18/09/2004 05:01 GMT+7

Chiếc thuyền nan và sóng gió trên "biển học"...

LÊ ĐỨC DỤC - HÒA MINH
LÊ ĐỨC DỤC - HÒA MINH

TT - Tin Đào Thị Hằng đậu thủ khoa Đại học Nông lâm Huế với 26 điểm khiến xóm nhỏ ở Ái Tử này xôn xao hẳn lên. Nhà Hằng nghèo nhất nhì thị trấn đã đành, bố mẹ danh nghĩa dân thị trấn nhưng lại làm nghề chài lưới trên sông Thạch Hãn.

MiWjTna8.jpgPhóng to
Hằng kèm các em trai học Ảnh: L.Đ.D.
Cô thủ khoa từ chiếc thuyền nan...

Tin Đào Thị Hằng đậu thủ khoa Đại học Nông lâm Huế với 26 điểm khiến xóm nhỏ ở Ái Tử này xôn xao hẳn lên. Nhà Hằng nghèo nhất nhì thị trấn đã đành, bố mẹ danh nghĩa dân thị trấn nhưng lại làm nghề chài lưới trên sông Thạch Hãn.

Tìm vào nhà nghe bảo Hằng đang ra thăm nội ở Hộ Độ (Thạch Hà, Hà Tĩnh), đứa em nhỏ của Hằng báo: "Bố cháu đánh cá dưới sông".

Cuộc sống cả nhà trông nhờ vào những mớ cá nhỏ đánh bắt được từ sông, và với chiếc thuyền nan ấy bố mẹ Hằng đã phải chèo chống cả một đàn con sáu đứa mà Hằng là con đầu.

Vinh, đứa em thứ ba của Hằng, dẫn chúng tôi ra sông, nói rất hồn nhiên: "Mùa lụt nước sông dâng cao, không đánh được cá, anh em cháu đói thường xuyên".

Ông Hòa, bố của Hằng, nói: "Con đậu đại học, mừng thì cũng mừng nhưng mà không biết lấy tiền đâu cho con nhập trường". Chúng tôi trở lại một lần nữa, Hằng thăm quê đã vào chờ ngày nhập trường và chưa biết tìm đâu ra số tiền nhập học...

Sự học của Hằng xem ra cũng như con thuyền nan của bố, chòng chành trên biển học.

iEnfLWZZ.jpgPhóng to
Trần Thị Hồng với công việc thường ngày sau giờ học: xắt thân chuối cho lợn - Ảnh: L.Đ.D.
Đốm sáng hi vọng trong căn hộ nghèo

Còn Trần Thị Hồng, vẻ lam lũ toát ra từ cô học trò này khiến chúng tôi mới lần đầu tiếp xúc không thể không xúc động. Hồng thi vào khoa văn Trường ĐH Sư phạm Huế với số điểm 19,5.

Một hoàn cảnh gia đình nghèo khó như bao nhiêu gia đình khác còn khó nghèo trên mảnh đất này, nhưng chuyện của Hồng khiến chúng tôi phải tìm về tận nhà ở thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam (huyện Vĩnh Linh).

Ông bố đã ngoài 60 tuổi, ngậm ngùi: "Nhà có bốn đứa con nhưng chỉ đủ sức lo cho một đứa ăn học”. Ông nói vậy nhưng dẫu có dồn sức cho Hồng thì thu nhập cả gia đình mỗi tháng chưa tới 200.000 đồng thì quả là...

Mẹ Hồng bảo: “Vùng quê tui nghèo, muốn đi làm thuê nuôi con cũng chẳng có nhà ai giàu đến mức có việc phải thuê người khác làm”. Giờ đây Hồng đang là tất cả hi vọng của bố mẹ, chị em trong gia đình, nhưng bốn năm đại học sắp tới của Hồng đang như một hành trình gian truân tưởng chừng không thể vượt qua.

Cô học trò giỏi và lá đơn chưa được duyệt

Còn ngôi nhà “hoàn cảnh” nhất mà chúng tôi gặp ở Quảng Trị dịp này là căn nhà phên nứa tồi tàn của bạn Lê Thị Lan ở khu phố 3, phường Đông Giang.

Với cô học trò này, giấc mơ về giảng đường đại học đến sớm hơn nhiều so với các bạn khi từ giữa năm học Lan đã giành được giải nhì quốc gia môn lịch sử lớp 12 và chính thức được tuyển thẳng vào đại học.

Gia đình vào loại nghèo nhất nhì trong phường. Bố mắc bệnh khớp kinh niên, mất phần lớn khả năng lao động, gánh áo cơm cực nhọc chất cả lên đôi vai bé nhỏ của người mẹ.

Các chị của Lan chưa học hết bậc tiểu học đã phải ở nhà cáng đáng chuyện mưu sinh, còn sau lưng Lan cả bốn đứa em trong độ tuổi đến trường. Người bố người mẹ xoay xở vay mượn đủ đường mà vẫn chưa lo đủ, huống hồ giờ lại tới Lan vào đại học...

Bà mẹ bảo: "Cực mấy cũng ráng cho con đi học, còn không thì nghèo mãi, khổ mãi". Bà biết như thế nhưng để chạy tiền cho Lan đi học, bà đã làm đơn vay ngân hàng 2 triệu đồng. Lá đơn ấy không được xét duyệt vì gia đình vẫn còn nợ ngân hàng 2 triệu đồng chưa trả!

TgX1Mkdu.jpgPhóng to
Bố của Trang bên chiếc xe đạp ráp lại từ hai chiếc xe đạp cũ của gia đình cho con đến trường - Ảnh: L.Đ.D.
Chiếc xe đạp cho Trang

Dù đã ít nhiều đoán trước, nhưng cảnh sống cơ cực của gia đình em Hoàng Thị Thùy Trang ở phường 1, Đông Hà vẫn vượt ngoài sự hình dung của chúng tôi.

Ngôi nhà ổ chuột nằm ngay bên đường Nguyễn Trãi. Vách tường vá víu tạm bợ bằng thùng cactông, mái lợp tôn thủng lỗ chỗ. Không một đồ vật nào đáng giá vài chục ngàn đồng. Người cha bệnh tật, thường xuyên nằm ở bệnh viện tỉnh.

Mẹ và anh trai Trang kiếm sống bằng nghề nhặt phế liệu, làm thuê, bốc vác ở các bãi rác, chợ, bến xe... Trong điều kiện sống vô cùng khó khăn ấy, Thùy Trang vẫn gắng gượng học và đỗ vào khoa nuôi trồng thủy sản ĐH Vinh.

Khi chúng tôi đến nhà, bố Trang đang cặm cụi với hai chiếc xe đạp cũ nát của cả gia đình, chọn lấy những bộ phận còn tốt để ráp cho Trang chiếc xe đạp khá hơn chuẩn bị nhập học.

Chiếc xe đạp đã rất cũ ấy hẳn là vốn liếng và cũng sẽ là thứ tài sản có giá trị nhất mà những người thân có thể dành cho Trang, nhưng không biết rồi đây có giúp được cô học trò nghèo Đông Hà vượt qua những đèo dốc, những trở lực quá lớn trên hành trình trước mặt?

Danh sách tân sinh viên Quảng Trị nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” do báo Tuổi Trẻ - báo Quảng Trị - Hội Khuyến học tổ chức

(Tài trợ: CLB những nhà doanh nghiệp Quảng Trị tại TP.HCM)

1. Lê Cảnh Trường, thôn Đồng Bào, Triệu Sơn, Triệu Phong;

2. Nguyễn Thị Thu Thủy, Phương Ngạn, Triệu Long, Triệu Phong;

3. Lê Thị Lan, khu phố 3, Đông Giang, Đông Hà;

4. Lê Trung Tiến, Di Loan, Vĩnh Giang, Vĩnh Linh;

5. Mai Thanh Tuấn, KP3, P. Đông Giang, Đông Hà;

6. Lê Thị Thảo Hiền, Nại Cửu, Triệu Đông, Triệu Phong;

7. Trần Thị Hồng, T.Nam Cường, Vĩnh Nam, VL;

8. Phan Thị Ngọc Lan, Hải Thọ, Hải Lăng, Quảng Trị;

9. Hoàng Thị Thùy Trang, 08 Nguyễn Trãi, Đông Hà;

10. Nguyễn Thị Thúy Nga, Mai Xá, Gio Mai, Gio Linh;

11. Phan Chiến Thắng, thôn Đường 9, Cam Hiếu (km7), Cam Lộ;

12. Lê Hồng Phong, Xóm Bành, Triệu Thành, Triệu Phong;

13. Nguyễn Nữ Nhã Uyên, phường 5, Đông Hà;

14. Bùi Thị Hồng Gấm, 116 Trần Phú, phường 5, Đông Hà;

15. Hồ Thị Hồng Nhung, Thượng Nguyên, TT Cam Lộ, Cam Lộ;

16. Hồ Thị Mai Trang, 317 Trần Hưng Đạo, TX Quảng Trị;

17. Phan Thị Ngọc Phương, nhà tập thể nghĩa trang Vĩnh Linh;

18. Nguyễn Khắc Vũ, khóm Trung Chỉ, TT Lao Bảo, Hướng Hóa;

19. Trương Quang Vỹ, Mai Xá Chánh, Gio Mai, Gio Linh;

20. Bùi Văn Minh, Mai Xá Chánh, Gio Mai, Gio Linh;

21. Hoàng Ngọc Hai Bảo, khu tập thể giáo viên Trường THCS Cam Thủy, Cam Lộ;

22. Nguyễn Thị Ngọc Yến, chợ Lê Lợi, P.5, Đông Hà;

23. Nguyễn Thị An, KP9, phường 2, Đông Hà;

24. Đào Thị Hằng, tiểu khu 5, thị trấn Ái Tử, Triệu Phong;

25. Trần Đình Hoài, Đông Luật, Vĩnh Thái, Vĩnh Linh;

26. Nguyễn Thị Duyên, Thái Lai, Vĩnh Thái, Vĩnh Linh;

27. Trần Thị Kim Oanh, Khu tập thể trạm xá, Nông trường Cồn Tiên;

28. Nguyễn Quốc Trị, phường 1, TX Quảng Trị;

29. Lê Nhân Trung, khu phố 7, P.1, Đông Hà;

30. Trần Thế Vinh, Cam Chính, Cam Lộ;

31. Nguyễn Thị Thu Phương, Hải Thượng, Hải Lăng;

32. Nguyễn Phước Hóa, thôn An Hòa, thị trấn Lao Bảo.

LÊ ĐỨC DỤC - HÒA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên