Những ngày cầu Phú Long (cũ) nối quận 12, TP.HCM và thị xã Thuận An, Bình Dương trưng biển thông báo ở hai đầu cầu “Cấm lưu thông tất cả các loại xe trong vòng 43 ngày (từ 10-10 đến 23-11-2014) để tiến hành sửa chữa và thi công trụ chống va”, mỗi khi qua lại ngang qua con đường rẽ vào cây cầu là tôi hay tưởng tượng sau những ngày thi công, mở ra sẽ được nhìn thấy cây cầu với diện mạo sáng sủa.
Cầu sắt Phú Long bên sơn mới (phải) và bên thành cầu gỉ sét - Ảnh: N.H. |
Một ngày cuối tháng 11-2014, cây cầu được tháo rào chắn thi công và thông xe. Khi qua cầu tôi mới thật ngỡ ngàng. Cây cầu được gia cố và sơn mới chỉ một nửa bên phần cầu thuộc địa bàn quản lý của TP.HCM. Còn một nửa bên phần cầu thuộc Bình Dương thì thành cầu vẫn sờn tróc nham nhở.
Nhìn tổng quan cây cầu sắt Phú Long cũ, có lẽ ai cũng dễ dàng nhận ra một điều rằng cây cầu có kiểu dáng lạ, chẳng thể lẫn được với bất kỳ cây cầu nào khác bởi một nửa bên phần cầu được kết cấu bằng những khung sắt cao, với mặt sàn tráng nhựa. Và một nửa bên phần cầu được kết cấu bằng những khung sắt thấp, mặt sàn được lót bằng những tấm vỉ sắt.
Và nhiều người cũng biết cây cầu sắt Phú Long cũ chịu sự quản lý của hai địa phương là Bình Dương và TP.HCM. Thế nhưng cho dù sửa chữa, thi công hay làm mới như thế nào thì cũng từ tiền ngân sách của Nhà nước, là tiền của dân, sao hai địa phương không cùng ngồi lại bàn bạc để thống nhất với nhau một kiểu trùng tu, sửa chữa có cùng một kiểu dáng, hoặc phối hợp thi công sửa chữa, sơn mới cùng một thời điểm để thời gian hạn chế lưu thông của người dân không bị gián đoạn, kéo dài.
Có lẽ những ngày này, những ai thường xuyên qua lại trên cây cầu Phú Long cũ cũng ít nhiều có cảm giác chạnh lòng giống tôi. Và trong tôi lại có nỗi lo: biết đâu vài tháng nữa lại tới Bình Dương trưng bảng thông báo cấm lưu thông xe để gia cố, sơn một nửa phần cầu còn lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận