09/05/2016 15:30 GMT+7

Chiến sĩ Trường Sa mê thể thao

HỮU CHƠN  (Q9, TP.HCM)
HỮU CHƠN (Q9, TP.HCM)

TTO - Ở đất liền chơi thể thao là chuyện bình thường, nhưng chơi thể thao tại Trường Sa mới cảm thấy thú vị. Tôi may mắn có cơ hội được xỏ giày đá bóng với các chiến sĩ ở đảo Trường Sa.

Các chiến sỹ chơi đá bóng trên đảo. Ảnh: Tự Trung
Các chiến sĩ thị trấn Trương Sa Lớn chơi bóng đá - Ảnh: Tự Trung

“Sân bóng” thực ra là một đoạn của con đường bê tông lớn nhất đảo được các chiến sĩ tận dụng làm nơi đá bóng. Hàng ngày cứ khoảng 16g30 trở đi, ngoại trừ những người phải trực chiến, canh gác hoặc tuần tra, còn lại đều tập trung ra các sân chơi thể thao, trong đó bóng đá luôn là môn có đông người chơi nhất.

Một đội có 16 cầu thủ

Trận cầu sôi nổi do các anh lính trẻ lạc quan mang lại, khiến những thành viên tham gia chuyến hành trình “Tuổi Trẻ vì biển đảo quê hương năm 2016” chúng tôi có cảm giác rằng đang được thưởng thức một bữa tiệc bóng đá ngay trên đất liền.

Trung sĩ Phạm Thanh Sơn (Q.7, TP.HCM) cho biết, hồi còn học phổ thông anh ít có thời gian chơi thể thao, nhưng bây giờ anh là một trong những thành viên “thường trực” của sân bóng đá, hầu như trận đấu nào anh cũng có mặt. Anh Sơn cười nói: “Do là sân bê tông nên chuyện bị trượt ngã xảy ra như cơm bữa và những vết sẹo trên hai chân của tôi đã nói lên điều ấy”. Còn binh nhất Nguyễn Văn Hiệp - người con của thành phố biển Nha Trang thì hóm hỉnh: “Anh cứ nhìn vào chân là biết ai thường chơi bóng đá trên đảo này”.

Điều đặc biệt ở sân bóng này là “quân số” hai đội không bị ràng buộc bởi luật bóng đá. Khung thành có kích thước của sân năm người nhưng do số cầu thủ rất đông nên thành phần mỗi đội có lúc lên đến… 16 người. Thỉnh thoảng có người về phòng để chuẩn bị vào ca trực thì luôn có người khác vào thay. Lúc ấy tôi mới hiểu tại sao có một vài anh lính đeo đồng hồ khi đá bóng. Ngoài ra, cứ mỗi khi hai bên được bổ sung thành viên thì cầu môn lại được kéo ra phía sau để tăng diện tích thi đấu. Vì vậy, khoảng cách giữa hai khung thành có khi dài cả trăm mét. Nhưng dẫu cho điều kiện còn hạn chế cũng không hề làm giảm sút sự đam mê của những người lính đảo.

Cổ động viên của những trận cầu này là các hộ dân sống trên đảo. Chiều mát họ hay có thói quen dẫn con cái đi dạo chơi trên đảo và xem trực tiếp bóng đá… miễn phí. Có khán giả còn dùng điện thoại ghi hình để tối về “phát lại” cho các “ ngôi sao” xem những pha bóng hay.

Không khí ở các sân bóng chuyền cũng không kém phần sôi động, đảo có bốn sân bóng chuyền nhưng sân nào cũng luôn đủ 12 người tham gia. Chưa kể còn hàng chục người ngồi “xếp hàng” chờ đến lượt.

“Nhớ đảo, nhớ thể thao trên đảo quá chừng”

Có lẽ sức sống mãnh liệt nơi đảo xa không chỉ là cây phong ba, bão táp mà còn nằm ở sự trẻ trung, yêu đời của những con người nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Nên thật dễ hiểu khi nhiều anh dù đã rời xa quân ngũ lâu năm, nhưng thỉnh thoảng vẫn gọi điện ra tâm sự rằng “nhớ đảo, nhớ thể thao trên đảo quá chừng”. Nghe vậy tôi càng thấm thía câu nói quen thuộc mà đảo nào cũng có: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Một pha bóng trong trận bóng chuyền giữa các chiến sỹ. Ảnh: Tự Trung
Một pha bóng trong trận bóng chuyền giữa các chiến sỹ - Ảnh: Tự Trung

Ngoài các trận bóng đá, bóng chuyền thì ở đảo Trường Sa, vào những dịp lễ lớn như 30-4 hay 2-9 luôn có những giải đấu thể thao như bóng bàn, cờ tướng, điền kinh… nhằm khuyến khích phong trào tập luyện TDTT trên đảo. Giải thưởng chỉ là thùng nước ngọt hay mì gói nhưng ai cũng hào hứng tham gia.

Thượng úy Trương Mai Bình - phó bí thư Đoàn thanh niên đảo Trường Sa cho biết do điều kiện khí hậu, thời tiết ở đây khác với đất liền nên trang thiết bị, dụng cụ thi đấu thể thao nhanh xuống cấp, hư hỏng, lưới bóng chuyền mau bị mục, bàn đánh bóng bàn trước đây có hơn mười cái, song nay chỉ còn hai cái sử dụng được, lưới của cầu môn bóng đá cũng đã rách từ lâu.

Thế nhưng, anh Mai Bình cũng không quên “khoe” nhờ đóng góp của các nhà hảo tâm nên đảo chuẩn bị thi công sân bóng đá mini “đất nện”, cầu thủ - chiến sĩ sẽ ít bị “sẹo” như hiện nay và khi tôi viết bài này các anh đã lắp đặt xong một bộ công cụ đa năng tập thể dục ngoài trời. Mong sao một ngày không xa, sẽ có sân bóng đá mini cỏ nhân tạo đầu tiên ở Trường Sa.

Chiều Trường Sa, nắng nhạt dần rồi tắt hẳn, những người lính nơi đầu sóng ngọn gió lại trở về với nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Sức khỏe cường tráng sẽ giúp các anh chắc tay súng hơn, và tôi tin rằng tinh thần chiến đấu, làm việc của họ cũng luôn mạnh mẽ như khi họ chơi thể thao.

HỮU CHƠN (Q9, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên