21/10/2010 07:03 GMT+7

Chiến lược "dân dã"

Nguyên phó thủ tướng VŨ KHOAN
Nguyên phó thủ tướng VŨ KHOAN

TT - Nhân ba văn kiện chuẩn bị Đại hội XI được công bố để thu thập ý kiến toàn dân, tôi đã chuyện trò với nhiều người dân bình thường để xem tâm tư của họ ra sao.

GFCFHzN0.jpgPhóng to
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan trong lần trò chuyện với sinh viên ĐHQG TP.HCM năm 2006 - Ảnh: N.Hùng

Tôi phát hiện nhiều người chẳng biết gì về những văn kiện ấy hoặc có nghe phong thanh nhưng cũng không đọc hết (họ kêu dài quá), một số người có đọc qua nhưng không nắm được ngọn ngành ra sao. Tưởng rằng tình trạng ấy chỉ có ở dân thường nhưng qua tiếp xúc với không ít cán bộ, thậm chí cán bộ quản lý, thì tình hình cũng chẳng khác mấy.

"Người dân tha thiết có được các nhà lãnh đạo: trung, trí, nhân, dũng. Nhưng làm thế nào để chọn được những người như vậy thì người dân cũng chỉ bàn tán cho vui thế thôi chứ có cơ chế nào tham khảo ý kiến người dân đâu"

Vũ Khoan

Để văn kiện dễ hiểu

Từ những hiện tượng trên, tôi ngộ ra rằng có lẽ nên đổi mới cách viết và cách lấy ý kiến để các văn kiện ấy là của dân, do dân, vì dân. Nghĩa là mọi người dân bình thường (chứ không riêng cán bộ, chức sắc, đảng viên) đều cảm thấy đấy là những văn kiện của họ, đáp ứng những mong mỏi thiết thân của chính họ, từ đó tích cực đóng góp ý kiến và ra sức thực hiện nhằm đem lại ích lợi thiết thực cho họ chứ không phải chuyện xa vời, việc “của các ông ấy”, “của trên”, ít liên quan trực tiếp tới mình.

Chiếu theo suy nghĩ của những người dân bình thường mà tôi tiếp xúc, mục tiêu phát triển của đất nước là làm sao chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn, nghĩa là có công ăn việc làm và có thu nhập ổn định, không bị lạm phát ngốn mất (phần lớn người tôi tiếp xúc chẳng có khái niệm gì về kinh tế vĩ mô, lực đẩy, lực kéo), con cái không bị hành hạ bởi nền giáo dục còn quá nhiều bất cập, vào bệnh viện không bị tình cảnh vài ba người một giường, ra đường không bị kẹt xe, ngập nước, hố đen rình rập, ở thôn làng, phố xá không bị các “ông phường”, “ông xã” gây phiền hà, không phải chứng kiến hoặc chịu đựng nạn tham nhũng tràn lan, những tệ nạn xã hội đau lòng và sự ô nhiễm môi trường khủng khiếp.

Dịch ra ngôn ngữ văn bản thì điều mong muốn nhất của người dân bình thường chính là “phát triển bền vững”.

Còn khái niệm “về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” là thế nào, bằng cách gì, đối với nhiều người dân là chuyện cao xa, khó bề biết rõ được ngọn ngành; nói cho cùng đó cũng chỉ là phương tiện để đạt được những nguyện vọng đời thường nói trên thôi chứ chẳng phải là mục tiêu tự thân.

Ai ai cũng đều rất sốt ruột thấy nước ta còn lạc hậu so ngay với một số nước trong khu vực chứ chưa nói gì tới các nước phát triển, ai cũng mong mỏi nước ta phát triển nhanh. Song người nào cũng lo lắng trước hiện trạng phải tung ra nhiều tiền quá, hiệu quả thu về chẳng là bao, đó là chưa kể tình trạng vung tay quá trán, lãng phí vô cùng, nếu vậy làm sao thu hẹp được khoảng cách? Chuyển sang ngôn ngữ chính thống thì lòng dân đều muốn phát triển có hiệu quả chứ không phải tăng trưởng với bất kỳ giá nào.

Trao đổi về phương cách làm thế nào để đáp ứng được những mục tiêu trên, người ta bộc bạch một cách nôm na rằng trước hết phải có bộ máy trong sạch hết lòng vì dân, lo cái dân cần, còn tiền bạc để làm tất cả những điều dân cần chỉ có hai cách: một là ra sức tiết kiệm, từ người dân đến Nhà nước, chắt chiu từng đồng xu do đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra và đóng góp, đừng đổ vào những cái thùng không đáy, tiêu xài phung phí, hội hè tràn lan. Hai là tạo mọi thuận lợi cho người dân mang tiền ra làm ăn, không phân biệt họ thuộc loại nào.

Nhiều người tâm sự rằng không biết làm sao ở ta hay tranh luận triền miên về những câu chữ nọ kia thế. Nhớ lại hàng mấy chục năm trước đã cãi nhau về việc áp dụng hay không áp dụng kinh tế thị trường, sau đó lại mươi mười lăm năm tranh cãi về khái niệm “bóc lột” và đảng viên có được làm kinh tế tư nhân không, tiếp đến lại mươi năm tốn giấy mực vào việc xem Đảng có đại diện cho lợi ích dân tộc không, cứ làm như trước đó Đảng không đại diện cho lợi ích dân tộc ấy!

Lúc này lại thấy đôi co về câu chuyện “kinh tế nhà nước” là chủ đạo, kinh tế tư nhân là “động lực” và rồi sẽ thiết lập “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” chứ không chỉ là “quan hệ sản xuất thích hợp” nữa. Có doanh nhân ái ngại hỏi: thế nay mai lại quốc hữu hóa à?

Sát với suy tư người dân

Trao đi đổi lại mọi người cũng đều đồng tình Nhà nước phải tập trung vào ba khâu mà nay hay được gọi là “khâu đột phá”: thể chế, nhân lực và hạ tầng (đó là cách viết trong văn bản chứ ngoài đời người ta nói đơn giản hơn nhiều). Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên thấy nhiều tỉnh nêu ra rất lắm khâu đột phá, có nơi 8-9 khâu(!). Có người nói đùa rằng nếu vậy thì thành cái thúng thủng mất, chẳng khác nào một thời đưa ra nhiều “mũi nhọn” quá hóa thành quả mít!

Đi vào mỗi khâu, mối quan tâm của mỗi người lại khác nhau. Nói đến thể chế, người dân quan tâm nhất là làm sao có bộ máy trong sạch, chuyên nghiệp chứ còn thế nào là thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm sao hoàn thiện thì họ cho rằng đó là việc của trên.

Đối với mọi người dân, nỗi bức xúc nhất của người dân là làm sao đẩy lùi được nạn tham nhũng nay đã trở thành quốc nạn tràn lan, tinh vi - một việc được nói đến từ lâu song xem ra vẫn còn quá nhức nhối. Trong khi các vị chức sắc, các nhà khoa học tranh luận đỏ mặt tía tai về sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân... còn bà con thường dân lại ray rứt nhất là chuyện thu hồi đất, ưu ái cho các đại gia, đền bù chẳng thỏa đáng.

Giới “tinh hoa” luận bàn sôi động về “dân chủ”, còn người dân chỉ mong sao mọi chuyện minh bạch rõ ràng, được đóng góp ý kiến vào công việc của đất nước, kiểm tra xem tiền của mình đóng góp rơi vào đâu, được trực tiếp chọn lựa những người lãnh đạo của mình. Nói tóm lại là làm thế nào để biến phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đi vào cuộc sống thực.

Nói đến nguồn nhân lực, mối quan tâm hàng đầu của người dân là nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý có tâm, có tầm. Thứ đến là làm sao cải cách hẳn hệ thống giáo dục để các cháu khỏi phải “cõng cặp” đến trường, cha mẹ ông bà khỏi phải xếp hàng thâu đêm để có chỗ cho con cháu trong trường mẫu giáo, học xong có công ăn việc làm và biết làm, đi học, chữa bệnh cứ phải dấm dúi đút tiền mà chẳng biết bao nhiêu là vừa. Nhân lực ấy không chỉ có học, có nghề mà biết sống trong một xã hội trật tự văn minh, biết làm việc trong môi trường công nghiệp.

Đã là văn kiện chính thức đương nhiên phải văn hoa, mang tầm lý luận nhưng dù thế nào đi nữa cũng nên “hạ cố” áp sát với những suy tư của người dân bình thường.

Cuộc sống vẫn tiến bước

Đành rằng sau những câu chữ là “quan điểm” cần làm rõ và nhận thức thống nhất, song tranh cãi cứ tranh cãi, cuộc sống vẫn cứ tiến bước theo quy luật khách quan của nó. Gần đây VTV1 chiếu phim Bí thư tỉnh ủy. Thời ấy mà đụng vào hợp tác xã là phạm húy nhưng rồi cũng buộc phải chuyển sang khoán 10, khoán 100. Nhiều người cho rằng hà cớ gì cứ lúng túng, giận dỗi, thậm chí chụp mũ nhau chỉ vì chủ đạo hay không chủ đạo, trong khi rất ít người nói rõ ra được thế nào là chủ đạo và nhất là làm thế nào để trở thành chủ đạo.

Có người vặn hỏi thế công nhân và nông dân, các nhà khoa học, tức là những người làm ra của cải vật chất thuộc loại gì? Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xếp vào ô nào? Sao bảo mọi thành phần đều bình đẳng trước pháp luật cơ mà? Nay chỉ có một đạo luật doanh nghiệp duy nhất, trong đó có phân chia các loại cơ chế, chính sách khác nhau đâu! Lúc này yêu cầu cao nhất là nước mạnh dân giàu, muốn vậy chỉ có một cây gậy thần là huy động sức mạnh toàn dân tộc, gây sự phân tâm làm chi?

Nguyên phó thủ tướng VŨ KHOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên