- Tôi đã làm tư vấn hôn nhân, làm “chị Thanh Tâm” từ những năm 1984-1985. So với bây giờ, những câu chuyện của thời đó khác lắm. Hồi đó khó khăn, mâu thuẫn vợ chồng chủ yếu do hoàn cảnh chồng một nơi, vợ một nẻo, hoàn cảnh xa xôi cách trở, có những chị vợ do thiếu hiểu biết nên bị lừa một cách đáng thương.
Ví dụ như anh chồng làm việc ở thành phố, nói vợ phải ly hôn, gây mâu thuẫn gia đình để anh ấy có cơ hội được cấp nhà chẳng hạn, mà chỉ là ly hôn giả thôi. Người vợ hết lòng tin chồng, không biết ở nơi công tác anh chồng có chuyện nọ chuyện kia.
Ly hôn xong, mãi không thấy chồng về mới gọi chị Thanh Tâm. Hồi đó bao cấp, đói, vấn đề xoay quanh những chuyện do đời sống vật chất làm thay đổi đời sống vợ chồng, mà phần lớn phía muốn ly hôn là nam giới.
* Quá khứ bao cấp là vậy, còn gia đình hiện đại, theo bà có gì khác?
- Từ năm 2000 đến nay, xu hướng dịch chuyển rất rõ rệt. Khi vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc, người vợ chủ động quyết định hạnh phúc của mình tương đối nhiều hơn chứ không hoàn toàn bị lừa gạt hoặc chối bỏ như trước. Về lựa chọn bạn đời, bạn gái hỏi nhiều về sự hòa hợp tình cảm. Có người nói con gái bây giờ thực dụng lắm, nhưng những trường hợp tôi tư vấn thực tế thì không phải vậy, họ rất cần sự hòa hợp trong tình yêu.
Phóng to |
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Liễu - Ảnh: L.Anh |
Tuổi kết hôn kéo dài ra nhiều, trước đây 23-25 tuổi là đẹp, gần đây thì 26-27, thậm chí 30-31 tuổi. Dịch vụ xã hội tốt, phụ nữ có ý thức chăm sóc sức khỏe, tuổi xuân kéo dài hơn. Người phụ nữ có trình độ học vấn, tuổi kết hôn cũng không vấp váp vội vàng, điều này không chỉ thấy ở các thành phố lớn mà cả ở các tỉnh. Chuyên gia Nguyễn Thị Liễu |
Các bạn gái hơn bạn trai 2-3 tuổi mà tôi tư vấn rất nhiều. Phụ nữ đã tự tin hơn, nhất là ở nhóm có trình độ học vấn, có công ăn việc làm và thu nhập tốt, từ đó phụ nữ tạo được vị thế xã hội, có cơ hội tìm được người chồng, người cha cho con lý tưởng hơn so với thế hệ trước.
* Có điều gì mà bà thấy tiếc khi tư vấn?
- Đó là vấn đề yêu đồng giới, đây không phải là chuyện cá biệt, hi hữu. Sáng nay tôi đã tư vấn cho một trường hợp nam giới 42 tuổi, anh ấy muốn đến nói thẳng với bạn gái của người yêu (là một nam giới khác) rằng anh ấy đồng tính, để “cô ấy chạy mất dép”! Hay những trường hợp trẻ con chỉ mười mấy tuổi, bố mẹ cũng giữ bí mật, không đưa con đi khám vì sợ lộ chuyện con mình đồng tính thì xấu hổ!
Tôi khuyên các bậc cha mẹ giám sát chặt con mình, không phải theo hướng ngăn cản hay mắng chửi, mà là theo dõi tâm lý để xem có đúng trẻ yêu đồng giới hay không, hay là do cháu quý bạn quá!
* Cuộc sống khá giả hơn nhưng lại có vấn đề là ly dị nhiều hơn. Bà có thấy điều này?
- Trước đây 6-12 tháng chúng tôi thường đến tòa án làm một thống kê về tình hình ly hôn. Rõ ràng có sự gia tăng so với trước, mà không phải một bên nữ khăng khăng muốn giữ gia đình, bên nam khăng khăng muốn bỏ như xưa nữa. Như tôi đã nói, phụ nữ nếu thấy không hạnh phúc, họ có thể chủ động quyết định cho hạnh phúc của mình.
Nhưng tôi muốn nói một điều là ai sa đà rồi cũng phải trả giá. Khoảng 3 năm lại đây, tôi thấy đã có thay đổi về công việc người giúp việc. Trước đây thì phó thác hoàn toàn cho người giúp việc, nhưng nay các phụ nữ trẻ nhận ra một điều: người giúp việc không thể thay mình chăm sóc chồng mình và giáo dục con mình.
* Bà luôn nhận xét lớp trẻ năng động hơn, điều này theo bà có ý nghĩa như thế nào?
- Lớp trẻ năng động vượt trội so với thế hệ bố mẹ. Nhiều bố mẹ cứ buồn bã bảo con bận rộn quá, không chăm sóc được bố mẹ “chi tiết” hoặc động viên cha mẹ bữa ăn giấc ngủ. Phải thông cảm vì lớp trẻ có bao nhiêu là ước mơ, đó cũng là xu thế của thời đại. Ngay chị Thanh Tâm cũng phải cập nhật nhiều vấn đề thì mới tư vấn được.
Các bạn gái trẻ, năng động hỏi mà mình thì cứ giữ quan điểm cổ hủ của lớp già thì đời nào họ nghe.
Trong mỗi bạn trẻ hôm nay hẳn đều có những mơ ước riêng về một tình yêu, và mái ấm ở thì tương lai. Nhân Ngày gia đình Việt Nam 28-6, các ý kiến dưới đây sẽ cho chúng ta thấy những cái nhìn thực tế nhưng không kém phần lãng mạn của đôi lứa đang yêu mơ về mái ấm.
Chị Vũ Thị Ngọc Thảo (ở Bình Trưng Tây, Q.2, TP.HCM) bày tỏ ước mơ về một tình yêu và mái ấm trong tương lai thế này: “Tôi mong là người yêu - anh sẽ tâm lý để chúng tôi có thể cùng nhau vượt qua mọi chuyện, cả những trở ngại, khó khăn mà nhiều đôi gặp phải. Là chồng - anh sẽ đồng cảm và sẻ chia được tất cả mọi điều trong cuộc sống. Và anh cũng phải là người có sức mạnh để bảo vệ vợ và các con. Tôi thích nhà có hai cô con gái, nhất là sinh đôi nữa thì tuyệt. Tôi không chú trọng quá tới vấn đề kinh tế, với tôi, tình cảm là thứ quan trọng hơn cả. Chỉ cần 3 điều kiện đủ: đủ ăn, đủ tiêu, đủ sống là được rồi”.
Chị Lê Thị Thu Hà (ở Phước Bình, Q.9, TP.HCM) - nhân viên nhà thuốc An Phát - đã nói về mái ấm của mình thế này. “Tôi kết hôn gần một năm nay, chồng tôi làm bộ đội đóng quân ở Long Xuyên, Tiền Giang thường xuyên vắng nhà, còn tôi làm trong một nhà thuốc tây ở Sài Gòn nên vợ chồng vẫn chưa có nhiều điều kiện để hiểu và thông cảm cho công việc của nhau. Tôi mong sau này khi có con, vợ chồng sẽ dễ hiểu nhau hơn, có nhiều thời gian chăm sóc cũng như dành cho nhau những yêu thương”.
Anh Hoàng Quân - nhân viên Công ty quảng cáo O & M - viết hẳn ra cả “dự đoán” mái ấm trong mơ của mình, còn lường trước những khó khăn nếu gặp phải. “Một gia đình hạnh phúc trong quan điểm của tôi là nơi mọi thành viên đều biết sống và nghĩ cho nhau. Chính vì vậy, người vợ trong hình dung của tôi lúc nào cũng mang hình ảnh một người con gái dịu dàng, có tư duy chín chắn, biết cảm thông và biết lắng nghe. Và tôi hiểu rằng để xây dựng một mái ấm đúng như mình mong ước quả là gian nan và vô cùng vất vả. Tuy nhiên, điều tôi học được từ cha mẹ mình là mỗi khi gặp khó khăn, trở ngại, nếu bạn đặt giá trị gia đình lên trên lợi ích bản thân, bạn xây dựng gia đình thay vì thỏa mãn tự ái cá nhân thì chính lúc đó là bạn thật sự hiểu được bản chất của tình vợ chồng, của hạnh phúc”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận