Phóng to |
Đối với Mỹ, những cái “nhất” trước hết và dĩ nhiên phải được biểu thị bằng những gam màu tối bởi chính Mỹ là thủ phạm gây ra cuộc chiến đẫm máu và cũng là kẻ chiến bại nhục nhã.
Còn những gam màu sáng, phải chăng là những bài học cho hiện tại và tương lai được đúc rút từ kinh nghiệm đau lòng của quá khứ (mà trên thực tế người Mỹ đã làm được một số điều...)?
1. Cuộc chiến tranh qui mô lớn nhất trong lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ
Trước hết, về mặt thời gian, cuộc chiến này kéo dài ngày nhất với hơn hai mươi năm (từ tháng 7-1954 đến 4-1975) so với một năm bảy tháng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (do Mỹ tham chiến muộn, từ tháng 4-1917), ba năm tám tháng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (tính từ khi Mỹ tuyên chiến với phe phát xít và chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ), ba năm một tháng của cuộc chiến tranh Triều Tiên (tính từ khi Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp)...
Thứ đến, cuộc chiến này huy động sức mạnh trí tuệ và sức người, sức của cao nhất của nước Mỹ.
Năm đời tổng thống Mỹ, từ D. D. Eisenhower, John K. Kennedy đến Lyndon Johnson, Richard Nixon rồi Gerald Ford đã nối chân nhau điều hành bốn chiến lược chiến tranh thực dân mới ở chiến trường VN, từ chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt đến chiến tranh cục bộ, (và chiến tranh phá hoại miền Bắc VN lần thứ nhất) rồi VN hóa chiến tranh (và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai). Bên cạnh đó là những “bộ óc nước Mỹ” luôn luôn sát cánh cùng những người đứng đầu Nhà nước Mỹ để “bày binh, bố trận” như Henry Kissinger, người được xem là “cây đại vĩ cầm về địa-chính trị” của Mỹ, Z. Bigniew Brzezinski, một chiến lược gia chống cộng nổi tiếng thế giới...
Có đến 77% lục quân, 66% thủy quân lục chiên và không quân, 40% hải quân, 6,5 triệu lượt binh sĩ, 22.000 xí nghiệp của nước Mỹ đã được huy động để phục vụ chiến tranh VN. Chừng như chưa đủ, Mỹ còn lôi kéo năm nước phụ thuộc Mỹ bao gồm Úc, New Zealand (châu Đại Dương), Hàn Quốc (Đông Bắc Á) và Thái Lan, Philippines (Đông Nam Á) với số quân lúc cao nhất hơn 70.000 cùng tham chiến với 550.000 quân viễn chinh Mỹ, làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân ngụy Sài Gòn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Mỹ đã chi trực tiếp cho cuộc chiến tranh VN tới 676 tỉ USD, so với 341 tỉ USD trong Chiến tranh thế giới thứ hai và 54 tỉ trong chiến tranh Triều Tiên, và nếu tính cả chi phí gián tiếp thì lên tới 920 tỉ USD (VN, con số và sự kiện (1945-1989), 1990-Sức mạnh VN, 1976). Những chi phí khổng lồ này tính theo thời giá hiện nay đủ sức vực cả các nước thế giới thứ ba vượt qua đói nghèo, lạc hậu để rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước thuộc “câu lạc bộ nhà giàu” như các nhóm G7, OECD... (!).
Hơn hai thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được thành lập, và người Mỹ có quyền tự hào về những vinh quang mà nước Mỹ gặt hái được trên mọi phương diện trong suốt tiến trình lịch sử của đất nước mình. Nhưng chiến tranh VN đã là vết thương hằn sâu trong lòng nước Mỹ, bởi chính nơi đây, niềm kiêu hãnh của đế quốc Hoa Kỳ đã bị dập tắt bởi dân tộc bé nhỏ mang tên VN. |
2. Cuộc chiến tranh mang tính hủy diệt nhất của Mỹ, đã để lại những di chứng đầy tội ác ở VN.
Để thực hiện mục đích “hủy diệt và nô dịch” dân tộc VN, Mỹ đã giội xuống hai miền Nam, Bắc hơn 7,8 triệu tấn bom đạn, một khối lượng bom đạn lớn hơn lượng bom đạn mà Mỹ đã sử dụng trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trước đó. Trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc VN của Mỹ, bình quân một người dân phải chịu 45,5 kg bom đạn, 1km2 chịu 6 tấn bom đạn. Tỉ lệ này lớn hơn nhiều so với một số nước bị thiệt hại nặng nhất trong chiến tranh thế giới thứ hai, cụ thể là: Đức: 1 người/27 kg, 1km2/5,4 tấn; Nhật Bản: 1 người/1,6 kg, 1km2/0,43 tấn. Những con số thật khủng khiếp (!).
Phóng to |
Loài người có lương tri không thể không đau xót, căm phẫn khi phải chứng kiến hàng ngàn, hàng vạn người dân VN vô tội, nhất là trẻ em, hôm nay mang trong mình dị tật quái ác do hậu quả dioxin dù rằng chiến tranh đã qua đi 30 năm. Vì không ai khác hơn, chính các công ty hóa chất Mỹ và những người điều hành cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác này phải là những kẻ chịu trách nhiệm chủ yếu và đầu tiên trước công lý.
3. Cuộc chiến tranh mà Mỹ phải chịu thất bại lớn và nặng nề nhất trong lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ
Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 58.000 quân Mỹ, khoảng 304.000 người lính khác vĩnh viễn bị thương tật, tàn phế. (So với hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq vừa qua, Mỹ chỉ tổn thất 1.102 binh sĩ tính đến ngày 19-10-2004). Điều đáng nói là trong số đó có không ít người bị bắt lính và họ không biết mình chiến đấu trên đất Việt xa xôi này để làm gì (!).
Thất bại của Mỹ trong cuộc chiến VN vào mùa xuân năm 1975 đã làm phá sản sự phản kích lớn nhất của Mỹ vào các lực lượng cách mạng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phá vỡ phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản quan trọng ở Đông Nam Á mà Mỹ đã đổ nhiều công sức tạo dựng, góp phần làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của Mỹ, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn về nhiều mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội. Và nói như tướng Taylor - một nhà chiến lược quân sự Mỹ: “Trong suốt cả cuộc chiến tranh này, chúng ta (người Mỹ) không có một anh hùng nào cả, chúng ta chỉ là những lũ ngốc... Giá như người Mỹ sớm nhận thức ra vấn đề này thì...”.
4. Cuộc chiến tranh để lại vết thương lòng lớn nhất nước Mỹ: “Hội chứng VN”
Vào đầu năm 1988, lần đầu tiên Chính phủ Mỹ buộc phải chính thức thừa nhận rằng 15% cựu chiến binh Mỹ từ chiến tranh VN trở về, nghĩa là khoảng 50.000 người vẫn còn bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng mà nguyên nhân của căn bệnh này là do họ đã tham chiến ở VN và tất nhiên đã từng gây tội ác dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Ngày càng có nhiều hồi ký chiến tranh về “người thật, việc thật”, ghi chép lại cuộc chiến và những cơn ác mộng khủng khiếp từng ám ảnh những người lính viễn chinh Mỹ. Các nhà xã hội học Mỹ đã khẳng định bình quân mỗi ngày có ba cựu chiến binh Mỹ tự sát bằng những cách thức ghê rợn, có lẽ để xóa đi mặc cảm tội lỗi.
Điều đáng lưu ý là hiện tượng nói trên chưa hề xảy ra trước đó, nhất là sau Chiến tranh thế giới thứ hai và cả sau cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận