13/09/2018 11:59 GMT+7

Chiếc roi của thầy trụ trì

KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)
KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)

TTO - Được sự đỡ đầu từ một bác Việt kiều đồng hương, tôi lên Sài Gòn viết tiếp ước mơ trở thành kiến trúc sư trong niềm vui và nỗi lo lẫn lộn.

Chiếc roi của thầy trụ trì - Ảnh 1.

Vui vì ước mơ được vẽ nên những tổ ấm xinh xắn đang dần hiện thực, lo vì một mình giữa Sài Gòn nhiều cám dỗ trong suy nghĩ của một học trò xa lạ với phồn hoa luôn canh cánh.

Nhà Phật dạy: “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Đại ý: người thiện tri thức phàm khi làm việc gì đều nghĩ đến hậu quả, biết sợ hãi trước những việc không thiện lành; khác với người phàm phu hoặc do si mê, hoặc do cố chấp vẫn làm điều quấy và chỉ sợ hãi khi hậu quả xảy đến

Nhưng trên hết, tôi lo: tuy học phí đã được hỗ trợ nhưng chuyện ăn ở giữa chốn đắt đỏ vẫn là bài toán khó giải.

Như một phép mầu, nỗi lo ấy chưa bao lâu được hóa giải: người bác đỡ đầu giới thiệu tôi vào ở trong chùa Đại Hạnh trên đường Lý Thái Tổ, quận 3.

Chùa rách Phật vàng

Tọa lạc trong khu cư xá đường sắt, ngôi chùa như thể tâm điểm từ đó lan tỏa đi các ngóc ngách trong khu phố hầu hết là dân nhập cư phức tạp về an ninh.

Những ngày đầu trọ học ở chùa tôi rất sợ. Tôi sợ đi về ngang đầu ngõ, nơi những thân hình xiêu vẹo lúc nào cũng trùm kín mặt, sẵn sàng bật dậy thượng cẳng chân hạ cẳng tay mỗi khi va chạm; sợ cái phòng để tro cốt cửa chỉ đóng hờ, im ỉm; sợ gương mặt nghiêm nghị của thầy trụ trì.

Trên hết, tôi sợ… bị yêu cầu rời chùa như vài sinh viên không khép mình vào quy củ mà tôi chứng kiến. Nếu bị "đuổi" khỏi chùa, tôi thực sự không biết về đâu giữa Sài Gòn rộng lớn, rồi đường học hành sẽ ra sao…

Tuy tọa lạc tại trung tâm thành phố nhưng chùa rất khó khăn. Sinh viên chỉ được ở miễn phí, còn chuyện ăn uống phải tự túc.

Ngày hai buổi khi quý thầy ngồi trai đường thì tôi lặng lẽ đạp xe đến các quán cơm bụi khắp khu cư xá. Được hơn một tuần thì thầy trụ trì cho tất cả sinh viên cùng ăn cơm với nhà chùa. "Có rau ăn rau, nhưng ăn của bá gia bá tánh mấy chú phải tinh tấn, đặc biệt hằng ngày phải cùng quý thầy chấp tác (làm các công việc của chùa)" - thầy trụ trì dặn.

Thế là từ đó mỗi sáng khi chuông công phu gióng lên, bọn sinh viên chúng tôi không ai bảo ai lục tục dậy, người tưới cây, quét sân, người lau tôn tượng. Mỗi chiều, sinh viên cùng quý thầy thay nhau ra chợ Chuồng Bò (chợ phường 10, quận 10) gần đó "hóa duyên", là đi chở rau củ các tiểu thương dành sẵn cho sau phiên chợ còn lại.

Nếu biết đau thì đừng làm quấy

Trong mắt bọn sinh viên trọ học bấy giờ, thầy trụ trì nghiêm khắc đến… khắt khe. Cho rằng sinh viên ở quê lên thành phố cốt để học hành thành đạt nên thầy kiểm soát chặt chẽ thời khóa biểu và giờ giấc sinh hoạt của từng người.

Ngoài giờ học còn tranh thủ đi dạy kèm, nên trong chùa tôi là người về muộn nhất. Chìa khóa cổng tôi được đặc cách quản lý. Nói cho oách vậy thôi, do là người về cuối cùng nên tôi được giao nhiệm vụ khóa cổng chùa hằng đêm.

Mỗi sáng, trong khi quý thầy cùng sinh viên chấp tác, thầy trụ trì với lấy chiếc roi trên nóc tủ, tay chắp sau lưng, khẽ khàng quan sát mọi người làm việc. Chiếc roi dài tầm sải tay, tôi độ đó là "bửu bối" của thầy nhiều năm rồi bởi nó mòn nhẵn, bóng loáng.

Chiếc roi ấy sẵn sàng vụt vào mông những ai nhiều lần sai phạm nội quy không khắc phục như chấp tác cẩu thả, đi về vô nguyên tắc, bất kể đó là quý thầy hay sinh viên, như một lần nó vụt vào mông thằng Duy trước sự chứng kiến của tôi.

Lần đó Duy về muộn, mọi người đã ngủ nên nó tìm cách trèo vào chùa. Hôm sau, trong lúc nó cặm cụi tưới gốc sứ thì thầy trụ trì xuất hiện. Thầy hỏi nó đêm qua đi đâu, về mấy giờ, ai mở cổng? Sau một thoáng bối rối, nó trả lời đi dạy kèm, tôi mở cổng cho vào…

Nó không mảy may ngờ rằng do "ngựa quen đường cũ" thường đi chơi về muộn nên từ lâu lọt vào tầm ngắm của thầy trụ trì. Đêm ấy, đích thân thầy sau giờ thiền hành đã ra khóa cổng và giữ chìa khóa.

Giọng thầy trụ trì như chuông: "Chú là sinh viên, là tầng lớp trí thức, có lỗi lầm không dám nhận mà tìm cách khỏa lấp, sau này khó thành công, mà nếu có thành công cũng khó theo hướng thiện lành". Rồi bất ngờ một trận roi liên tiếp vụt vào mông thằng Duy.

Duy đưa tay lên đỡ và xuýt xoa than đau theo quán tính. Thầy tiếp: "Nếu biết đau, sợ ăn roi thì tốt nhất đừng làm gì quấy. Hãy sợ chiếc roi, chứ đừng chỉ sợ tôi khi có mặt để rồi lúc vắng tôi muốn làm gì thì làm…".

Chiếc roi quất vào tâm can. Tôi càng sợ thầy trụ trì, đúng hơn tôi bắt đầu sợ chiếc roi từ đó. Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với chiếc roi từ câu chuyện mất tiền của thằng Hùng. Chiều nọ, sau thời kinh tối, Hùng vào phòng dọn chăn màn chuẩn bị đi ngủ thì mặt cắt không còn giọt máu.

Nó hớt hải cho hay số tiền hai trăm ngàn đồng mới về quê xin chưa kịp đóng học phí đã mất sạch. Không rõ lý do thằng Hùng bị mất tiền, đại chúng xầm xì. Chuyện đến tai thầy trụ trì, thầy quyết định họp chúng.

Thầy trụ trì ngồi giữa trên chiếc đôn phòng khách. Đại chúng xếp thành hai hàng, bên trái là quý thầy, bên phải là nhóm sinh viên trọ học. Không tra hỏi "thủ phạm" lấy tiền của Hùng, thầy giảng một mạch quan điểm của nhà Phật về quả của nhân trộm cắp, về công lao lam lũ của mẹ cha ở quê, về tình thương nên có của huynh đệ.

Nói đoạn, thầy với lấy chiếc roi, bất ngờ bảo Hùng cúi xuống trước đại chúng. Trong khi vụt roi vào mông nó, thầy dạy để bị mất tiền bản thân Hùng cũng có lỗi. Đó là lỗi hớ hênh tạo lòng tham cho người khác, dẫn đến việc người ấy sẽ phải chịu quả xấu do nhân trộm cắp, trên hết là lỗi không bảo quản được thành quả lao động mồ hôi nước mắt của cha mẹ nghèo…

Quay sang đại chúng, thầy nói con người hẳn ai cũng có lòng tham và sai lầm, quan trọng là biết hối lỗi và sửa sai. Huynh đệ ở chung, dù tu sĩ hay sinh viên cũng là đồng môn đồng đạo, lẽ ra nên thương yêu giúp đỡ nhau, nhưng đằng này lại trộm của nhau là rất xấu xí.

Nhưng thầy tạo điều kiện khắc phục bằng cách không truy cứu, ai lỡ lấy tiền thì tìm cách để số tiền ấy ở nơi mọi người dễ nhìn để nó trở về khổ chủ. Bằng không, tốt nhất là nên "giải chúng" (tức tất cả cùng rời khỏi chùa). Hùng rơm rớm nước mắt. Sáng hôm sau, Hùng nhận lại được số tiền đã mất do chú tiểu tình cờ phát hiện lúc quét sân.

Tôi thêm ám ảnh chiếc roi. Không như lần gieo vết hằn đỏ thẫm lên tay Duy, lần này chiếc roi như quất vào tâm can mọi người, như hồi chuông giục lương tri tỉnh thức.

Vững chãi với cám dỗ cuộc đời

Tôi ra trường, rời chùa đến nay thấm thoát hai mươi năm. Thầy trụ trì đã vào tịch diệt. Sinh viên như những cánh chim bay đi mọi hướng. Tôi mang vào đời nhiều hành trang, trong đó có hình ảnh chiếc roi.

Nhà Phật dạy: "Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả". Đại ý: người thiện tri thức phàm khi làm việc gì đều nghĩ đến hậu quả, biết sợ hãi trước những việc không thiện lành; khác với người phàm phu hoặc do si mê, hoặc do cố chấp vẫn làm điều quấy và chỉ sợ hãi khi hậu quả xảy đến.

Chiếc roi đầy uy lực của thầy trụ trì để lại vết hằn trên tay Duy và trong tâm can đại chúng ngày ấy với tôi cũng chung ý này. Khoảnh khắc ấy luôn nhắc nhớ tôi mỗi khi tâm gợn sóng trước những cám dỗ của cuộc đời.

Tuổi Trẻ phát động cuộc thi: “Khoảnh khắc thay đổi đời tôi”

* Thể lệ:

Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email.

* Độ dài tối đa: 1.500 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện có thật, độc đáo, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn).

* Đối tượng dự thi:

Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).

Mỗi tác giả gửi tối đa 2 bài.

* Giải thưởng:

Nhất: 30 triệu đồng.

Nhì: 20 triệu đồng.

Ba: 10 triệu đồng.

Và 3 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc:

Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động.

Kết thúc và trao thưởng vào tháng 12-2018.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài thi gửi về: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, VN. Hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Nối dây cho những cánh diều Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Nối dây cho những cánh diều

TTO - Bài báo đầu tiên của thầy giáo Phạm Được không chỉ thay đổi đời ông, đưa ông đến với công việc viết báo nghiệp dư để giúp các học trò nghèo, mà chính những bài báo chân thật, giàu yêu thương của ông đã giúp thay đổi bao nhiêu số phận học trò.

KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên