Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Công Thương về việc góp ý sửa đổi, bổ sung nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Kiến nghị khẩn cấp của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
Về vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu kỹ các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định trong tháng 2-2023 theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mục tiêu là đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả.
Đáng chú ý, phó thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu việc sửa đổi nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu. Giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu, tháo gỡ được vướng mắc và những phát sinh thời gian qua. Việc gửi báo cáo này được Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương “không được để chậm trễ”.
Trước đó, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với gần 9.000 cửa hàng - đại diện cho trên 50% số cửa hàng bán lẻ - đã có văn bản kiến nghị khẩn cấp tới các cơ quan Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Theo đó, doanh nghiệp cho rằng dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, thua lỗ, nhưng doanh nghiệp vẫn phải duy trì kinh doanh.
Nguyên nhân được các doanh nghiệp cho rằng do chỉ được lấy hàng một nơi nên khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận.
“Nhà phân phối biết rằng nếu doanh nghiệp bán lẻ không lấy hàng của họ thì cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác, dẫn tới bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu” - doanh nghiệp nêu.
Bán lẻ đang bị chèn ép?
Vì vậy, doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị cần có một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự “phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”. Việc này cũng để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng, thị trường ổn định, không còn xảy ra tình trạng các cửa xăng dầu ngừng kinh doanh.
Đồng thời, các doanh nghiệp bán lẻ cũng kiến nghị được mua xăng dầu từ ba đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu. Việc này để tránh tình trạng hiện nay là doanh nghiệp bán lẻ bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, quan hệ giao dịch và luôn ở vào thế bất lợi. Chưa kể, các chi phí phát sinh, doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm rủi ro pháp lý, không thể bảo toàn nguồn vốn, lợi nhuận để bán hàng.
Hai bộ phải giải trình trước Quốc hội về thị trường và điều hành xăng dầu
Trước những diễn biến nóng của thị trường xăng dầu thời gian qua, ngày 28-2 tới đây Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý về xăng dầu.
Tại phiên họp này, hai bộ quản lý chính về hoạt động kinh doanh xăng dầu là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ thực hiện việc giải trình về các vấn đề liên quan đến việc quản lý nhà nước về xăng dầu và tình hình thị trường xăng dầu trong thời gian qua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho hay đã nhận được giấy mời của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để trực tiếp tham dự phiên họp này. Cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ sự tin tưởng cơ quan Quốc hội lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn.
Một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho hay đã chuẩn bị các nội dung để chất vấn trong phiên chất vấn này. Trong đó tập trung vào câu chuyện mức chiết khấu 0 đồng do cơ chế điều hành, chưa quy định chi phí ở ba khâu khiến doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ và đặt ra câu hỏi cho Bộ Công Thương về giải pháp để giải quyết bất công này? Tại sao phải “ép” doanh nghiệp bán lỗ, không bán thì doanh nghiệp bị phạt và rút phép, ứng xử như vậy có phải là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” hay không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận