26/05/2013 12:00 GMT+7

Chi tiền triệu mua hàng chống nắng

N.BÌNH - DŨNG TUẤN
N.BÌNH - DŨNG TUẤN

TT - Không chỉ đáp ứng nhu cầu che nắng cho các quý cô, thị trường hàng chống nắng bắt đầu xuất hiện các loại trang phục với nhiều tính năng được quảng cáo là “siêu việt”, như chống... tia cực tím, với giá từng món hàng được tính bằng bạc triệu.

V49LQP4x.jpgPhóng to
Tại một cửa hàng bán trang phục chống nắng được quảng cáo có tính năng chống tia cực tím - Ảnh: Tự Trung

Nếu như vài năm trước đây, những phụ kiện có tính năng... diệt khuẩn được người tiêu dùng mua nhiều thì hiện nay các sản phẩm quảng cáo chống tia UV (tia tử ngoại) lại lên ngôi. Chi vài triệu đồng cho những phụ kiện, thời trang chống nắng đang là sự lựa chọn của nhiều chị em. Tuy nhiên, các tính năng chống nắng ưu việt ở một số mặt hàng được quảng cáo trên thị trường vẫn do người bán tự công bố, chưa thấy cơ quan chức năng lên tiếng.

Gần... 6 triệu đồng một “bộ phụ tùng”

Vải nhập chống nắng giá “bèo”

Cùng với các sản phẩm chống nắng tiền triệu, các sạp và cửa hàng bán vải cũng kéo người mua bằng những mẫu vải nhập khẩu được giới thiệu có tính năng chống nắng, giá 150.000-250.000 đồng/m. Chủ một cửa hàng vải trên đường Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) cho biết phần lớn vải nhập từ Hàn Quốc với mẫu mã đa dạng, nhiều hoa văn khác nhau tha hồ lựa chọn. Khi hỏi làm sao phân biệt được vải thường với vải chống nắng được, chủ cửa hàng không hề có giấy tờ gì chứng minh khả năng chống nắng như quảng cáo mà chỉ giải thích “có sao nói vậy, xạo làm gì, buôn bán lâu năm rồi”.

Giữa trưa trời nắng như đổ lửa, chị Huyền Trang, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM lần lượt mặc từng phụ kiện chống nắng trước khi ra đường: khẩu trang trùm đầu, găng tay, áo chống nắng và cuối cùng là váy phủ chân. Chị Trang cho biết những phụ tùng này đều có thể chống tia UV, hàng nhập khẩu, đường may khá đẹp và chất vải sờ vào rất mát nên giá không hề rẻ. Ước tính bộ đồ chống nắng khoác lên người chị Trang có giá đến gần 6 triệu đồng!

Theo chỉ dẫn của chị Trang, chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán các loại quần áo, đồ dùng chống tia UV trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM). Vừa bước chân vào, chúng tôi được hai nhân viên đon đả giới thiệu liên tục các loại quần áo “lần đầu xuất hiện tại VN”. Trong không gian chưa tới 50m2, hàng trăm món hàng từ áo, quần, mũ nón, khẩu trang, mắt kính, thậm chí sản phẩm dành cho trẻ em được trưng bày chật kín trên kệ với đủ màu sắc, bắt mắt. Nhìn qua, những chiếc áo chống nắng có kiểu dáng giống như áo khoác gió, có mũ và không chỉ dành cho chị em mà còn hướng đến cả quý ông.

Theo nhân viên này, tất cả sản phẩm bày bán tại cửa hàng đều nhập khẩu từ Đài Loan có tác dụng chống tia tử ngoại. “Các sản phẩm áo được dệt từ sợi có thành phần polyamide hoặc polyester pha thêm sợi ceramic fiber nên không làm da bị cháy rám khi đi nắng” - nhân viên này khẳng định. Với mức giá từ 900.000 đồng đến gần 2 triệu đồng/sản phẩm, các loại quần áo chống nắng ở đây thậm chí còn mắc gấp đôi các loại quần áo “đồ hiệu” khác. Không riêng gì áo chống tia UV có giá cao, mặt hàng khẩu trang cũng có tới vài mức giá khủng, loại bình thường là 163.000 đồng, loại vừa chống nắng vừa chống UV lên tới 217.000 đồng, có loại lên tới 326.000 đồng. Chưa kể các loại quần chống nắng, mắt kính hay mũ nón người tiêu dùng phải bỏ ra 500.000 đến hơn 1 triệu đồng mới mua được sản phẩm chống được tia UV.

Thấy chúng tôi phân vân, các nhân viên ở đây thuyết phục: “Anh cứ yên tâm, sản phẩm của tụi em đã được cơ quan phòng chống phóng xạ và an toàn hạt nhân tại Úc là Arpansa kiểm định về chất lượng”. Vừa nói nhân viên này vừa chỉ vào “giấy chứng nhận” đính kèm cùng với tem, chỉ số 50 UPF trên tiêu chuẩn UPF (ultra violet protective factor, hệ số che chắn tia tử ngoại) trong ngành dệt may.

Khi chúng tôi thắc mắc về kiểm định chất lượng, một nhân viên giải thích do “VN không có cơ quan nào kiểm định các sản phẩm mới này”, đồng thời khẳng định “bảo đảm chống được tia UV hoàn toàn”, còn chống nắng thì... không chắc. Tuy nhiên, để duy trì được tính năng chống tia UV, người sử dụng phải giặt bằng bột giặt ít tính kiềm, thường là bột giặt dành cho trẻ em, nếu không các chất chống nắng trong sợi vải sẽ bay dần! Ghé thăm một vài cửa hàng khác trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần (Q.3), Cách Mạng Tháng Tám (Q.10)... chúng tôi cũng nhận được những lời khẳng định “công dụng chống nắng tuyệt đối” từ người bán hàng.

Hiệu quả còn mơ hồ

Giám đốc sản xuất của một thương hiệu thời trang cho biết ở các nước, những sản phẩm thời trang được may trên loại vải có tính năng cách nhiệt, khử mùi hay hạn chế tia UV khá phổ biến. Những sản phẩm này thường dùng trong các dịp đi biển, picnic, làm vườn, hoạt động thể thao... Thông thường khi dệt vải, nhà sản xuất pha thêm một số chất như sợi gốm - ceramic, hoặc sợi microfiber, hoặc có phủ lớp nano chống nắng... để tăng các tính năng mà nhà sản xuất hướng đến. Tuy nhiên, những sản phẩm chống nắng khi về VN lại được quảng cáo khác nhau theo hướng “siêu tuyệt đối” như ngừa đến 90% tia UV, có độ bền vĩnh viễn, giá bán vì thế cũng cao trên trời nên cần xem lại có đúng “tiền nào của đó” hay không.

Theo TS Nguyễn Tuyết Phương, khoa hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, một số loại vải sợi bình thường vẫn có polyester và có thể chống tia UV, mức nhiều hay ít tùy loại, những loại vải bình thường như sợi cotton vẫn có thể chặn tia UV. Về nguyên tắc, một sản phẩm có khả năng chống nắng phải có thành phần hoặc chất chống nắng trong đó. Vai trò của chất này sẽ hấp thu hết vùng phổ ánh sáng của tia UV trước khi tia nắng “chạm” đến da. “Thực tế vẫn có những vật liệu có khả năng chống tia UV an toàn nhưng chắc chắn rất đắt. Và nếu ngăn được tuyệt đối các tia UV (theo quảng cáo đến 90%) thì đòi hỏi phải đảm bảo những tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao. Muốn xác thực được sự cam đoan của các nhà sản xuất về tính năng này của các loại áo thì cần thực nghiệm kiểm chứng”, bà Phương nói.

Đặc biệt, nếu sản phẩm hấp thu hết tia UV một cách tuyệt đối như quảng cáo thì liệu chất được đưa vào trong vải có ảnh hưởng đến làn da tiếp xúc của người sử dụng? Nếu hấp thu tia UV trong một thời gian dài, cường độ cao thì các chất này sẽ như thế nào, mất đi hay bị biến dạng và có thể gây tổn thương da cho người sử dụng? Các loại vải sợi polyester trong quá trình sử dụng như phơi nắng, đi mưa, giặt giũ đều giảm chất lượng dần do các cấu tạo phân tử trong vải bị vỡ. Khó có thể có một sản phẩm chống nắng có độ bền vĩnh viễn.

TS Tuyết Phương cho rằng nếu mặc áo thông thường, ví dụ áo cotton dày, vẫn có thể bảo vệ da, chống nắng. Mặc áo sợi polyester hay polyamide mặc dù nhẹ, mỏng sẽ không thông thoáng, tất nhiên có thể gây nóng nực hơn. Theo các chuyên gia, nếu sản phẩm chống nắng may bằng vải quá mỏng thì người tiêu dùng cũng có quyền đặt nghi vấn. Tác dụng che chắn ánh nắng mặt trời của sản phẩm phụ thuộc vào độ dày, chất liệu vải áo. Màu sắc cũng quyết định hiệu quả chắn tia tử ngoại tiếp xúc với da như màu tối sẽ hấp thu tia tử ngoại UV tốt hơn màu sáng.

he7n3XlR.jpgPhóng to
Người mua đứng trước rừng thời trang chống nắng đa dạng như quần áo, váy, khẩu trang... tại chợ Tân Bình, TP.HCM (ảnh chụp ngày 25-5-2013) - Ảnh: Tự Trung

Bán chạy như tôm tươi

Dạo quanh những con đường ở TP.HCM, gần như đoạn đường nào cũng có ít nhất vài điểm bán các món hàng chống nắng. Điểm nhỏ thì treo mấy dây găng tay, khẩu trang, điểm lớn thì mẫu mã kiểu dáng đủ cả... Cô Minh, kinh doanh trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), nói: “Mấy hôm nay nắng dữ nên bán được lắm, vài chục có khi lên tới cả trăm chiếc mỗi ngày”. Bán được nhất vẫn là khẩu trang loại thường giá khoảng 5.000-8.000 đồng/chiếc. Trùm đầu mắc hơn, khoảng 15.000-20.000 đồng/chiếc. Váy áo đến 60.000-70.000 đồng một chiếc.

Tại chợ đầu mối Tân Bình, đến cuối giờ chiều 23-5, chúng tôi đếm nhanh cũng vẫn còn tám bao tải hàng của tiểu thương đang để giao hàng. Tiểu thương cho biết năm nào vào thời điểm tháng 4, tháng 5 cũng rộ mặt hàng chống nắng, nhưng năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài nên lượng tiêu thụ tăng theo. Chị Đỗ Thị Hân, chủ sạp tại chợ này, nói hàng được gom từ các cơ sở nhỏ lẻ ở Thủ Đức, Hóc Môn, Tân Bình... mỗi ngày sạp của chị có thể nhập trên dưới 3.000 chiếc, sau đó được phân loại và giá bán vì thế cũng khác nhau. Dạo quanh các chợ đầu mối mới thấy giá mặt hàng này rất rẻ, khẩu trang bình dân 25.000 đồng/chục, loại che kín mặt chỉ 70.000 đồng/chục trong khi trùm đầu chỉ 125.000 đồng/chục. Các loại váy, áo được may bằng vải thường cũng chỉ 35.000-40.000 đồng/cái.

N.BÌNH - DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên