![]() |
Ảnh minh họa của trang thiệp điện tửTTO |
Thương ba mẹ vất vả, chị hai bỏ học vào đời sớm để phụ ba mẹ nuôi nấng đàn em dại. Mẹ tôi thương chị, muốn chị thoát cảnh nghèo nên gả chồng cho chị vào năm chị tròn 18 tuổi, khi bên nhà trai chấp nhận làm thông gia với nhà nghèo vì họ nhìn thấy chị hai tôi xinh đẹp mà lại rất đảm đang.
Bước chân về nhà chồng, chị không có được một ngày hạnh phúc. Chị làm dâu khổ trăm bề, ôm đồm hết việc nhà lẫn việc đồng áng. Chồng chị đi nghĩa vụ ba năm, những lần về phép hiếm hoi, anh dành hết thời gian cho những cuộc hẹn hò “ngoài chồng ngoài vợ”. Biết chồng có nhân tình, chị câm nín chịu đựng vì sợ ba mẹ biết sẽ buồn. Nhưng cuối cùng, chồng chị vẫn tuyên bố ly hôn vì không có tình yêu với chị. Trở về nhà ba mẹ, đêm nào chị cũng khóc ướt gối vì nỗi đau tan vỡ, vì chị còn thương anh. Chị không cam lòng nhìn thấy cảnh đàn em nheo nhóc, ba tôi thì còng lưng đạp xích lô, mẹ làm mướn, làm thuê cũng không trang trải nổi cuộc sống bữa cơm, bữa cháo.
Chị ra Sài Gòn xin việc làm. Để có tiền gửi và nuôi em, chị không từ bất kì việc nặng nhọc nào từ dọn dẹp vệ sinh đến bưng bê, khuân vác và chạy bàn cho mấy quán ăn. Vất vả hơn hai năm, chị tìm được một chân giúp việc nhà cho hai vợ chồng cô kỹ sư nhân hậu. Thấy chị nấu ăn ngon, biết thu vén nhà cửa gọn gàng lại thật thà, người chủ nhà coi chị như em gái. Khi biết hoàn cảnh chị đã qua một lần đổ vỡ, lại tảo tần nuôi bảy đứa em, cô chủ rất thương cảm nên đã giúp chị vào làm việc trong một cơ quan nhà nước.
Do trình độ hạn chế, chị chỉ làm tạp vụ rồi dần dần học thêm những việc phù hợp với khả năng mình. Với mức lương hậu hĩnh, chị giúp được ba mẹ khá nhiều về kinh tế. Sau năm năm đi làm nhà nước, chị đã có thể mua sắm thêm đồ dùng trong nhà, mức sống gia đình tôi được cải thiện tốt hơn. Mười năm đi làm, chị sửa lại được căn nhà siêu vẹo rồi bán đi để mua lại một ngôi nhà khang trang. Những đứa em trong nhà nhờ có chị mà cơm no, áo ấm rồi lại được học nghề theo nguyện vọng của mình.
Chị ba tôi sinh con sau mối tình lầm lỡ, chị hai đảm nhận nuôi đứa bé không cha, lo cho nó đầy đủ đến lúc trưởng thành. Em trai cưới vợ rồi em gái lấy chồng, một tay chị lo toan việc cưới. Chị trở thành một người mẹ thứ hai trong nhà, gánh vác hết những khó khăn kinh tế và quán xuyến các em thật chu toàn. Khi chị tái hôn, đôi vai chị lại thêm gánh nặng bởi vì ngoài người cha già và đàn em ruột thịt, chị còn phải vun vén cho mái ấm của mình, chăm sóc chồng, nuôi con…
Bốn mươi bảy mùa xuân đã qua đi, trên khuôn mặt xinh đẹp của chị hai giờ đã xuất hiện nhiều nếp nhăn, tóc chị lốm đốm những sợi bạc… Vậy mà chị chưa bao giờ có một ngày thanh thản, chưa bao giờ chị sống cho riêng mình. Như một thói quen không bỏ được, hễ bên nhà xảy ra bất kì chuyện gì, các em đều điện thoại gọi chị hai. Thế là chị tất tả chạy sang, dù là lúc nửa đêm hay lúc trời mờ sáng… Ba tôi thương chị lắm. Ba thường dạy chúng tôi phải luôn ghi nhớ công ơn trời biển của chị hai. Một tay chị vực dậy cuộc sống gia đình tôi, nhờ có chị mà chúng tôi, những đứa em vô tư đều có được một mái ấm riêng, chấm dứt hẳn những tháng ngày cơ cực.
Hôm nay, tôi mượn nét bút thay cho lời tri ân, xin mạn phép viết về chị, một người chị cao cả đáng kính, một người chị hết lòng yêu thương em và hiếu kính với cha mẹ. Chị hai tôi đã hy sinh cả cuộc đời mình để lo cho gia đình. Tôi cầu mong nửa cuộc đời còn lại của chị có thể sống bình yên và hạnh phúc… Nếu như có ai đó hỏi tôi, ngoài ba mẹ, người mà tôi kính trọng nhất là ai? Thì tôi không ngần ngại trả lời: Đó chính là chị hai yêu dấu.
TPHCM, ngày 07/12/2010
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận