Một nhà máy trong nước đang sản xuất mía đường - Ảnh: TTO
Đó là nội dung cụ thể mà Bộ Công thương đưa ra trong ban hành quyết định số 1514 khi áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.
Theo quyết định này, đường nhập khẩu từ tất cả các công ty sản xuất, xuất khẩu của Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, với mức thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.
Như vậy, tổng mức thuế là 47,64%; có thời gian áp dụng là từ ngày có quyết định đến hết ngày 15-6-2026 (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo quyết định khác của Bộ Công thương).
Mức thuế áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thuộc các mã HS 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.91.00; 1701.99.90 và 1702.90.91.
Trong đó, mã 1701 là đường mía hoặc đường củ cải, đường sucroza tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn. Mã 1702 là đường khác, kể cả đường lactozo, mantoza, glucoza, tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn; sirô đường chua pha thêm hương liệu hoặc chất màu, mật ong nhân tạo đã hoặc chưa pha trộn với mật ong tự nhiên, đường caramen.
Cũng theo Bộ Công thương, kết luận điều tra cuối cùng của cơ quan điều tra xác định rằng việc sử dụng nguyên liệu đường có xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa bị cáo buộc sang Việt Nam của các doanh nghiệp từ 5 nước ASEAN là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp. Dẫn đến tồn tại thiệt hại của ngành sản xuất trong nước do tác động của hàng hóa nhập khẩu gia tăng nhanh và mạnh.
Đồng thời, các chỉ số kinh tế cũng cho thấy hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm mía đường có xuất xứ từ Thái Lan hiện đang bị suy giảm do tác động của đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nói trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận