Hàng chục nghìn dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đang được bộ, ngành, địa phương áp dụng - Ảnh: VIỆT DŨNG
Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương, chiều 28-12.
Hướng tới Chính phủ số
Báo cáo tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử năm 2018, bộ trưởng nhấn mạnh trong năm qua Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ và bộ, ngành, địa phương xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0.
Việc xây dựng nền tảng Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 sẽ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai của các bộ, ngành, địa phương và tiếp cận kịp thời với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cũng theo người phát ngôn Chính phủ, việc xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết với cải cách hành chính, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Muốn xây dựng Chính phủ điện tử phải "nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn", bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng trong năm 2018, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành tạo hành lang pháp lý cho việc thiết lập, ứng dụng CNTT trong phục vụ người dân, doanh nghiệp và trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, để đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng dự thảo Đề án giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT của các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới.
Đồng thời, triển khai và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia nền tảng ưu tiên cho phát triển Chính phủ điện tử như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính, bảo hiểm... Riêng cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã được đưa vào vận hành từ năm 2010, lưu trữ dữ liệu của hơn 1 triệu doanh nghiệp, nhưng cơ chế chia sẻ, sử dụng dữ liệu còn hạn chế.
Hàng chục nghìn dịch vụ công trực tuyến
Thống kê của Bộ Thông tin - truyền thông cho thấy đến quý 4 năm 2018, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các bộ, ngành đã cung cấp là 1.721 dịch vụ. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp khoảng 45.247 dịch vụ.
Tuy nhiên, số lượng dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến vẫn còn thấp, đặc biệt ở địa phương đạt 12,84%, tại bộ, ngành là 49,85% .
Văn phòng Chính phủ đã xây dựng và đưa vào hoạt động hai hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân. Đây là kênh thông tin tương tác giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp do bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thực hiện.
Kết quả, trong năm 2017 và 2018, hai hệ thống đã tiếp nhận 14.906 phản ánh, kiến nghị cửa người dân, doanh nghiệp, trong đó có 2.464 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý được chuyển đến các bộ, ngành, địa phương và đã trả lời, đăng tải công khai 2.024 phản ánh, kiến nghị, đạt tỉ lệ 82,14%).
Tính đến cuối tháng 12 năm nay, đã có 71/95 cơ quan phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai thử nghiệm kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản với Trục liên thông văn bản quốc gia, thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận