22/10/2019 07:50 GMT+7

Chính phủ sẽ sớm đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm

N.HIỂN - T.LONG - N.AN
N.HIỂN - T.LONG - N.AN

TTO - Nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.

Chính phủ sẽ sớm đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm - Ảnh 1.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) thi công nhiều năm chưa xong - Ảnh: QUAN G ĐỊNH

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Phát triển hạ tầng số trên nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV hôm qua (21-10).

Trong đó, tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.

Chính phủ sẽ sớm đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm - Ảnh 3.

Các lãnh đạo trao đổi tại phiên khai mạc sáng 21-10 - Ảnh: TTXVN

Tăng trưởng tốt nhưng còn nhiều hạn chế

Đáng chú ý, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện với việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, giúp mỗi năm có khoảng 134.000 doanh nghiệp thành lập mới.

Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, kết cấu hạ tầng, đô thị phát triển, gắn liên kết vùng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Có được kết quả trên là do công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính được đẩy mạnh; phòng chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm; trong đó có một số công trình hạ tầng trọng điểm theo nghị quyết của Quốc hội.
Việc cơ cấu lại nền kinh tế dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém còn gặp nhiều khó khăn. Quản lý quy hoạch, đô thị còn bất cập...

Nguyên nhân được Thủ tướng chỉ ra là một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu tinh thần quyết tâm, chưa đổi mới, dám nghĩ, dám làm, trong khi một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà.

Chính phủ sẽ sớm đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm - Ảnh 4.

Tạo điều kiện cho tư nhân tham gia phát triển giao thông

Về phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Chính phủ sẽ sớm đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, sân bay quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...

Năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan; thông xe một số gói thầu của 3 dự án đầu tư thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, lựa chọn được nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần còn lại.

"Chính phủ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, trong đó tạo điều kiện để các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển theo hình thức hợp tác công - tư" - lãnh đạo Chính phủ nói.

Tại kỳ họp lần này, Chính phủ đã có báo cáo riêng gửi Quốc hội về nghiên cứu khả thi dự án xây dựng sân bay Long Thành, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 4,8 tỉ USD (khoảng 111.689 tỉ đồng). Báo cáo về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 cũng được Chính phủ gửi tới Quốc hội.

Chính phủ sẽ sớm đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm - Ảnh 5.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được xây dựng song song xa lộ Hà Nội đoạn qua quận 2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Làm rõ tình trạng ô nhiễm, bụi mịn, nước bẩn

Trình bày báo cáo về kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chỉ ra các lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt gây thiệt hại và để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng chậm trễ công bố thông tin.
Các cơ quan cũng chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục hậu quả của sự cố đối với hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe người dân. Việc xử lý các sai phạm của tổ chức, người có thẩm quyền liên quan, doanh nghiệp còn chậm, gây bức xúc cho dân.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu rõ 9 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra gần 3.000 vụ cháy nổ, làm 76 người chết và 124 người bị thương. Thiệt hại tài sản ước tính 1.057 tỉ đồng. Trong đó hai vụ lớn điển hình là vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông và vụ việc nguồn nước do Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Sông Đà cấp cho toàn bộ khu vực tây nam Hà Nội bị ô nhiễm.

"Nhiều ý kiến đề nghị phân tích rõ thực trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn tới mức ảnh hưởng sức khỏe người dân tại TP Hà Nội và TP.HCM. Có ý kiến đề nghị kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, đặc biệt là của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, vào các nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân tại một số địa phương" - ông Thanh cho biết.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Trần Thanh Mẫn cũng cho biết người dân rất quan tâm đến tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục, mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM gây nguy hại đến sức khỏe... 

"Cử tri kiến nghị việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy nổ còn lúng túng. Nhiều cử tri cũng đề nghị phải thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh" - ông Mẫn nhấn mạnh.

Có lãnh đạo địa phương chưa nêu gương, gây bức xúc

Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề mặc dù tăng trưởng đạt mức cao so với năm trước, nhưng cần phân tích rõ hơn động lực và chất lượng tăng trưởng.

"Cần làm rõ thực trạng và tác động của khoa học công nghệ, liên kết vùng, tổng thu nhập quốc gia (GNI) để đánh giá đầy đủ sự tự chủ về kinh tế. Năng lực thực chất của doanh nghiệp, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp không hoạt động tăng lên, việc cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước. Việc rà soát, loại bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý hiện nay còn chậm, rườm rà và phức tạp" - ông Thanh nêu vấn đề.

Đặc biệt, hoạt động thu ngân sách dù đạt mức cao vượt dự toán nhưng các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt tỉ lệ thấp, dự kiến 10 địa phương thu nội địa không đạt, cho thấy thu ngân sách thiếu bền vững, trong khi tình trạng nợ đọng thuế còn lớn. Tỉ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách đã được cải thiện nhưng vẫn còn cao (khoảng 63%), song việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn hạn chế, có nơi lãnh đạo địa phương chưa nêu gương, gây bức xúc.

* Ông Nguyễn Ánh Dương (trưởng Ban kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Cần quản lý tốt hơn dòng vốn FDI

nguyen anh duong 22-10 2(read-only)

Chúng ta đã đánh giá thấu đáo hơn khi dòng vốn FDI vào nhiều là nhờ sự chuyển dịch dòng vốn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, từ việc Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định FTA. Đặc biệt là xu hướng gia tăng tương đối nhanh của dòng vốn góp và mua cổ phần trong thời gian gần đây, có thể đặt ra nguy cơ, rủi ro khi những dòng vốn đó chỉ mang tính tạm thời, thậm chí là trú ẩn trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới gặp bất ổn do chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Có thể thấy nguồn lực cho đầu tư công là có nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên chưa được giải ngân như mong đợi. Lẽ ra nguồn vốn này nên được sử dụng hiệu quả như tư nhân. Do đó, cần thực hiện tốt hơn quản lý dòng vốn FDI, tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công là những vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

* Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam):

Chống tham nhũng tạo niềm tin

vu tien loc 22-10 2(read-only)

Chúng ta là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất Asean và là một trong những quốc gia cao nhất châu Á cũng như thế giới thời gian qua. Chúng ta đã có những nỗ lực rất quyết liệt trong cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Công cuộc phòng chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh, tạo niềm tin trong nhân dân.

Do đó, sự kết hợp giữa xây và chống trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đã được thể hiện rất rõ trong giai đoạn này, điều này mang lại thành quả tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn.

* Ông Phạm Văn Hòa (phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp):

Tháo gỡ nút thắt cổ phần hóa DNNN

pham van hoa 22-10 2(read-only)

Với những thành tựu về kinh tế - xã hội đã tăng trưởng vượt bậc, đây là kết quả để tôi đánh giá cao sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thành tích lớn, song những hạn chế, thiếu sót và những vấn đề còn tồn tại vẫn dai dẳng nhiều năm nay mà chúng ta chưa khắc phục thì cần phải cải thiện. Đơn cử việc cổ phần hóa các doanh nghiệp còn quá chậm, những bức xúc trong lĩnh vực môi trường, sức khỏe người dân, bảo hiểm xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, khiếu kiện đất đai, giải phóng mặt bằng…

Lãnh đạo TP.HCM Lãnh đạo TP.HCM 'gút' tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề ra mốc thời gian cụ thể cho từng dự án giao thông trọng điểm, yêu cầu các sở ngành gấp rút thực hiện.

N.HIỂN - T.LONG - N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên