02/04/2018 15:03 GMT+7

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4-2018

Nguồn: Tin Tức/ Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Tin Tức/ Thông tấn xã Việt Nam

Hàng loạt chính sách mới như: Trường hợp người lao động được khởi kiện tại Tòa án; Chung cư, khách sạn phải mua bảo hiểm cháy, nổ… chính thức có hiệu lực từ tháng 4-2018.

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4-2018 - Ảnh 1.

Những chính sách có hiệu lực thi hành từ tháng 4/2018

Chung cư, khách sạn phải mua bảo hiểm cháy, nổ

Ngày 23-2-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Theo đó, Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15-4-2018.

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4-2018 - Ảnh 2.

Nghị định này nêu rõ: Yêu cầu cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên… phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; Các loại hàng hóa, vật tư.

Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải bồi thường trong các trường hợp như: Động đất hoặc những biến động khác của thiên nhiên; Thiệt hại do biến cố về chính trị, an ninh và trật tự xã hội gây ra; Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính…

Phải báo cáo công tác bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất ngành xây dựng

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4-2018 - Ảnh 3.

Kể từ ngày 1-4-2018, Thông tư 02/2018/TT-BXD về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng sẽ có hiệu lực thi hành.

Thông tư này chỉ rõ, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất sản phẩm cơ khí xây dựng có trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường. Phải lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này định kỳ 1 lần/năm và gửi về Sở Xây dựng trước ngày 31-12 hàng năm.

Cập nhật và lưu trữ các thông tin, dữ liệu của báo cáo công tác bảo vệ môi trường tại địa chỉ trang thông tin điện tử: http://dulieumoitruong.xaydung.gov.vn.

Những trường hợp người lao động được khởi kiện tại Tòa án

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4-2018 - Ảnh 4.

Theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP ngày 27-2-2018 của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp… người lao động có quyền khởi kiện vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc thủ tục tố tụng hành chính.

Người lao động có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự trong 3 trường hợp sau: Có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; Đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết.

Ngoài ra, người lao động còn có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính trong 2 trường hợp: Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc Đã hết thời hạn mà khiếu nại lần hai không được giải quyết.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-4-2018.

Ngân hàng giải ngân vốn vay bằng tiền mặt

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4-2018 - Ảnh 5.

Ngày 29-12-2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 21/2017/TT-NHNN quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Tổ chức tín dụng cho vay được quyết định phương thức giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong 2 trường hợp, gồm: Khách hàng thanh toán cho bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán; Khách hàng là bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh được tổ chức tín dụng cho vay…

Cũng theo Thông tư, tổ chức tín dụng được xem xét quyết định giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán đối với: Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán với số tiền vay có giá trị không quá 100 triệu đồng; Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng là tổ chức sử dụng vốn Nhà nước được thanh toán bằng tiền mặt.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2-4-2018.

Tổ chức tài chính vi mô phải có phương án kinh doanh khả thi trong 3 năm đầu

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4-2018 - Ảnh 6.

Đây là yêu cầu tại Thông tư 03/2018/TT-NHNN ngày 23-2-2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô gồm: Có đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 03 năm đầu hoạt động; Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định; Có người quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát đủ tiêu chuẩn, điều kiện; Có điều lệ phù hợp.

Ngoài ra, tổ chức tài chính vi mô là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải đảm bảo có ít nhất một thành viên sáng lập là tổ chức đã hoặc đang trực tiếp tham gia quản lý hoặc điều hành chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, bền vững trong ít nhất 03 năm liên tiếp trước thời điểm nộp đơn đề nghị cấp Giấy phép.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15-4-2018.

Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4-2018 - Ảnh 7.

Ngày 1-4-2018, Thông tư 31/2017/TT-BGTVT chính thức có hiệu lực, quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phụ tùng của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với những quy chuẩn: Quy chuẩn số QCVN 32:2017/BGTVT về kính an toàn của xe ô tô; Quy chuẩn số QCVN 34:2017/BGTVT về lốp hơi của xe ô tô Và Quy chuẩn số QCVN 35:2017/BGTVT về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Bên cạnh đó, Thông tư 31 này cũng bãi bỏ khoản 1, 3 Điều 1 Thông tư 57/2011/TT-BGTVT và khoản 1 Điều 1 Thông tư 39/2010/TT-BGTVT.

Công ty chứng khoán phải thuyết minh báo cáo tài chính

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4-2018 - Ảnh 8.

Ngày 12/03/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 23/2018/TT-BTC hướng dẫn kế toán chứng quyền có bảo đảm đối với công ty chứng khoán là tổ chức phát hành.

Thông tư này yêu cầu công ty chứng khoán phải thuyết minh về các nội dung: Lãi, lỗ đánh giá lại chứng quyền của tổ chức phát hành; Lãi, lỗ đánh giá lại tài sản cơ sở từ hoạt động phòng ngừa rủi ro của tổ chức phát hành; Tổng số tiền gửi ký quỹ đảm bảo thanh toán tại ngân hàng lưu ký của tổ chức phát hành; Tổng số tiền nộp bổ sung cho mục đích phòng ngừa rủi ro do chênh lệch giữa vị thế phòng ngừa rủi ro lý thuyết và vị thế phòng ngừa rủi ro thực tế; Tổng số chứng khoán dùng cho hoạt động phòng ngừa rủi ro; Tổng số chứng quyền được phép phát hành; Tổng số chứng quyền đang phát hành.

Một số tài khoản hạch toán nghiệp vụ kế toán liên quan đến chứng quyền bao gồm: Tài khoản 329 - Phải trả chứng quyền; Tài khoản 018 - Chứng quyền…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 27-4-2018.

Tin tức thời sự không được bảo hộ quyền tác giả

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4-2018 - Ảnh 9.

Ngày 23-2-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả và quyền liên quan, có hiệu lực từ ngày 10-4-2018.

Theo đó, đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả bao gồm: Tin tức thời sự thuần túy và các văn bản hành chính. Trong đó, tin tức thời sự là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo; Văn bản hành chính bao gồm các văn bản của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội… và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

Nghị định này chỉ rõ, trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình phải đáp ứng 2 điều kiện: Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình; Phần trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.

Sử dụng bản ghi âm, ghi hình với mục đích thương mại phải trả tiền

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4-2018 - Ảnh 10.

Nghị định 22/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ 10-4 quy định chi tiết Luật sở hữu trí tuệ (sửa đổi) nêu rõ: Tổ chức, cá nhân nào sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo mục đích thương mại đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tự thỏa thuận về việc thu tiền nhuận bút và tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút theo quy định.

Trong trường hợp tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều tổ chức đại diện tập thể được ủy quyền đại diện cho một quyền, nhóm quyền cụ thể, các tổ chức có thể thỏa thuận để một tổ chức thay mặt đàm phán cấp phép sử dụng, thu và phân chia tiền theo Điều lệ và văn bản ủy quyền.

Nguồn: Tin Tức/ Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên