09/09/2010 04:15 GMT+7

Chile - lời nguyện nào mở cửa hầm sâu?

N.T.ĐA
N.T.ĐA

TT - Khi loạt bài này khởi đăng, đã có nhiều ý kiến bạn đọc gửi lời thăm hỏi và đề xuất việc cứu hộ ở Chile. Câu chuyện về một thảm họa của con người đã gây sự chú ý của bất cứ ai trên trái đất này. Trong khi đó, 33 nạn nhân và đất nước Chile đã qua 34 ngày chờ đợi...

YZyi0iWr.jpgPhóng to
Sơ đồ đường hầm dẫn đến nơi 33 thợ mỏ bị mắc kẹt ở độ sâu 700m đã bị bịt kín ở ba điểm - Sơ đồ: lefigaro.fr

Ba phương án

Ngày 22-8, người dân Chile niềm vui vỡ òa khi biết tin 33 thợ mỏ vẫn còn sống sau 17 ngày bị chôn vùi dưới độ sâu gần 700m ở mỏ khai thác đồng và vàng San José.

Lúc tín hiệu sự sống đưa về mặt đất cũng là lúc Chính phủ Chile triệu tập những cuộc họp khẩn cấp để bàn phương án giải cứu. Bộ trưởng Bộ Mỏ khoáng sản Chile Laurence Golborne cho biết đã có 10 phương án được đưa ra từ sau ngày 22-8, có ba phương án được chọn. Hiện tại hai trong ba phương án (A và B) đã lần lượt được thực hiện từ ngày 31-8 và 5-9. Trong cùng ngày, Tổng thống Chile Sebastian Pinera tiếp tục tuyên bố phương án thứ ba (C). “Ba phương án này sẽ được thực hiện chênh nhau về thời gian do tiến độ lắp đặt máy móc không giống nhau sẽ chạm đến nơi 33 công nhân đang bị mắc kẹt trong cùng thời gian theo ba đường dẫn khác nhau” - Bộ trưởng Laurence Golborne cho biết.

Kế hoạch A sẽ được chia thành ba công đoạn, ban đầu máy khoan Strata 950 với tốc độ khoan 15-20m/ngày sẽ khoan một đường thẳng đứng có đường kính 35cm từ mặt đất xuống ngay đường dẫn, nằm giữa lán lưu trú của các thợ mỏ và mép đường hầm. Ước tính khoảng 45 ngày mũi khoan này sẽ chạm đáy độ sâu 700m. Tiếp theo là mở rộng đường khoan này ra 70cm. Có hai khả năng xảy ra: một là khoan ngược từ dưới lên bằng cách đưa các mũi khoan răng cưa đặc biệt xuống đáy hầm, chính các công nhân bị mắc kẹt sẽ thay phiên lắp ráp các mũi khoan này. Quá trình khoan ngược này cũng sẽ mất khoảng thời gian 45 ngày, những người thợ mỏ sẽ dọn dẹp khối đất đá rơi trở xuống, ước đoán khoảng 183m3. Hai là khoan từ trên xuống cũng theo trình tự ngược lại.

Công đoạn cuối cùng là giải cứu, một chiếc lồng sắt thoát hiểm được thiết kế đặc biệt sẽ đưa sáu nhân viên cứu hộ xuống đáy hầm để chăm sóc các thợ mỏ và lần lượt đưa từng người trở lại mặt đất, cứ cách hai giờ một lượt. “Hải quân Chile đang chế tạo chiếc lồng sắt này, trong đó có thiết bị cung cấp ánh sáng, oxy, thiết bị liên lạc, an toàn và cửa thoát hiểm để người ở trong lồng có thể tự điều khiển hạ lồng xuống nếu gặp sự cố” - ông Sergio Sandoval, tư lệnh hải quân Chile, cho biết. Ngày 31-8, máy khoan thủy lực Strata 950, nặng 30 tấn do Úc sản xuất, đã bắt đầu thực hiện kế hoạch A. Sau sáu ngày làm việc mũi khoan này đã khoan được hơn 123m.

Song song với kế hoạch giải cứu A, ngày 5-9 Chính phủ Chile đã quyết định tiến hành kế hoạch B. Các kỹ sư đã dùng máy khoan T-130 để nới rộng lỗ khoan sẵn có đang được dùng để chuyển lương thực và vật dụng cho các thợ mỏ. Theo kỹ sư Andre Sougaret, tốc độ khoan của máy T-130 nhanh hơn Strata 950, chỉ trong hai ngày mũi khoan trên đã đạt độ sâu 113m và chỉ cần khoan khoảng 620m là có thể chạm đến nơi các thợ mỏ bị kẹt. Đây chính là lối thoát hiểm thứ hai cho những người thợ mỏ.

Trong cùng ngày, phương án C cũng đã được công bố, một giàn khoan dầu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Chile sẽ được tận dụng. Đây được đánh giá là kế hoạch nhanh nhất, dự kiến ngày 18-9 giàn khoan này sẽ bắt đầu làm việc và chỉ cần khoan khoảng 600m là đến nơi những người thợ mỏ đang mắc kẹt, đường đi ngắn hơn kế hoạch A 100m.

Những nguyện cầu

Tổng thống Sebastian Pinera trong bài nói chuyện trên truyền hình Chile đã yêu cầu các chuyên gia tâm lý, người thân của các thợ mỏ, lực lượng cứu hộ và các bên có liên quan trong lúc liên lạc với các thợ mỏ không được đề cập đến thời gian giải cứu để giữ vững tinh thần cho họ ở dưới độ sâu 700m.

Tin nhận được ngày 8-9, Johnny Barrioos - một trong những thợ mỏ đang bị mắc kẹt, từng học qua lớp huấn luyện chăm sóc y tế - cho biết đã xuất hiện bệnh ngoài da và một số bệnh liên quan đến điều kiện ẩm ướt và thiếu ánh sáng ở dưới đất. Theo AFP, các chuyên gia y tế đã chuyển một số văcxin chữa bệnh cầu phổi, uốn ván và một số thuốc chữa bệnh ngoài da khác xuống để Johnny chăm sóc sức khỏe cho các thợ mỏ khác.

“Cố lên thợ mỏ ơi”, các thợ mỏ nghe tiếng nói ấy trong chương trình truyền hình. Một toán chuyên viên y tế, trong đó có các nhà dinh dưỡng và chuyên viên tâm lý, đang theo dõi sức khỏe của từng người trong độ tuổi 19-63.

Trả lời trên CNN, Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Manalich cho biết hiện những người thợ mỏ đã được phân công nhiệm vụ dưới độ sâu 700m để họ đỡ nhàm chán và không bị khủng hoảng tinh thần. Ông Jaime Manalich tiết lộ 33 thợ mỏ đã được chia làm hai tổ để quản lý nguồn cung cấp thức ăn từ trên mặt đất xuống. Một trong số họ nhận nhiệm vụ lên thời gian biểu ăn ngủ điều độ cho cả nhóm, một số khác chịu trách nhiệm về vấn đề dinh dưỡng và các nhu cầu cần thiết về y tế để báo lên mặt đất.

Các thợ mỏ được khuyến cáo tự sắp xếp đồng hồ sinh học theo độ sâu và bóng tối dưới hầm, khi một nửa số này ngủ thì một nửa số kia thức để canh cho giấc ngủ của đồng nghiệp được an lành. “Để những thợ mỏ tham gia công việc lắp ráp mũi khoan, dọn đất đá nơi đáy hầm sâu trong quá trình cứu hộ cũng là một liệu pháp giữ vững tinh thần cho họ” - kỹ sư Sougaret cho biết.

Trong lúc những người thợ trải qua ngày thứ 34 dưới lòng đất sâu thì ngay trên mặt đất những người vợ, người mẹ và họ hàng... của họ cũng đã cắm trại gần 20 ngày với nỗi khắc khoải chờ mong ngày đoàn tụ. “Chúng tôi là những nhà tâm lý của chính mình” - Cristina Nunez Mesias nói vậy. Cô có người yêu là Claudio Yanez Lagos đang ở dưới hầm, cô đã gửi thông điệp sẽ đồng ý làm vợ Claudio ngay khi anh bước lên mặt đất.

Ở một góc khác, Narvaez gửi tin nhắn động viên chồng bà, thợ máy Bustos. Hơn sáu tháng trước, cả gia đình bà may mắn sống sót khi cơn sóng thần ụp xuống cảng tàu Asmar (Chile), cuốn hết gia sản của họ ra biển. Trắng tay, tháng 4-2010 Bustos phải ngược lên mạn bắc Chile để tìm việc và số phận đã đưa ông đến với mỏ khai thác đồng và vàng San José. “Trong động đất chúng ta đã giữ được sinh mạng mình.

Lần này cũng vậy, có thể sẽ xuất hiện bệnh sốt rét, sự cô độc và nỗi sợ hãi, nhưng chúng ta đang sống. Chồng của em, chúng ta sẽ có một kết thúc hạnh phúc nữa!” - Narvaez gửi thông điệp cho chồng cũng chính là đang động viên mình. Từ lòng đất sâu, Bustos nhắn với vợ rằng ông đã đặt tên cho mũi khoan giải cứu đầu tiên là Maria Paz, là tên con gái của họ bởi nó mang hàm ý “người chiến thắng”.

____________

Đón đọc số tới:

“Tị nạn” môi trường

PV Tuổi Trẻ tường trình những cảnh đời, cảnh người... trên mọi miền đất nước đang bị xáo trộn, đổi thay và khốn khó vì sự biến đổi của môi trường...

N.T.ĐA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên