09/07/2019 19:40 GMT+7

Chiếc máy ảnh chiến trường của nhà báo Argentina 'trở lại' Việt Nam

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Một câu chuyện cảm động của nhà báo người Argentina Ignacio Ezcurra vừa được kể lại bằng chuyên đề triển lãm tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đúng dịp kỷ niệm 203 năm ngày Lễ độc lập nước Cộng hoà Argentina (9-7-2019).

Chiếc máy ảnh chiến trường của nhà báo Argentina trở lại Việt Nam - Ảnh 1.

Góc trưng bày ảnh của nhà báo Ignacio Ezcurra chụp trong chiến tranh Việt Nam - Ảnh: L.ĐIỀN

Câu chuyện bắt đầu từ sự kiện Mậu Thân 1968 trong chiến tranh Việt Nam, nhà báo Ignacio Ezcurra (sinh năm 1939), khi ấy đang viết cho tờ La Nación, đã đặt chân đến Việt Nam như bao phóng viên chiến trường từ phương Tây đến theo đuổi tin chiến sự.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Ignacio Ezcurra hiện diện tại những nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến đang diễn ra nóng bỏng từ Huế đến Sài Gòn, trải qua nhiều vùng miền từ thôn quê đến thành thị Việt Nam. 

Với chiếc máy ảnh hiệu Pentax Honeywell H3 trong tay, Ignacio Ezcurra ghi lại rất nhiều khoảnh khắc ấn tượng đã trở thành một phần di sản ảnh tư liệu về chiến tranh Việt Nam.

Ignacio Ezcurra bị mất tích tại Sài Gòn vào ngày 8-5-1968, nhưng câu chuyện không dừng lại. 

Hành trình tiếp nối

50năm sau, từ phía bên kia bán cầu nơi đất nước Argentina dưới mái ấm gia tộc Ezcurra, cháu ngoại của ông khi lớn lên đã cảm thấy ấn tượng về chiếc máy ảnh của ông mình - di vật của người ông đã không trở về từ chiến trường Việt Nam xa xôi. 

Chính từ ấn tượng ấy, đúng 50 năm sau ngày Ignacio Ezcurra mất tích, người cháu ngoại của ông - cô Luisa - bằng một hành trình tiếp bước ông ngoại, đã đến Việt Nam với chính chiếc máy ảnh ngày xưa của ông.

Chiếc máy ảnh chiến trường của nhà báo Argentina trở lại Việt Nam - Ảnh 2.

Khách tham quan xem góc ảnh của Luisa tại triển lãm - Ảnh: L.ĐIỀN

Hai ông cháu cách nhau nửa thế kỷ cùng làm một hành trình đến Việt Nam. Chỉ khác nhau ở hoàn cảnh đất nước hai thời kỳ. Ngày xưa, tác phẩm ảnh báo chí của Ignacio Ezcurra là người dân Việt Nam trong khói lửa chiến tranh, là máy bay ném bom, là những chuyến phà với người dân hớt hải chạy loạn... 

Thì nay, năm 2018, Luisa đến Việt Nam và cũng đi qua các tỉnh thành, ghi lại hình ảnh Việt Nam hôm nay bằng chính chiếc máy ảnh năm xưa, chiếc máy ảnh bước ra từ chiến tranh vẫn còn tiếp tục làm việc trên mảnh đất Việt Nam cũng bước ra từ khói lửa chiến tranh.

Chỉ có chủ nhân chiếc máy, ông ngoại của Luisa, nhà báo Ignacio Ezcurra can trường, là biệt dạng vô âm sau hai chữ "mất tích" lạnh lùng trong lòng gia đình và đồng nghiệp.

Chiếc máy ảnh chiến trường của nhà báo Argentina trở lại Việt Nam - Ảnh 3.

Chiếc máy ảnh hiệu Pentax Honeywell H3 của Ignacio Ezcurra nay được gia đình tặng lại cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - Ảnh: L.ĐIỀN

Từ 50 năm trước, Ignacio Ezcurra từng tâm sự với mẹ rằng: "Con muốn đến Việt Nam, con muốn xem điều gì xảy ra, bởi vì có điều gì đó không phải như những gì họ đang nói, con muốn đến và mang về sự thật...".

Và giờ đây, cô cháu ngoại Luisa Duggan kể về lời đề nghị của mẹ: "Khi đến ngày 50 năm ông Ignacio Ezcurra qua đời, nhà mình sẽ đến Sài Gòn, con muốn đi không?".

Càng xúc động hơn khi nghe cô Luisa chia sẻ về cảm xúc khi ấy: "Mẹ hỏi tôi từ 2 năm trước, mà cũng có thể là hỏi chiếc Pentax. Cả tôi và chiếc Pentax đều đồng ý. Chiếc máy ảnh là thứ đầu tiên tôi cho vào hành lý của mình".

Nửa thế kỷ và một Việt Nam khác

Cũng từ Việt Nam nhưng thời gian nửa thế kỷ trôi qua đã mang lại trước mắt Luisa những khung cảnh hoàn toàn khác. Một Việt Nam thời bình đang phát triển, cũng những dòng sông, cây cầu, nhưng khắp nơi đang ngập một màu xanh, và con người đang rạng rỡ một niềm vui sống. 

"Chiếc Pentax đã đưa tôi đến Việt Nam... Nó là nhân chứng duy nhất chứng kiến sự thay đổi của cuộc sống nơi này", Luisa chia sẻ.

Chiếc máy ảnh chiến trường của nhà báo Argentina trở lại Việt Nam - Ảnh 4.

Chiếc máy chữ, thẻ nhà báo, và quyển sách của Ignacio Ezcurra được gia đình tặng lại cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - Ảnh: L.ĐIỀN

Theo ghi nhận từ Đại sứ quán Argentina tại Việt Nam, tháng 1-2018, bà Encarnación Ezcurra (mẹ của Luisa) đã lên kế hoạch đến Việt Nam - nơi cha bà ngã xuống trong chiến tranh. Một trong những nội dung của chuyến đi là đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và bà mong muốn được đưa tên Ignacio Ezcurra vào danh sách những nhà báo nước ngoài bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam. 

Chuyến đi đầy ý nghĩa, ngoài một loạt hình ảnh được ghi nhận nay trở thành chất liệu chính cho chuyên đề triển lãm, gia đình đã tặng lại cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh các di vật của nhà báo Ignacio Ezcurra, gồm cả thẻ nhà báo, chiếc máy đánh chữ, và chiếc máy ảnh Pentax Honeywell H3 đã chuyền tay qua ba thế hệ nhà Ignacio.

"Triển lãm này không chỉ phản ánh giá trị lịch sử, báo chí và thẩm mỹ, mà còn mang giá trị cảm xúc quan trọng kết nối hai cách nhìn thông qua một lăng kính cách nhau 50 năm", Đại sứ Argentina Juan Carlos Valle Raleigh nói.

"Câu chuyện từ chiếc máy ảnh", do vậy, là một trường hợp đặc biệt có sức gợi để công chúng suy nghĩ sâu hơn về Việt Nam từ góc nhìn hậu chiến hôm nay.

Và với những cảm tình sâu sắc đến thế, câu chuyện từ chiếc máy ảnh truyền đời của Ignacio Ezcurra dường như chưa dừng lại, nhất là khi nghe cô Luisa Duggan bộc bạch tâm tình: "Một phần trong chúng tôi thuộc về Việt Nam, như ông tôi vậy. Chúng tôi sẽ còn trở lại Việt Nam và lăng kính của chiếc máy ảnh sẽ tiếp tục kể câu chuyện về nơi này".

Đến Việt Nam không phải là quyết định bột phát mà là quyết định kéo dài đến 50 năm. Ống kính máy ảnh đã cho tôi thấy một cách rõ nét nhất những gì tôi còn chưa rõ về nơi đây...

Lusia Duggan

Chiếc máy ảnh chiến trường của nhà báo Argentina trở lại Việt Nam - Ảnh 7.

Cô Luisa Duggan bên tấm áp phích giới thiệu mình tại triển lãm của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - Ảnh: L.ĐIỀN

Chuyên đề triển lãm mang tên "Câu chuyện từ chiếc máy ảnh" giới thiệu 130 hiện vật, hình ảnh tư liệu kết nối từ câu chuyện của nhà báo Ignacio Ezcurra từ chiến tranh Việt Nam đến cô cháu ngoại Luisa về một Việt Nam trong hòa bình. Triển lãm mở cửa từ nay đến hết ngày 30-8.

Bộ ảnh đặc biệt năm Mậu Thân 1968 của quân đội Mỹ Bộ ảnh đặc biệt năm Mậu Thân 1968 của quân đội Mỹ

TTO - Bộ ảnh đặc biệt được lấy ra từ kho tư liệu của Trung tâm lưu trữ Việt Nam thuộc Học viện Texas (Mỹ) do quân đội Mỹ thu thập từ năm 1968.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên