Bảo tàng TP.HCM phối hợp Hội Cổ vật TP.HCM tổ chức trưng bày chuyên đề Du xuân - Cổ ngoạn.
Trưng bày chuyên đề giới thiệu 150 hiện vật quý hiếm và độc đáo của 21 nhà sưu tập đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Thanh Hóa...
Tìm về ký ức qua những hiện vật quen thuộc
Các hiện vật quen thuộc như: bộ ấm trà, chậu, đôn voi, đôi lân, bộ lư hương, bát nhang, bát điếu, tượng ông địa... được trưng bày là những hiện vật quý hiếm.
Tại triển lãm, nhà sưu tập Hồ Hoàng Tuấn giới thiệu bộ lư hương, bát nhang được làm từ gốm vẽ men xanh trắng và men màu sản xuất ở Sài Gòn có niên đại đầu thế kỷ 20.
Anh Hồ Hoàng Tuấn cho biết anh mua các hiện vật này từ một gia đình ở Tiền Giang.
Điểm đặc biệt của bộ lư hương, bát nhang gốm này được vẽ men lam hoặc men nhiều màu, vẽ cảnh (sơn thủy tùng đình, chim hoa, linh thú, bát tiên, các điển tích, điển cố truyền thống phương Đông...).
Còn nhà sưu tập Lê Thanh Nghĩa góp nhiều cổ vật trưng bày. Trong đó nổi bật là các bộ ấm trà, bát điếu có hoa văn độc đáo, được Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất năm 1841 - 1847.
Nhà sưu tập Phạm Quốc Định mang đến đôi lân gốm men nhiều màu thế kỷ 20. Hiện vật này có xuất xứ Trung Quốc. Hay đôn voi gốm men nhiều màu của Việt Nam, sản xuất từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Ông Lê Thanh Nghĩa - chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM - cho biết các hiện vật trưng bày được làm từ nhiều chất liệu, có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp...
Trong đó, gốm sứ Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất, từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, có niên đại từ thế kỷ 11 đến nửa đầu thế kỷ 20.
"Triển lãm chuyên đề này giúp những người yêu cổ ngoạn tìm thấy ký ức dân tộc qua những câu chuyện từ hiện vật, để hiểu thêm về những tri thức lịch sử văn hóa" - ông Lê Thanh Nghĩa cho biết.
Trưng bày 150 hiện vật quý, hiếm
Trưng bày chuyên đề Du xuân - Cổ ngoạn giới thiệu 150 hiện vật quý hiếm, độc đáo, là những di sản văn hóa vật thể, gồm bốn phần chính.
Phần sưu tập ấn, tín ký giới thiệu các ấn tín ký quý hiếm mang giá trị lịch sử cao.
Phần sưu tập tượng thờ dân gian Nam Bộ gồm những hiện vật gốc phản ánh đời sống tín ngưỡng của người dân Nam Bộ.
Còn phần sưu tập gốm Việt Nam (thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn) giới thiệu những hiện vật tiêu biểu có giá trị về lịch sử, văn hóa; đồng thời minh chứng sự phát triển của nghề gốm Việt Nam qua các thời kỳ.
Phần sưu tập sứ ký kiểu và pháp lam thời nhà Nguyễn gồm các hiện vật là đồ sứ ký kiểu, pháp lam có màu sắc, hoa văn trang trí đa dạng.
Bà Đoàn Thị Trang - phó giám đốc Bảo tàng TP.HCM - nói ngoài các chủ đề trên, không gian trưng bày còn có tượng Phật Nhật Bản, hộp bút, sách thêu, gươm cổ...
Triển lãm chuyên đề Du xuân - Cổ ngoạn diễn ra từ hôm nay đến hết ngày 16-4, tại Bảo tàng TP.HCM (65 Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận