Từ ngày 1-6, xã Suối Trầu (Long Thành, Đồng Nai) giải thể, cầu Suối Trầu sẽ chuyển về thuộc xã Bàu Cạn - Ảnh: A LỘC
Phần lớn diện tích trên 1.350ha được sáp nhập vào xã Bình Sơn, còn lại 126ha với khoảng 700 nhân khẩu được sáp nhập về xã Bàu Cạn.
Nhiều người dân nơi đây không khỏi bồi hồi, tiếc nuối về vùng đất mà họ đã gắn bó gần như cả tuổi trẻ, tốn biết bao công sức. Nhưng nhìn về ngày mai, họ chấp nhận rời xa mảnh đất thân thương cùng nhiều mong ước.
Một thời cơ cực
Sau năm 1975, Suối Trầu đón nhận những đợt di dân đầu tiên từ nơi khác đến xây dựng kinh tế. Thời điểm đó, Suối Trầu còn là vùng đất hoang sơ, rừng thiêng nước độc, được bao quanh bởi những nông trường cao su bạt ngàn. Con đường đi vào chỉ là lối mòn nhỏ, cây cối um tùm, phải len lỏi trong rừng để đi. Bệnh sốt rét luôn tiềm ẩn, còn bệnh viện cách rất xa nên chỉ trông mong vào các bài thuốc dân gian, "ai may mắn thì qua, không may thì đành chấp nhận".
Là một trong những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất Suối Trầu, bà Phan Thị Nguyệt Ánh (54 tuổi, ngụ ấp 1) nhớ lại: "Lên đây mỗi người được phát một cây rựa, rồi bắt đầu phá rừng làm rẫy. Vắt đeo như đỉa, tre rừng gai dai và nhọn, bụi nào bụi nấy to như cái nhà, dân phải hè nhau xúm vô chặt mới có đất".
Chủ tịch UBND huyện Long Thành nói về trăn trở của người dân và hướng giải quyết cho người dân có đất bị thu hồi - Video: HÀ MI
Trong ký ức của bà Ánh, vùng đất Suối Trầu thuở ban đầu hiện lên là những bữa rau rừng, mì độn, băng rừng lội suối đi làm rẫy cùng gia đình từ tờ mờ sáng đến chiều tối.
Bà Ánh vẫn nhớ như in kỷ niệm khi mang đậu phộng qua Cù Bị (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tỉa trồng. Sau cơn mưa, con đường sình lầy khiến bánh xe đạp bị dính cứng không thể đi tiếp được, cách duy nhất là vác lên vai mà đi. "Hồi đó còn con gái mà tui vác cả xe, thêm 13 ký đậu phộng đi. Nghĩ cảnh cơ cực, tự nhiên nước mắt chảy dài" - bà Ánh bộc bạch.
Chung hoàn cảnh với bà Ánh, ông Đỗ Ngọc Dẫn (51 tuổi, ngụ ấp 2) theo gia đình từ Quảng Trị vào Suối Trầu làm kinh tế mới vào năm 1977. Người dân vào đó làm nhà tạm ở và khai phá đất để trồng trọt, sinh sống. Thời điểm vừa đến Suối Trầu không có gì để ăn, thậm chí khoai mì cũng không có, chỉ có muối mang theo. Mọi người phải hái rau dền làm món ăn chính, rồi đào khoai mài về ăn.
Cũng vì đói, đầu năm 1978, rất nhiều người dân phải đi bộ ra thị trấn Long Thành, rồi bắt xe đò lên TP.HCM kiếm sống. "Lúc tôi vô đang mùa nắng, chỉ có phát hoang thôi, mới đi vào chưa thu được gì nên đói lắm. Hầu hết cả ấp kéo nhau lên thành phố kiếm sống, rồi đến tháng 5, tháng 6-1978 mưa xuống mới về trồng bắp, trồng mì, khi đó mới trang trải làm ăn dần" - ông Dẫn nhớ lại.
Khi được hỏi về cái tên Suối Trầu, những người ngày đầu tham gia khai phá vùng đất này đều nói không biết. Ông Dẫn cho hay khi ông cùng gia đình đến Suối Trầu lập nghiệp thì không thấy dây trầu nào, chỉ có con suối ở phía cuối ấp mỗi lần mưa lớn, nước từ đầu nguồn đổ về khiến dòng suối một màu như bã trầu. Có thể đây là lý do người ta đặt tên vùng đất trên như vậy. "Tuy nhiên, đây chỉ là suy nghĩ của chúng tôi" - ông Dẫn nói.
Còn ông Phạm Văn Xuân (61 tuổi, ngụ ấp 1) thì kể mình cùng với anh trai chọn "khu tự túc" sâu trong ấp 1 phá rừng làm rẫy, mọi thứ đều phải tự túc. Nhiều gia đình cùng nhau phát quang rừng thành từng khoảnh rồi bốc thăm chia nhau, mỗi hộ được chia 1-2ha đất làm ruộng bậc thang.
Ông Xuân nói hồi đó Suối Trầu còn hoang sơ, những tháng đầu mới đến vẫn nghe được tiếng cọp gầm ở xa xa. Hằng đêm, mỗi nhà phải đốt một đống lửa lớn phía trước nhà để xua "ổng". Tuy nhiên, đáng sợ nhất vẫn là bom đạn còn sót lại từ thời chiến tranh. Người dân phát quang thấy bom đạn nằm trên mặt đất thì gom lại thành đống rồi đốt bỏ. Cách vài ngày lại nghe tiếng bom mìn nổ đì đùng.
"Hồi đó sợ nhất bom đạn, nhất là đầu đạn M79, cứ cuốc trúng là nổ, đui mắt hoặc mất tay chân. Những trái bom lớn, dài hơn 1m, đường kính khoảng 30cm thì báo chính quyền đến xử lý đưa đi" - ông Xuân kể.
Chạy dọc các tuyến đường liên thôn ở xã Suối Trầu, nhiều căn nhà người dân bỏ hoang để đi nơi khác làm ăn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Mong con cái ổn định nhà cửa
Nhiều người cố cựu ở vùng đất này đã nhớ lại một thời đói kém, rồi cuộc sống người dân Suối Trầu dần dần cũng vượt qua, đủ ăn đủ mặc. Khi "đất lành", người dân khắp nơi kéo về đây làm ăn và những nóc nhà mọc lên ngày càng nhiều. Các vườn cây công nghiệp dần dần thay thế ruộng lúa, mì, hoa màu... Thu nhập người dân được cải thiện.
Từ những năm 1990 trở đi, cùng với sự phát triển của đất nước, Suối Trầu cũng bắt đầu chuyển mình. Đường sá mở rộng hơn, trường học, trạm xá được xây lên phục vụ người dân. Cuối năm 1995, đường điện quốc gia trải dài xuyên qua những rừng cao su hướng Suối Trầu, mở ra thời kỳ mới cho vùng đất này.
"Tôi vẫn còn nhớ là cuối năm 1995 vì con đầu lòng của tôi được sinh ra vào tháng 10, cỡ 1-2 tháng sau là có điện. Cuộc sống lúc đó đỡ nhiều rồi, đất nước mở cửa, buôn bán qua lại" - ông Dẫn chia sẻ.
Khi có dự án xây dựng sân bay Long Thành nhưng "treo" nhiều năm, người dân Suối Trầu buồn nhiều hơn vui. "Nói thật chẳng ai muốn đi nhưng chính sách nhà nước, lợi ích quốc gia thì mình chấp thuận. Chỉ mong được đền bù, hỗ trợ đất sao cho thỏa đáng để người dân an tâm" - ông Doãn Văn Dung (ngụ ấp 3) nói.
Hôm qua, khi cái tên Suối Trầu không còn trên bản đồ, ông Phạm Văn Xuân cầm trên tay chiếc đèn dầu nhỏ đã vỡ bóng, tỉ mỉ gỡ từng miếng mạng nhện rồi nói: "Cái đèn này là một trong những kỷ vật còn sót lại từ thời mới về Suối Trầu sinh sống. Những ngày sắp tới, tôi chỉ mong con cháu có nhà cửa ổn định tại nơi ở mới".
Bà Phan Thị Nguyệt Ánh đưa tay thoăn thoắt khâu lại từng bao đựng hạt điều bán cho thương lái, vừa kể cuộc sống của bà gắn liền với mảnh đất Suối Trầu từ khi còn là cô bé 11 tuổi. Hơn 40 năm định cư tại Suối Trầu thì có hơn 30 năm bà làm nghề mua hạt điều, rồi trồng điều sau nhà đã giúp bà nuôi con trai khôn lớn, học hành ổn định ra trường, lấy vợ và sinh sống tại TP.HCM. Bà Ánh nói giọng trầm: "Mảnh đất gắn với bao gian khổ, ắp đầy kỷ niệm buồn vui mà, luyến tiếc lắm chứ".
Đồ họa: N.KH.
Do nằm trong dự án nên 20 năm nay, nhiều tuyến đường trung tâm xã không được trải nhựa, nâng cấp - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sẽ xin vào làm trong sân bay
Khi được hỏi sau này có ý định vào làm việc tại sân bay Long Thành, anh Phạm Minh Tấn (32 tuổi, ngụ ấp 1) cho biết nếu có cơ hội, được tạo điều kiện thì sẽ xin vào làm việc, kể cả việc phải trải qua các khóa đào tạo. Tuy nhiên, nếu không thể làm việc ở trong sân bay thì cũng không quá lo lắng bởi trên địa bàn có rất nhiều xí nghiệp, khu công nghiệp có thể xin vào làm việc. Quan trọng vẫn là lo cho tương lai các con.
"Giờ con còn nhỏ nên tôi tạo mọi điều kiện cho con ăn học, muốn học gì cho học nấy, nhất là tiếng Anh. Còn về cuộc sống sau này do các cháu lựa chọn" - anh Tấn cho biết.
Cũng theo anh Tấn, thời gian qua chính quyền địa phương đã tổ chức tư vấn, mở sàn giao dịch việc làm cho người dân. Song vẫn chưa thấy thông tin cụ thể hay các khóa đào tạo để vào làm việc trong sân bay. Do đó, anh mong muốn các ngành chức năng sẽ sớm có định hướng, tổ chức đào tạo... để giúp đỡ người dân trong vùng bị giải tỏa có thể sau này bước vào sân bay làm việc.
Giữ lại tên Suối Trầu
Xã Suối Trầu có 3 ấp gồm ấp 1, ấp 2 và ấp 3 với diện tích trên 1.400ha và gần 6.000 nhân khẩu. Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa công bố, từ ngày 1-6 sẽ giải thể xã Suối Trầu. Tuy nhiên, UBND xã cho hay nhằm giữ lại một phần kỷ niệm cho người dân nơi đây, chính quyền địa phương đã thống nhất đổi ấp 1, ấp 2 và ấp 3 thuộc xã Suối Trầu thành ấp Suối Trầu 1, ấp Suối Trầu 2 và ấp Suối Trầu 3 thuộc xã Bình Sơn.
"UBND xã đã họp, thông báo dân rồi. Giữ lại tên Suối Trầu cũng được, dân cũng thích, cảm thấy được an ủi. Dù sao vẫn còn kỷ niệm" - bà Phan Thị Nguyệt Ánh chia sẻ.
Đền bù hợp lý, sớm triển khai khu tái định cư
Bà Phan Thị Nguyệt Ánh đang tính toán kế sinh nhai khi chuyển sang nơi ở mới - Ảnh: A LỘC
Để tạo thuận tiện cho người dân ở xã Suối Trầu làm các thủ tục hành chính khi sáp nhập về xã mới, huyện đã chỉ đạo cho các ngành liên quan giải quyết thuận lợi nhất cho dân. Đối với xã Suối Trầu, sau khi giải thể vẫn tận dụng trụ sở UBND xã Suối Trầu hiện nay để bộ phận một cửa tiếp nhận, giải quyết giấy tờ của dân, đặc biệt là thay đổi chứng minh nhân dân, hộ tịch, hộ khẩu...
Ông VÕ TẤN ĐỨC
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Tấn Đức - chủ tịch UBND huyện Long Thành, Đồng Nai - cho biết: "Vị trí thu hồi đất để làm dự án tái định cư cho người dân chủ yếu nằm trên phần diện tích đất của Tổng công ty Cao su. Dự kiến tháng 9-2019, chủ đầu tư, ban quản lý dự án sẽ triển khai đồng loạt các gói thầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại hai khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và khu tái định cư Bình Sơn".
Theo ông Đức, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành của huyện cùng xã cho định vị tim mốc các tuyến đường giao thông cũng như những vị trí để xây dựng trước nhiều vị trí hạ tầng như trường học, trạm y tế, cơ sở tôn giáo... để các công trình triển khai sớm. Dự kiến đến quý 1-2020 sẽ di dời khoảng 300 hộ dân ở xã Long An và một số ít hộ dân đang ở khu vực xã Suối Trầu ra khu vực tái định cư.
Để chuyển đổi nghề nghiệp trước khi thu hồi đất, huyện đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH phát phiếu, thăm dò nhằm tìm hiểu về nhu cầu đào tạo nghề, nhất là người dân có đất trong vùng dự án sân bay. Đối với người lớn tuổi, sẽ tổ chức học nghề trồng nấm, trồng cây kiểng... phù hợp với độ tuổi. Đối với các lao động trẻ, huyện kết nối với các doanh nghiệp, công ty đào tạo nghề theo nhu cầu nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân.
Người dân từng gắn bó với ấp, xã hàng chục năm nay, nên ban đầu nghe chuyện giao đất cho Nhà nước họ cũng tâm tư, trăn trở. Khi hiểu đây là dự án quốc gia, người dân đã tự nguyện, hi sinh quyền lợi của mình. Tuy nhiên, người dân cũng sớm muốn biết sắp tới khung giá bồi thường đất ra sao, nơi ở mới sẽ như thế nào.
Được biết tỉnh cũng đề xuất Chính phủ áp dụng các khung giá đền bù, hỗ trợ có lợi nhất cho những người nhường đất để làm dự án sân bay. Huyện cũng đề nghị chủ đầu tư sớm triển khai hạ tầng khu tái định cư để làm sao người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận