều liên quan đến vai trò của người chính trị viên.

“Người chính trị viên phải có sự thấu hiểu để cảm thông và động viên, khuyến khích anh em chiến sĩ mới làm được công tác này. Chung còn giữ vai trò bí thư của trạm nên áp lực càng lớn. Nhưng cậu ấy đã vượt qua những thử thách đó bằng năng lực, sự hiểu biết và chân thành với anh em” - đại úy Hoàng Quốc Việt khẳng định.

Nói về người chính trị viên, về người đồng chí nhỏ tuổi nhất trạm của mình, các chiến sĩ nhà giàn DK1/20 đều bày tỏ sự yêu mến và ngưỡng mộ. Họ thích cách làm việc của Chung: không áp đặt, không rập khuôn, thân thiện, gần gũi nhưng vẫn đúng theo điều lệnh của quân đội và rất thuyết phục.

Anh hay để ý động viên những đồng chí có hoàn cảnh gia đình khó khăn, những người mới ra nhà giàn hoặc vừa xa người yêu… Điều đó làm anh em thêm quý mến và cảm phục anh.

Khi nhắc đến chính trị viên Lê Ngọc Chung, thượng úy Lê Xuân Hùng (đang công tác tại nhà giàn DK1/2) dùng những từ ưu ái nhất: “cán bộ chính trị trẻ có trình độ, năng lực”, “rất gần gũi, thân thiết với anh em trên trạm”, “hay hát”, “rất yêu đời”, “năng động”...

Anh Hùng khẳng định: “Cách sống, cách nghĩ đó của Chung đã động viên, cổ vũ tinh thần rất lớn cho chúng tôi”.

Nhiều chiến sĩ nhà giàn DK1 còn biết đến Chung bởi anh là tác giả bài thơ Thư gửi em đã được nhạc sĩ Hồng Sơn phổ nhạc. Anh cũng tự viết lời và nhạc cho bài hát Lính DK1 được các chiến sĩ nhà giàn rất yêu thích.

Tuổi trẻ là phải cống hiến

Năm năm trước, Chung chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam khi đang học tại Học viện Chính trị quân sự. “Đó là sự công nhận của tổ chức đối với sự trưởng thành của tôi. Sau niềm vui là sự ý thức về trách nhiệm bản thân. Tôi phải nỗ lực thật nhiều để xứng đáng hơn với niềm tin của Đảng” - Chung nói.

Hai năm sau, Chung tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước. Thật ra đó không phải là lựa chọn đầu tiên của Chung khi tốt nghiệp THPT. Lúc đầu anh đăng ký hồ sơ thi vào Học viện Báo chí tuyên truyền. Nhưng truyền thống của gia đình (bố tham gia kháng chiến chống Mỹ, mẹ là thanh niên xung phong, anh trai cả làm việc tại khung quản lý DK1) đã khiến chàng trai suy nghĩ…

Và anh quyết định đi theo con đường mà bố mẹ và anh trai đã chọn. Chung lý giải một cách giản dị: “Sự nghiệp bảo vệ đất nước không chỉ trong thời chiến mà còn là trong thời bình, không chỉ của thế hệ trước mà còn là của mình”.

Công tác ở phòng kỹ thuật của lữ đoàn 171 hải quân được chín tháng, anh xin chuyển về DK1 để đi nhà giàn (đầu năm 2009). Trước khi ra nhà giàn, Chung đã được các anh, các chú và thủ trưởng nói về những khó khăn, thiếu thốn ở nơi đặc biệt ấy.

Nhưng chỉ khi nhìn thấy nhà giàn trước mặt giữa mênh mông biển nước, trời xanh, anh mới cảm nhận được cái nhỏ bé, lẻ loi của con người trước biển cả. Và chỉ khi đặt chân lên nhà giàn sống những ngày đầu tiên, người chính trị viên trẻ mới cảm nhận rõ cái khắc nghiệt của thiên nhiên, cái khó khăn, thiếu thốn của nhà giàn.

Anh kể: “Có người gắn bó cả đời với nhà giàn. Ai cũng chịu được vất vả, gian khó. Tại sao mình là một người trẻ tuổi, giữ chức vụ cán bộ chủ trì của đơn vị lại dễ chùn chân, nản lòng như thế? Tôi tuổi đời trẻ, tuổi quân ít, hoàn cảnh công tác đặc biệt, nhiệm vụ và địa điểm đóng quân ở địa bàn cũng rất đặc biệt”.

Chính những suy nghĩ đó đã khiến anh vững vàng hơn và dần vượt qua những khó khăn, thử thách bằng ý chí, bản lĩnh của một người trẻ.

Khi thấy con trai xuất hiện trên chương trình truyền hình vào ngày 17-5-2010, bố của Chung gọi điện thoại và khóc. Ông bảo: “Bố không nghĩ con lại vất vả như thế”. Chung chỉ nói một câu rất bình dị: “Con là con trai của bố mà!”.

Trung úy Lê Ngọc Chung
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên