19/07/2012 09:05 GMT+7

Chỉ sau một lời nói

ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY
ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY

TT - Họ vốn đã định an bài số phận của mình với những công việc bình thường, với những khát vọng bị chôn vùi. Cho đến một ngày, chỉ với một lời nói giản dị, họ đã thật sự thay đổi và trở nên nổi tiếng.

v1TYodHb.jpgPhóng to
Keith Nolan và “thông dịch viên” của mình tại một buổi nói chuyện ở Los Angeles - Ảnh: AP

Con muốn trở thành một người lính!

Keith Nolan là một người điếc có khát vọng rất mãnh liệt là được vào làm việc trong ngành... tình báo quân đội. Khi vừa đủ tuổi vào quân đội, anh đã nộp đơn tham gia chương trình đào tạo quân nhân dự bị của quân đội Mỹ (ROTC) nhưng liên tục bị từ chối vì là một người điếc. Sau 10 năm nộp đi nộp lại những lá đơn đầy vô vọng, Nolan yên phận trở thành giáo viên dạy lịch sử cho các em học sinh bị điếc.

Khát vọng tưởng như đã bị số phận đánh bại cho đến một ngày nọ, một học trò của Nolan gặp anh để hỏi đúng câu hỏi mà ngày xưa anh từng hỏi: “Thưa thầy, con muốn vào quân đội và trở thành một người lính có được không ạ?”. “Không!” - Nolan trả lời chẳng chút đắn đo. Nhưng cũng giây phút đó anh nhận ra rằng lại tiếp tục một thế hệ người điếc nữa của nước Mỹ không thể vượt qua được trở ngại này để trở thành những người mà mình mơ ước.

Anh quyết định tìm câu trả lời cho cậu trò nhỏ mà cũng là cho bản thân mình.

Bằng sự kiên trì và nỗ lực của mình, Keith đã thuyết phục một vị chỉ huy đồng ý để anh tham gia chương trình huấn luyện quân nhân dự bị của quân đội Mỹ tại Northridge. Lúc đầu Keith không được mặc quân phục nhưng anh nỗ lực tập luyện, kể cả huấn luyện ngoài thao trường, lên trực thăng. 5g sáng anh đều thức dậy tập thể dục dù không được yêu cầu và anh đã đứng vào tốp đầu của khóa huấn luyện, được phát quân phục. Sau ba vòng huấn luyện, vòng thứ tư là kiểm tra sức khỏe nhưng Keith không thể vượt qua vòng kiểm tra về thính giác. Mặc dù được các đồng đội và cả người huấn luyện ở ba vòng trước ra sức bảo lãnh nhưng luật là luật, Keith đã không thể vào được quân đội chính thức.

Nhưng giấc mơ dài của Keith vẫn chưa kết thúc. Anh tìm đến nghị sĩ bang California để thuyết phục ông này ủng hộ mình và mở rộng việc tìm kiếm sự ủng hộ, tham gia nói chuyện tại các trường đại học và nhiều sự kiện khác, đồng thời đi tìm những câu chuyện để chứng minh người điếc cũng có thể phục vụ trong quân đội như nhiều người bình thường khác. Keith dù không có khả năng nói chuyện bình thường mà phải dùng ký hiệu để nói chuyện thông qua một phiên dịch đã nhận được sự ủng hộ của hàng ngàn người.

Năm 2010, anh đến Israel để gặp 10 người lính khiếm thính và tìm hiểu câu chuyện của họ. Những người lính mà anh gặp gỡ làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, từ tình báo cho đến huấn luyện chó nghiệp vụ. Và anh nhận thấy ở Israel, người điếc vẫn có thể giữ những cương vị quan trọng trong quân đội. “Trước đây, người da đen cũng từng không được phục vụ trong quân đội và giờ thì luật đã thay đổi và họ trở thành một lực lượng đáng kể trong quân đội. Hơn nữa, 80% công việc trong quân đội hiện nay không phải là trực tiếp chiến đấu ở chiến trường, ví dụ làm việc với máy tính, huấn luyện chó, chăm sóc tại bệnh viện...” - niềm tin mạnh mẽ ấy đã tiếp tục thúc đẩy Keith ra sức tranh đấu cho quyền lợi của người khiếm thính trong quân đội.

gqrqKqf6.jpgPhóng to
Becky Blanton và chú chó đã đồng hành cùng cô trên chiếc xe tải nhỏ - Ảnh: beckyblaton.com

Tìm lại cuộc đời

Ký ức tuổi thơ của Becky Blanton là một chuỗi ngày bất hạnh với một người cha tệ bạc từng nói với cô rằng ông ước gì cô đã không sinh ra. 15 năm kể từ câu nói đó, Becky không nói chuyện với cha mình cho đến khi cô phát hiện cha bị ung thư não giai đoạn cuối. Cô gọi điện cho cha, nói chuyện rất lâu sau 15 năm im lặng. Cô tha thứ cho cha và mọi chuyện thật sự đã tốt đẹp.

Becky khi ấy là biên tập viên một tờ báo đã kể lại câu chuyện của cha mình trong một bài viết đầy xúc động và được một nhà báo nổi tiếng đề nghị trích đăng trong một cuốn sách của ông. Nhưng tình cha con chưa hàn gắn bao lâu thì một năm sau cha cô ra đi vì bệnh phát nặng. Becky cũng không còn quan tâm đến câu chuyện mà cô viết nữa.

Năm 2006, sau khi cha mất, Becky Blanton quá hụt hẫng và đau buồn. Cô quyết định từ bỏ tất cả mọi thứ, bỏ nghề báo mà cô đã làm suốt 22 năm, bỏ công việc với mức lương 35.000 đôla/năm để du lịch trên một chiếc xe tải và làm nghề viết lách tự do. Kế hoạch ban đầu của cô là du lịch, viết lách tự do và có thời gian để suy ngẫm về cha. Thế nhưng cuộc sống khó khăn trên chiếc xe tải đã nhanh chóng lái cuộc đời cô theo một hướng khác: một người thất nghiệp, vô gia cư. Cô mắc kẹt trong một cuộc sống chật vật, khổ sở và vô nghĩa, bỏ viết lách để làm một công việc với thu nhập tối thiểu để có thể nuôi sống mình và hai con vật nhỏ đi cùng. Ở trong chiếc xe tải nóng bức và chật hẹp, xoay xở để tranh thủ tắm gội ở bất cứ nhà tắm công cộng nào và lẩn trốn cảnh sát. Miêu tả bản thân mình suốt một năm sống trên chiếc xe tải cô bảo đó là “vô hình”.

Cô cứ thế sống cuộc sống nghèo khổ của một kẻ vô gia cư và chẳng có ý niệm gì về việc phải thoát ra cho đến một ngày Becky trông thấy Tim Russert - nhà báo nổi tiếng của Mỹ, nói về cô trên kênh truyền hình CNN, về bài viết mà cô viết về cha mình trước khi ông mất, còn Russert nói đến Becky lúc cô còn làm nghề viết lách tự do ngay trên chiếc xe tải.

Becky vào nhà sách tìm cuốn sách của Russert để đọc lại bài viết của mình và cô khóc. Cô suy nghĩ rất nhiều. Russert nói về cô trên kênh truyền hình quốc gia, về cha cô, còn cô lại ở đây, sống trên một chiếc xe tải trong bãi đậu xe của Walmart và là người vô hình. Chính lúc ấy cô quyết định ngồi vào bàn, trở lại nghề viết lách và tìm lại mình. “Trí tuệ và sự chính trực của tôi thì vẫn thế” - niềm tin ấy của Becky là đúng khi sau đó cô liên tiếp nhận các giải thưởng văn chương. Cô gửi câu chuyện của mình - quãng thời gian cô sống như người vô gia cư, tới chương trình TED - một chương trình nổi tiếng ở Mỹ và đã được chọn để trở thành người nói chuyện của chương trình.

Hiện Becky vẫn đang tiếp tục thực hiện cuốn sách đầu tiên của mình với tựa đề Sống đói khổ và lên ý tưởng viết cuốn sách thứ hai kể về câu chuyện chú chó của cô đã cứu sống cô trong thời gian sống vô gia cư.

Becky đã quay trở lại chiếc xe tải nhưng vẫn viết lách và gặt hái các giải thưởng để phát đi một thông điệp mà cô đã chia sẻ trong buổi nói chuyện ở TED: Đừng đánh giá một con người qua nơi họ ở, nơi họ nghỉ ngơi.

_____________________

Kỳ tới là câu chuyện của hai người phụ nữ VN. Một người bị phỏng 85% cơ thể sau vụ hỏa hoạn. Một người mất cả mẹ và anh trai vì bệnh ung thư. Sau đó họ làm gì?

Kỳ tới: Đi trên nỗi đau

ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên