Người lao động bị mất việc, giãn việc do ảnh hưởng dịch được Chính phủ hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng - Ảnh: N.Q.P
3,5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc
Mức hỗ trợ từ 500.000 - 1.800.000 đồng/người/tháng, tổng kinh phí hỗ trợ 62 ngàn tỉ đồng, nguồn kinh phí này được hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Những số liệu này được Chính phủ đưa ra trong báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo của Chính phủ ghi nhận khoảng 19% DN đã tạm dừng hoạt động sản xuất, thu hẹp quy mô.
Bên cạnh đó, 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc, 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc và 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc.
Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm. Trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.
Doanh nghiệp khó khăn được vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chi trả lương lao động - Ảnh: N.Q.P.
Ngân sách hỗ trợ trực tiếp 36 ngàn tỉ đồng
Theo báo cáo của Chính phủ, gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ đồng được thực hiện qua hình thức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ gián tiếp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội.
Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36 ngàn tỉ đồng, gồm khoản hỗ trợ từ ngân sách trung ương khoảng 22 - 23 ngàn tỉ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của năm 2019 và các nguồn hợp pháp khác.
Ngân sách địa phương hỗ trợ khoảng 13 - 14 ngàn tỉ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách địa phương năm 2019, nguồn quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách địa phương năm 2020 và nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn hợp pháp khác.
Theo đó, các tỉnh, thành phố có tỉ lệ nộp ngân sách trung ương trên 50% nguồn thu sẽ tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ các địa phương còn lại.
Giải pháp hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc.
Hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động khoảng 3 ngàn tỉ đồng, cho vay chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 16 ngàn tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận